Về lý thuyết, sau khi sổ hộ khẩu bị 'khai tử', người dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chip, rất thuận lợi. Nhưng trên thực tế, sau 2 tháng triển khai quy định mới, nhiều vướng mắc tại cơ sở khiến người dân vất vả với những thủ tục phát sinh, thậm chí 'ước gì sổ hộ khẩu vẫn còn hiệu lực'.
Kể từ 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy chính thức không còn giá trị sử dụng. Việc này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Theo hướng dẫn của Bộ Công an, để thay thế cho sổ hộ khẩu, 7 phương thức khai thác thông tin của công dân được triển khai, bao gồm sử dụng CCCD gắn chip (3 phương thức), ứng dụng VneID, trích xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc xuất trình giấy xác nhận cư trú. Trong số này, việc yêu cầu giấy xác nhận cư trú chỉ thực hiện khi các phương thức khác không thể sử dụng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn bị yêu cầu phải có giấy xác nhận cư trú dù đã có thẻ CCCD gắn chip.
Người dân kêu khổ
Tháng 1.2023, chị A.T (trú tại Q.Tây Hồ, Hà Nội) làm thủ tục xác nhận tình trạng độc thân để đăng ký kết hôn. Do chị vừa thay đổi nơi thường trú, cán bộ yêu cầu chị phải về nơi ở cũ để xin xác nhận rằng thời điểm đó chị còn độc thân và không đăng ký kết hôn với ai.
Chị A.T quay về UBND phường cũ thì cán bộ nơi đây yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu để chứng minh chị từng cư trú trên địa bàn. Thế nhưng, sổ hộ khẩu đã bị thu hồi khi chị cùng gia đình làm thủ tục chuyển địa chỉ thường trú về nơi ở mới.
Không xuất trình được sổ hộ khẩu, chị A.T được cán bộ phường hướng dẫn sang công an xin giấy xác nhận mình từng cư trú trên địa bàn. Tuy nhiên, công an khu vực phường do mới được điều chuyển về địa bàn nên cũng không thể giải quyết vì chưa nắm hết thông tin cư dân.
Cuối cùng, chị A.T lại được công an khu vực hướng dẫn về gặp tổ trưởng dân phố nơi mình từng sinh sống để xin xác nhận mình đã từng sinh sống tại đây, sau đó mới lấy xác nhận của công an phường rồi quay lại UBND phường để được cấp giấy xác nhận từng cư trú trên địa bàn và chưa từng đăng ký kết hôn với ai. Trong suốt quá trình thực hiện thủ tục, chị A.T không được yêu cầu sử dụng thẻ CCCD gắn chip dù luôn mang theo.
Tương tự, anh K. (trú tại Q.12, TP.HCM) cho biết cách đây ít ngày có đăng ký cho con gái vào học lớp 1 ở một trường tiểu học bán trú thuộc Q.Tân Bình. Do nhà trường yêu cầu thủ tục nhập học phải có giấy xác nhận cư trú nên anh đến công an phường xin. Tại đây, anh được cán bộ cung cấp tờ khai để nhập thông tin lên hệ thống dữ liệu, nhưng làm mãi không được.
Bực bội, anh K. bỏ về, sau đó phải nhờ người nhà thực hiện giúp để có giấy xác nhận cư trú, hoàn thiện hồ sơ nhập học cho con. Theo anh, trước đây khi làm thủ tục gì chỉ cần mang sổ hộ khẩu nên rất nhanh, giờ đây sổ hộ khẩu bị bãi bỏ, tưởng là đơn giản nhưng thủ tục lại còn khó khăn và vất vả hơn.
Hay như chị K.L (trú tại Q.Hà Đông, Hà Nội) vừa mất rất nhiều thời gian để xin giấy xác nhận cư trú tại Công an P.Quang Trung (Q.Hà Đông). Ngày đầu tiên, chị ra công an phường nhập thông tin lên hệ thống dữ liệu; ngày thứ hai thì in thông tin để nộp bản cứng, cán bộ hẹn 3 ngày sau ra lấy kết quả; nhưng khi ra đến nơi cán bộ báo mạng bị lỗi chưa lấy được nên hẹn hôm sau. Tổng cộng, chị mất tới 6 ngày để xin được giấy xác nhận cư trú với thời hạn chỉ 30 ngày.
