Ngay từ tối qua, các hoạt động của lễ hội đã diễn ra ngay dưới chân tháp. Đồng bào người Chăm từ các Plây Chăm ở xa tận huyện Tuy Phong, Tánh Linh, Bắc Bình, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc đã tề tựu đông đủ.
Sáng nay, mới sáng tinh mơ, nhiều đôi trai tài gái sắc của các làng Chăm từ Tánh Linh, Ma Lâm, Phú Lạc đã khăn gói về với tháp cổ để chuẩn bị đón xem nghi lễ chính thức là lễ rước y phục của nữ thần lên tháp.
Hàng nghìn lượt bà con người Chăm trong tỉnh và du khách ở Mũi Né đến tháp PôsahInư xem lễ hội
Kiệu rước y trang của nữ thần lên tháp
Phát biểu khai mạc, Trưởng ban tổ chức lễ hội Nguyễn Ngọc Hạnh - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận cho biết, lễ hội năm nay được tỉnh đầu tư lớn nhất. Thay vì những năm trước chỉ có đồng bào người Chăm ở các làng Chăm thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, thì năm nay tất cả các làng Chăm trên địa bàn tỉnh đều về với lễ hội truyền thống này.
Theo vị sư cả Thông Minh Toàn - Phó chủ tịch hội đồng chức sắc Bà Là Môn của người Chăm, lễ hội Ka Tê là lễ hội truyền thống của người Chăm theo đạo Bà La Môn. Nhưng tổ chức dưới chân tháp PôSahInư thì mới chỉ được phục dựng từ năm 2005, sau nửa thế kỷ bị lãng quên.
Lễ hội Ka Tê dưới tháp PôSahInư là dịp để quảng bá nền văn hóa dân gian Chăm, một cộng đồng dân cư với hơn 3 vạn người sinh sống ở các huyện của Bình Thuận. Thông qua các hình thức diễn xướng, ẩm thực, múa quạt, kèn saranai, trống Paranưng… đây là dịp để du khách đến Mũi Né hiểu được nền văn hóa đặc sắc của người Chăm nói chung và lễ hội bên tháp Chăm Pa cổ nghìn năm tuổi nói riêng.
Điệu múa quạt đóng vai trò chính trong nghi thức rước y trang thần PôsahInư lên tháp
Tiếng trống Paranưng và tiếng kèn Saranai là âm nhạc chủ đạo của lễ hội Ka Tê
Toàn bộ tháp chính đang được UBND tỉnh Bình Thuận cấp kinh phí trùng tu
Hiện nay Bình Thuận đã giải ngân gần 30 tỉ đồng để bảo trì, duy tu tháp cổ PôSahInư và xây dựng các công trình xây dựng khác phục vụ cho phát triển du lịch.
Tháp PôSahInư được xây dựng từ cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ thứ 9 (trên đồi Bà Nài, xã Phú Hài, TP.Phan Thiết, nơi trước đây có lầu Ông Hoàng) để thờ thần PôSahInư, vị công chúa của vua Chăm Para Chanh.
Bình luận (0)