24 người đi xe máy về quê trong tối 30.9 được chính quyền thuyết phục về trường học nghỉ qua đêm |
độc lập |
Nhá nhem tối ngày 30.9, 24 người trong một xóm trọ tại P.An Phú, TP Thủ Đức rủ nhau đi xe máy bỏ Sài Gòn về quê. Trên những con “ngựa chiến” chất đầy đồ đạc là hình ảnh người đàn ông da rám nắng, là người phụ nữ khuôn mặt khắc khổ còn mặc nguyên đồ bộ ở nhà và những đứa trẻ tíu tít nói chuyện. Hành trang cho đoạn đường hơn 300km chỉ là những ổ bánh mì khô khốc, chai nước và gói mì tôm để ăn sống.
Vừa chạy được 5km, tới hầm Thủ Thiêm, họ được chính quyền thuyết phục về nghỉ đêm tại một trường học, tặng bánh mì và 400.000 đồng mỗi xe làm lộ phí để hôm sau tiếp tục cuộc hành trình.
Trước khi về, tất cả họ đều đã trả nhà trọ, khăn gói tất cả đồ đạc chạy xe máy về quê |
vũ phượng |
Đó đều là những người từ An Giang, Kiên Giang lên Sài Gòn làm thợ hồ, phụ hồ hoặc thợ sơn nước. Sau 1 tháng về quê, cuộc sống của họ nay thay đổi thế nào?
Nuôi vịt, bắt cá, ra vườn hái rau
Sau 7 tiếng ngồi sau xe máy của con với nhiều chặng dừng nghỉ, vừa nhìn thấy căn nhà cấp 4 với bức tường hoen màu thời gian, cụ bà Lê Thị Ánh (74 tuổi, quê Kiên Giang) thở phào, tự nhủ: “Về nhà rồi”.
Cụ Ánh từng bật khóc ở chốt kiểm soát vì mong muốn được về quê |
vũ phượng |
Trước đó, cụ Ánh đón xe lên Sài Gòn, tính ở chơi với con với cháu 1 tuần rồi về lại lo ao vườn ở quê, vì dịch, cụ bà kẹt lại đến 5 tháng. Sốt ruột, lo sợ nhìn số ca nhiễm, số người chết tăng, nhiều lần cụ Ánh lo không biết có chờ được tới ngày trở về hay chỉ còn là nắm tro trong hũ.
Cụ bà kể, những ngày kẹt ở Sài Gòn, cả nhà sống bằng rau củ mạnh thường quân hỗ trợ. Trong căn phòng trọ bé xíu, con cái đều thất nghiệp, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên ai cũng mong muốn được về quê.
Về đến quê, cụ Ánh quên hết mọi mệt mỏi, bệnh tật |
NVCC |
“Lúc bị chặn lại khuyên đừng về nữa tôi đã bật khóc vì nhớ nhà, nhớ mấy đứa con đứa cháu còn ở quê. Tôi mong về lắm không thể chịu nổi nên tự dưng khóc lên như vậy”, cụ Ánh nhớ lại.
Cụ vẫn còn nhớ như in lúc đó bị lên đường huyết, cụ được một anh bảo vệ dân phố cho thuốc, mua tặng thêm cả thuốc bệnh tim. Một anh cán bộ khác cũng tới phát bánh mì, chai nước và gửi cụ chút tiền để về quê. Cụ nói, đó là những tấm ân tình ở Sài Gòn mà tới giờ cụ vẫn không quên được.
Cuộc sống ngày thường của cụ Ánh ở quê |
nvcc |
Về tới quê nhà, được ra ruộng, được hít thở không khí trong lành, cụ Ánh khỏe hẳn ra, quên luôn đang bị đủ thứ bệnh già. Cụ bộc bạch: “Tôi nhớ Sài Gòn chứ, nhớ dãy trọ, anh bảo vệ dân phố còn gọi hỏi thăm nói hết thuốc gọi ảnh gửi tiếp, thương mến vậy đó. Sau tết nếu hết dịch, con cháu lên lại nhưng tôi không lên nữa đâu. Về được tới nhà rồi, tôi thấy thoải mái lắm, nhìn thấy căn nhà của mình là tự động khỏe khoắn, tươi tắn lên, không có bệnh gì hết. Hôm bữa con cháu qua thăm tôi phải dằn lại để không khóc, mừng quá mà”.
Vừa lùa đàn vịt xuống ao nước gần nhà, chị Lê Ngọc Giàu (30 tuổi, Kiên Giang) cười khanh khách: “Về quê chưa có chuyện mần nên chỉ nuôi vịt, chồng đi bắt cá, kiếm chỗ ngắt rau là đủ một bữa ăn. Hôm trước tôi đã trả nhà trọ, gom hết quần áo, mấy gói mì còn dư chất lên xe vợ chồng con cái về quê, ớn dịch quá rồi”.
Được ở bên con cháu là điều hạnh phúc với cụ Ánh |
nvcc |
Lộ phí về quê hôm đó của gia đình chị Giàu chỉ là hơn 100.000 đồng để đổ xăng, 400.000 đồng được phường hỗ trợ và còn nợ lại tiền trọ. Trước khi về quê, vợ chồng chị đều được tiêm 1 mũi vắc xin, có xét nghiệm âm tính.
Theo lời chị Giàu, 4 tháng ở Sài Gòn không việc làm, có những ngày vợ chồng chị phải đi dọc kênh ở bãi đất hoang ngắt rau muống, bắt ốc bươu ăn qua ngày vì không còn một đồng nào trong người. Đến khi nhận được tiền trợ cấp Covid-19, cầm chưa nóng tay đã phải đóng tiền nhà trọ.
