Bước ngoặt của làng nghề
Vào những năm đầu thế kỷ 20, tại cù lao Long Khánh A, nghề trồng dâu nuôi tằm và dệt vải lãnh Mỹ A phát triển thịnh vượng. Nhà nhà, người người đều tham gia các công đoạn dệt nên cuộc sống nhiều gia đình khá sung túc.
Đến những năm 1960, vải công nghiệp phát triển, màu sắc đẹp, chất lượng tốt nên lụa lãnh Mỹ A khó cạnh tranh, nhiều thợ dệt không mặn mà theo đuổi nghề. Đứng trước nguy cơ làng nghề bị mai một, hai cụ Nguyễn Văn Đúng, Nguyễn Thị Muội đến An Giang học hỏi hình thức sản xuất khăn choàng, rồi về sản xuất và truyền lại cho người dân địa phương. Từ đó, nhiều người làm nghề dệt lãnh Mỹ A chuyển sang dệt khăn choàng.
Ban đầu, làng nghề chủ yếu dệt thủ công, với rất nhiều công đoạn như: xả chỉ, nhuộm màu, lên hồ, phơi chỉ, mắc cửi, dệt… Một thợ dệt giỏi "cày" 1 ngày chỉ được 10 chiếc khăn choàng, sản phẩm làm ra không đủ tiêu thụ.
Khoảng giữa thập niên 1980, nhận thấy việc dệt khăn thủ công không đủ sức cạnh tranh, ông Nguyễn Văn Hiếu (Tư Hiếu) lên TP.HCM học tập công nghệ dệt máy. Sau đó, ông trở về quê, mày mò sáng chế ra khung dệt chạy bằng máy dầu (loại máy dầu Ấn Độ). Có máy dệt chạy bằng dầu thay cho "máy" chạy "bằng cơm", bà con có thêm động lực duy trì nghề. Thế nhưng, do chi phí nhiên liệu khá cao, trong khi thị trường tiêu thụ dần thu hẹp, công nghệ dệt máy dầu dần ngưng sản xuất.
Đầu năm 1998, lưới điện quốc gia về đến xã Long Khánh A, nhiều người theo nghề dệt tìm hiểu và mua khung dệt chạy bằng mô tơ điện về lắp đặt và thuê luôn thợ vận hành máy dệt về chỉ dạy cho thành thạo với công nghệ dệt bằng điện. Nếu như dệt bằng tay, mỗi ngày người thợ chỉ có thể dệt được 10 cái khăn choàng thì với khung dệt bằng máy, mỗi người có thể đứng dệt cùng lúc 2 - 3 khung, năng suất tăng gấp 10 lần. Máy dệt điện giúp giảm bớt thời gian, chi phí, tăng khả năng cạnh tranh sản phẩm trên thị trường, tạo nên luồng sinh khí mới cho quá trình lưu giữ và phát triển nghề dệt nơi đây.
Phá cách để đưa sản phẩm đi xa
Các nghệ nhân làng nghề cho biết lúc đầu, chiếc khăn choàng của xã Long Khánh A chỉ có 2 màu đen - trắng hoặc nâu - trắng đan chéo nhau tạo thành những ô vuông. Có lẽ chính bởi các lằn ngang dọc ấy nên nhiều người còn hay gọi là khăn rằn. Chiếc khăn bình dị nhưng rất nhiều công dụng: choàng tắm, quàng cổ, quấn đầu, lau mồ hôi, thắt lưng, đựng lương thực khi đi đường, làm võng cho trẻ em... Điều đặc biệt đối với sản phẩm là dùng càng lâu thì vải càng mềm, khả năng thấm nước càng tốt.
Hiện nay, màu sắc khăn thay đổi đa dạng theo nhu cầu thị trường như: trắng đen, trắng xanh, xanh đỏ ca rô… nhưng cơ bản vẫn giữ đường nét sọc ca rô trên sản phẩm như truyền thống. Dù ứng dụng máy móc vào hơn 80% công đoạn dệt khăn nhưng công đoạn mắc cửi vẫn phải làm thủ công, máy móc không thể thay thế. Đây là công việc tỉ mỉ nhất và cũng là điểm nổi bật, được xem là nét độc đáo, thể hiện sự tài ba, nét sáng tạo của các thợ dệt trong mỗi sản phẩm.
Mỗi lần mắc ra một hoa cửi sẽ dệt được 1,5 tháng. Để có được hoa cửi bông nhị, bông vuông, bông tua… theo ý muốn, người thợ phải sắp những ống chỉ theo đúng trình tự và thứ tự để ráp đúng hoa văn. Đồng thời, để có được những hoa văn đẹp, tinh xảo thì trong quá trình mắc cửi, người thợ phải có kinh nghiệm tạo ra các sọc ca rô hay các hoa văn và cần phải biết cách biến tấu các họa tiết, hoa văn trẻ trung nhằm tạo điểm nhấn, mang sắc thái riêng. Nếu việc mắc cửi sai đi một sợi chỉ hay hoán đổi đi một vị trí sợi chỉ màu nào đó không theo ý muốn thì xem như việc mắc cửi không thành công và phải thực hiện lại từ đầu.
Chính tài hoa của các thợ dệt mà sản phẩm khăn choàng Long Khánh A ngày một cải tiến. Cuối năm 2014, làng nghề đưa ra thị trường một loạt sản phẩm mới, đó là khăn choàng cổ có sự kế thừa truyền thống kèm theo sự phá cách về màu sắc, kiểu dáng, hoa văn... cho phù hợp thời đại, được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá cao. Cụ thể, chiếc khăn choàng cổ được thiết kế tinh tế, có 2 - 3 màu, sọc ca rô lớn hơn, hai đầu khăn có thắt tết lại, mặt khăn dày hơn, bao bì thiết kế bắt mắt… Khăn choàng cổ của làng nghề đã được UBND tỉnh Đồng Tháp chọn làm quà tặng tiêu biểu cho khách trong và ngoài nước mỗi khi đến địa phương công tác, tạo ra bước phát triển mới cho làng nghề.
Nhờ sáng tạo, nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, khăn choàng Long Khánh A được bán phổ biến tại siêu thị, điểm bán quà tặng, khu du lịch và kênh thương mại điện tử… Nhu cầu thị trường tăng nên số hộ theo nghề tăng trở lại. Nếu như năm 2015 có 115 máy dệt với 56 hộ, 230 lao động theo nghề thì đến năm 2023 có gần 150 máy với 60 hộ và 360 lao động. Mỗi năm, làng nghề cung cấp hơn 5 triệu chiếc khăn choàng các loại cho thị trường trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: "Nghề dệt khăn choàng xã Long Khánh A được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vinh dự và tự hào của người dân Đồng Tháp, vừa đáp ứng được nguyện vọng, mong mỏi của người dân ở làng nghề. Đây là sự ghi nhận, biểu dương xứng đáng với thành quả lao động của biết bao thế hệ nghệ nhân và các hậu duệ đã ra sức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của vùng đất này. Tỉnh sẽ quan tâm hỗ trợ để làng nghề duy trì và phát triển hơn trong thời gian tới". (Còn tiếp)
Bình luận (0)