Sau khi đạt được tiến triển nhất định trong việc triển khai tiêm phòng vắc xin Covid-19, một số nước đang thận trọng dỡ bớt các quy định phong tỏa. Trong khi đó, giới chuyên môn cho rằng vi rút gây bệnh có khả năng tồn tại lâu dài và khuyến cáo duy trì các biện pháp phòng dịch cần thiết.
Thận trọng nới lỏng
Theo Reuters, Israel hôm qua bắt đầu mở cửa lại nền kinh tế sau khi hơn 45% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Tất cả cơ sở kinh doanh được mở cửa lại, nhưng phòng tập gym và nhà hát chỉ mở cửa đối với những người đã tiêm chủng hoặc đã hồi phục sau khi mắc Covid-19. Các biện pháp giãn cách xã hội vẫn được duy trì và cơ sở tôn giáo buộc phải giảm phân nửa số lượng tín đồ tập trung. Việc nới lỏng quy định được áp dụng tròn 1 năm sau khi Israel ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên.
Tại châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết tất cả những người trưởng thành tại nước này sẽ được tiêm liều vắc xin đầu tiên trước thời điểm cuối tháng 7. Dự kiến trong hôm nay (22.2), ông Johnson sẽ đưa ra lộ trình nhằm nới lỏng các quy định giới hạn, sau khi đạt mục tiêu tiêm vắc xin Covid-19 cho 15 triệu người thuộc nhóm có nguy cơ cao vào giữa tháng 2. Dự kiến Anh sẽ tiêm liều vắc xin đầu tiên cho tất cả những người trên 50 tuổi trước ngày 15.4. Đến nay, Anh đã tiêm liều vắc xin đầu tiên cho khoảng 17,2 triệu người, tương đương hơn 1/4 dân số. Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cảnh báo mọi người không nên tự mãn, và quy định phong tỏa sẽ được nới lỏng một cách thận trọng theo từng bước.
Mỹ cũng đặt mục tiêu chủng ngừa toàn dân vào cuối tháng 7. Song song đó, giới chức y tế kêu gọi các trường học mở cửa lại một cách an toàn và trong thời gian sớm nhất, với kế hoạch chi tiết nhằm giới hạn lây lan Covid-19. Kế hoạch này nhấn mạnh việc đeo khẩu trang, rửa tay, khử trùng và truy vết tiếp xúc. Tuy nhiên, kế hoạch chỉ khuyến cáo các giáo viên tiêm vắc xin chứ không bắt buộc.
|
Tăng tốc chủng ngừa
Cũng trong hôm qua, Thủ tướng Úc Scott Morrison được tiêm liều vắc xin Covid-19 đầu tiên và ông cho rằng chương trình tiêm chủng là bước tiến lớn giúp nước này quay trở lại trạng thái bình thường. Dự kiến 4 triệu người Úc sẽ được chủng ngừa trong tháng này. Chính phủ Úc sẽ theo dõi chương trình tiêm chủng để có những điều chỉnh chính sách phòng dịch phù hợp, bao gồm việc kiểm soát các nguy cơ lây nhiễm giữa các bang, cũng như giữa Úc và các nước.
Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chung Sye-kyun hôm qua cho hay nước này sẽ triển khai tiêm 117.000 liều vắc xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech từ ngày 27.2, một ngày sau khi triển khai tiêm vắc xin của AstraZeneca. Theo Yonhap, Hàn Quốc sẽ tiêm chủng cho khoảng 10 triệu người có nguy cơ cao như các nhân viên y tế và những người ở trại dưỡng lão trước cuối tháng 7.
Cũng tại châu Á, Malaysia quyết định triển khai tiêm vắc xin Covid-19 từ ngày 24.2, sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch, sau khi tiếp nhận lô vắc xin đầu tiên vào hôm qua, gồm 312.390 liều của Pfizer/BioNTech. Malaysia dự định tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số trong vòng 1 năm. Nước này sẽ tiếp tục nhận vắc xin của liên doanh trên vào ngày 26.2 và sẽ tiếp nhận mỗi 2 tuần cho đến khi nhận đủ tổng cộng 32 triệu liều. Bên cạnh đó, Malaysia cũng sẽ nhận vắc xin của Sinovac (Trung Quốc) vào ngày 27.2.
Vi rút sẽ tồn tại lâu dài
AFP hôm qua dẫn lời Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật châu Âu Andrea Ammon cảnh báo rằng vi rút gây Covid-19 có thể tồn tại vô thời hạn, dù tỷ lệ mắc bệnh trên toàn cầu giảm gần phân nửa trong tháng qua và nhiều nước tăng tốc tiêm vắc xin. Chuyên gia này kêu gọi các nước không nên lơ là vì vi rút này “dường như thích nghi tốt trên người” và có thể khiến giới khoa học sẽ phải điều chỉnh dần các vắc xin, như trường hợp cúm mùa.
|
Bình luận (0)