Cán bộ phường than khó
Lý giải về việc yêu cầu công dân phải xuất trình giấy xác nhận cư trú dù đã có CCCD gắn chip, lãnh đạo UBND một số phường tại Hà Nội cho biết đang gặp rất nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các danh mục thủ tục hành chính có quy định bãi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Ví dụ, với thủ tục cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, nếu công dân có nhiều nơi thường trú khác nhau sẽ gặp khó khăn vì cán bộ giải quyết không có chuyên môn để xác định được các nơi thường trú trước đây cũng như tình trạng hôn nhân ở những thời điểm đó của công dân. Khi quét mã QR Code trên CCCD gắn chip hoặc khai thác trên phần mềm một cửa hoặc sử dụng tài khoản VneID, các thông tin của công dân không thể hiện đầy đủ, thiếu thường trú theo các giai đoạn và các thành viên trong cùng một hộ khẩu.
"Công chức giải quyết thủ tục hành chính chỉ còn cách khai thác dữ liệu thông qua phần mềm một cửa của thành phố, kết quả tra cứu nhiều lúc báo lỗi do không kết nối được dữ liệu dân cư quốc gia. Nhưng kết quả tra cứu cũng chỉ xác định được hộ khẩu thường trú của công dân hiện tại, chưa thực hiện được việc tra cứu thông tin lịch sử quá trình chuyển khẩu qua nhiều nơi cư trú", một lãnh đạo phường chia sẻ.
Một cán bộ của UBND phường khác thì cho biết có 2 cách kiểm tra thông tin gồm quét mã QR Code trên CCCD gắn chip và khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đều chỉ hiển thị họ và tên, địa chỉ cư trú, số CCCD, chưa kể có trường hợp người dân sang nơi ở mới nhưng mã QR vẫn thể hiện ở nơi cũ nên phải cập nhật.
"Trường hợp công dân muốn làm thủ tục đăng ký khai sinh, khai tử thì chúng tôi sẽ gọi điện cho công an phường xác thực thông qua cán bộ cảnh sát khu vực. Nếu đúng công dân có hộ khẩu ở đây, chúng tôi sẽ giải quyết. Trường hợp đăng ký kết hôn hoặc xác nhận tình trạng hôn nhân, chúng tôi bắt buộc phải hướng dẫn công dân sang bên công an phường để làm xác nhận cư trú vì mình không biết công dân cư trú tại địa phương từ ngày, tháng, năm nào", cán bộ phường nói.
Vẫn theo vị này, trước đây người dân mang theo sổ hộ khẩu nên cán bộ có thể nhìn vào đó để xác định thời gian họ cư trú trên địa bàn, không cần làm xác nhận cư trú. Còn hiện tại, nếu người dân bị thu sổ hộ khẩu hoặc không có giấy tờ để chứng minh trước đây họ từng cư trú trên địa bàn hoặc không đủ điều kiện làm thủ tục hôn nhân thì cán bộ phường bắt buộc phải dựa vào xác nhận cư trú của công an để làm việc.
Công an nói gì ?
Thượng tá Nguyễn Minh Thơ, Phó trưởng Phòng PC06, Công an TP.HCM, cho biết qua kiểm tra tại bộ phận một cửa của 4 đơn vị cấp huyện và 9 đơn vị cấp xã, cơ quan chức năng ghi nhận đa số cán bộ, công chức, viên chức tại đây còn lúng túng, chưa thành thạo trong việc khai thác thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; còn tình trạng yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận cư trú khi giải quyết thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân đối với trường hợp có quá trình cư trú biến động.
Theo thượng tá Thơ, việc xác minh tình trạng cư trú là nghĩa vụ của cán bộ tiếp nhận giải quyết thủ tục. Điều này đã gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến việc các cơ quan báo chí thường xuyên phản ảnh về nội dung này. Công an TP.HCM đã có kiến nghị Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan thường xuyên thực hiện công tác hướng dẫn, kiểm tra, chấn chỉnh và yêu cầu các đơn vị ngành dọc thực hiện nghiêm Nghị định 104/2021, trong đó có các thủ tục liên quan như: xác nhận độc thân, đăng ký kết hôn, cấp điện, nước và tuyển sinh... để hạn chế việc bắt công dân xuất trình giấy xác nhận thông tin về cư trú trước khi cấp giấy xác nhận.