“Lúc đó tôi chờ hết đợt giãn cách để về quê mà vừa hết đợt này lại tới đợt khác, đâu nghĩ dài như vậy đâu. Tới ngày 30.9 là hết trụ nổi vì không còn tiền đóng trọ nên quyết định về luôn không chần chừ. 5 năm trời ở Sài Gòn hai vợ chồng làm hồ mong muốn cuộc sống ổn định, giờ về quê nuôi gà, vịt, xác định về quê luôn, có gì ăn nấy, không sợ đói, không quay lại Sài Gòn nữa”, chị Giàu tâm sự.
Vẫn nhớ Sài Gòn
Sau 1 tháng bỏ Sài Gòn về quê, ông Mai Văn Út (42 tuổi) vẫn chưa tìm được việc làm. Cũng thất nghiệp giống lúc ở Sài Gòn, nhưng đợt này, ông Út vẫn thư thái đầu óc vì không phải lo tiền trọ, không lo tiền ăn.
Bình yên ở quê nhà |
nvcc |
Ông Út cho biết, ở quê, vợ chồng ông có sẵn nhà cửa, tới bữa cơm ra vườn nhà hoặc nhà họ hàng, làng xóm ngắt chút rau; cá tươi, cá khô người cho một ít, lay lắt cũng qua ngày.
Ngày 30.9, TP.HCM vẫn còn các chốt kiểm soát cửa ngõ nhưng ông Út nói “chịu hết nổi” nên nhất quyết phải về quê. Sau 1 tháng quanh quẩn với ruộng vườn, công trình cũng vừa gọi vài hôm nữa đi làm, cuộc sống của ông cũng dần ổn định trở lại.
Lên Sài Gòn hơn 1 năm vợ chồng tôi chi tiêu hà tiện, để được gần 50 triệu nên nghĩ ráng vài ba năm nữa là đủ tiền về quê mở gì đó nho nhỏ buôn bán. Mà gặp dịch đến ngày về chỉ còn hai bàn tay trắng. Khi nào êm, hết hẳn dịch tôi mới lên lại Sài Gòn rồi làm kiếm dư sau, còn giờ ở đây tháng làm 5 – 7 bữa là cũng đủ kiếm sống rồi
Với ông Út, Sài Gòn nơi dễ sống, dễ kiếm tiền. Ông lấy ví dụ, ở quê hai vợ chồng cùng làm chỉ được 400.000 đồng/ngày nhưng không phải ngày nào cũng có việc; trong khi đó, ở Sài Gòn hai vợ chồng có thể kiếm tới 800.000 đồng/ngày, trừ mọi chi tiêu còn dằn túi được 400.000 đồng.
Khung cảnh ruộng đồng trước nhà chị Giàu |
nvcc |
Ông thật thà chia sẻ: “Lên Sài Gòn hơn 1 năm vợ chồng tôi chi tiêu hà tiện, để được gần 50 triệu nên nghĩ ráng vài ba năm nữa là đủ tiền về quê mở gì đó nho nhỏ buôn bán. Mà gặp dịch đến ngày về chỉ còn hai bàn tay trắng. Khi nào êm, hết hẳn dịch tôi mới lên lại Sài Gòn rồi làm kiếm dư sau, còn giờ ở đây tháng làm 5 – 7 bữa là cũng đủ kiếm sống rồi”.
Nhìn cảnh ruộng đồng yên bình, tâm lý thoải mái nhưng ông Út vẫn nhớ về những ngày tháng ở Sài Gòn. Ông nhớ nhất là những ngày dịch căng thẳng nhất, gần nhà trọ có người mất vì Covid-19, nhớ cả lúc muốn đổi bình gas mini 10.000 đồng cũng không có tiền để mà đổi.
“Tôi vẫn nghĩ, vẫn nhớ về Sài Gòn, có cảm giác gì đó tiếc nuối lắm. Mình lên để làm ăn mà không được lại phải quay về trong hoàn cảnh như vậy”, ông Út thở dài.
Hành trang về quê của chị Cương và chồng lúc đầu chỉ có vài bịch bánh |
vũ phượng |
Tương tự ông Út, chị Trần Kim Cương (34 tuổi, quê H.An Minh, Kiên Giang) đang mang bầu gần 6 tháng cũng cho biết sẽ quay lại Sài Gòn sau chừng 2 năm nữa. 7 năm lên Sài Gòn làm ăn, trừ mọi chi tiêu, tiền gửi về quê nhờ cha mẹ chăm con, vợ chồng chị dằn túi được 20 triệu để tết nhất lo công chuyện.
Hôm trước với bụng bầu gần 5 tháng, vợ chồng chị đã chạy xe máy về quê để có thêm thời gian gần con lớn và chuẩn bị chào đón thành viên mới của gia đình. Hết thời gian cách ly, chưa có việc làm trở lại, hằng ngày chồng chị phụ cha đắp bờ cho cái vuông sau nhà với chút cá và sò. “Về quê thoải mái lắm, nhưng để kiếm sống và đủ lo tương lai cho con cái thì vợ chồng tôi sẽ lên lại Sài Gòn. Giờ về đây mà vẫn nhớ những người quen của mình ở đó, nhớ không khí tấp nập, đường phố nhộn nhịp của Sài Gòn”, chị Cương bày tỏ.
Bình luận (0)