Đồng thời, Bộ Tư pháp cần chia sẻ, liên thông cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho ngành dọc để phục vụ tra cứu thông tin giải quyết thủ tục hành chính nhất là xác nhận tình trạng độc thân và đăng ký kết hôn.
Công an TP.HCM cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các cục nghiệp vụ thường xuyên hỗ trợ, khắc phục kịp thời ngay khi xảy ra tình trạng mất kết nối đường truyền dữ liệu dân cư để đảm bảo công tác làm sạch dữ liệu, công tác cấp CCCD, định danh điện tử, chia sẻ thêm các trường thông tin công dân để bộ phận tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính có thể tra cứu và không yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy xác nhận cư trú.
Còn theo Công an TP.Đà Nẵng, việc phát sinh giấy xác nhận cư trú trong khi đã có các phương thức khai thác khác là do quá trình biến động chỗ ở công dân chưa được cập nhật liên tục vào CCCD. Một thời gian nữa, khi thông tin cư trú công dân kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì bộ phận giải quyết thủ tục hành chính có thể truy cập, sẽ không cần xác minh cư trú.
Chưa kể, việc cấp giấy xác nhận cư trú đã tăng thêm áp lực, công việc cho công an xã, phường. Công an TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo công an địa phương trực 24/7 để giải quyết nhu cầu kích hoạt tài khoản định danh mức 2 cũng như xác nhận cư trú cho người dân. Hiện tại, các xã, phường thuộc TP.Đà Nẵng vẫn chưa được cấp máy quét CCCD để đăng nhập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nếu chỉ quét bằng điện thoại thì không thể khai thác hết dữ liệu liên quan, chỉ có những thông tin cơ bản.
Đã có những thuận lợi bước đầu
Bên cạnh các trường hợp gặp khó khăn, cũng cần ghi nhận việc bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy đã mang lại những thuận lợi nhất định cho người dân.
Điển hình như trường hợp anh N.Đ.T (trú tại Q.Hà Đông, Hà Nội). Sáng 1.3, anh T. cùng vợ (trú tại Hải Phòng) tới bộ phận một cửa ở UBND phường làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận kết hôn. Quá trình làm việc, cán bộ tư pháp phường yêu cầu hai người này xuất trình CCCD gắn chip, đồng thời kiểm tra giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của chị vợ (đã xin được xác nhận của chính quyền địa phương tại Hải Phòng).
Tiếp đó, anh T. truy cập cổng dịch vụ công trực tuyến của UBND TP.Hà Nội rồi thực hiện quy trình 5 bước theo hướng dẫn của hệ thống. Chỉ sau 40 phút bổ sung thông tin và chờ đợi, anh T. được UBND phường cấp cho 2 bản giấy chứng nhận kết hôn. Khi làm thủ tục, cán bộ phường không yêu cầu anh bổ sung thêm giấy tờ gì khác, đồng thời anh cũng không gặp bất cứ khó khăn, vướng mắc nào. Trường hợp anh T. gặp thuận lợi có lẽ do anh sinh sống ổn định tại nơi đăng ký thường trú từ khi sinh ra đến thời điểm hiện tại, không chuyển địa điểm thường trú nên không phát sinh thủ tục xác minh.
Cũng chia sẻ về kết quả mang lại từ việc bỏ sổ hộ khẩu, ông Nguyễn Anh Khôi, Trưởng văn phòng Công chứng Nguyễn Khôi (Hà Nội), cho biết với các trường hợp đã cấp CCCD gắn chip, khách hàng chỉ cần sử dụng thẻ để nhân viên phòng công chứng quét mã QR Code, khai thác thông tin khi chứng thực. Trường hợp phát sinh thông tin khác biệt, nhân viên văn phòng công chứng sẽ trích xuất từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để khai thác.
Nhìn chung, việc bỏ sổ hộ khẩu mang đến một số thuận lợi nhất định, bên cạnh vài thời điểm cơ sở dữ liệu còn chậm, phải thực hiện thao tác nhiều lần mới trích xuất được thông tin. Riêng trường hợp chưa có thẻ CCCD gắn chip, khách hàng buộc phải xuất trình giấy xác nhận cư trú để nhân viên công chứng đối sánh.
Bình luận (0)