'Rủi ro nhóm cổ đông lớn thâu tóm ngân hàng như vụ SCB'

Mai Hà
Mai Hà
05/06/2023 16:10 GMT+7

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ lo ngại rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn như ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, đơn cử như vụ việc bà Trương Mỹ Lan và Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).

Chiều 5.6, Quốc hội thảo luận lại tổ dự thảo luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Dẫn lại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 - 2023, đại biểu Hà Sỹ Đồng đánh giá tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay "sân sau"... trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại.

'Rủi ro nhóm cổ đông lớn thâu tóm ngân hàng như vụ Trương Mỹ Lan - SCB' - Ảnh 1.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị)

GIA HÂN

Theo ông, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần không hề mang đúng bản chất là "công ty đại chúng và niêm yết chứng khoán" như quy định pháp luật hiện hành, nhưng cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn rất khó vạch tên, chỉ mặt. 

Thực tế, việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, "có vấn đề" diễn ra chậm chạp, không đạt mục tiêu dự tính, dù ngành ngân hàng đã trải qua nhiều giai đoạn tái cơ cấu kéo dài suốt từ năm 2011 tới nay.

Theo đại biểu Đồng, vụ việc SCB "bục" ra tháng 10.2022 là một hệ luỵ nặng nề nhưng tất yếu của tình trạng trên. Đây là lý do quan trọng phải sửa luật Các tổ chức tín dụng.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Rủi ro nhóm cổ đông lớn thâu tóm ngân hàng như vụ SCB

Ông cũng chia sẻ những vấn đề cụ thể như sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cho thấy tính chất rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro hệ thống do làm gia tăng một số rủi ro chính. Rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau (trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu). 

Điều này khiến vốn toàn hệ thống không gia tăng thực mà chỉ tăng trên sổ sách, kéo theo hệ lụy làm sai lệch về quản trị ngân hàng, cũng như việc đánh giá rủi ro, trích lập dự phòng hay giám sát các hoạt động tài chính.

Ngoài ra, rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan như việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của NHTM.

"Chẳng hạn như Baovietbank và PVcombank có cổ đông là doanh nghiệp nhà nước sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ. Vụ việc Trương Mỹ Lan - SCB; nhóm cổ đông tại ACB...", ông Đồng dẫn chứng. 

Dù có quy định các ngân hàng không được phép cho cổ đông của mình vay vốn, nhưng trên thực tế chủ sở hữu lại có thể cho vay đối với các công ty, doanh nghiệp con của những cổ đông này. Đại biểu đoàn Quảng Trị cũng lo ngại, một khi giám sát không chặt chẽ, các chủ sở hữu có thể chi phối để dòng tiền chảy vào các dự án "sân sau" của mình.

Do mạng lưới phức tạp trong mối quan hệ sở hữu giữa các ngân hàng, khi xuất hiện rủi ro, rất dễ xảy ra "hiệu ứng domino" không chỉ trong hoạt động ngân hàng. Ban đầu, rủi ro xảy ra với một hoặc một vài tổ chức riêng lẻ, sau đó sẽ nhanh chóng lan ra các tổ chức, doanh nghiệp bởi quan hệ giữa dòng vốn đầu tư, cho vay... Điều này sẽ tạo ra rủi ro lan truyền giữa các khu vực trong thị trường tài chính và tới các khu vực của nền kinh tế thực. 

Siết giới hạn cấp tín dụng có thể ảnh hưởng GDP

Đề xuất các vấn đề cụ thể, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng dự thảo luật cần tập trung rà soát quy định pháp luật người có liên quan và quy định về tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông và người có liên quan cho phù hợp, tránh việc một số trường hợp thuê, nhờ người không có quan hệ gia đình đứng tên sở hữu cổ phần để gián tiếp gia tăng tỷ lệ sở hữu chi phối tại một tổ chức tín dụng.

Về việc giảm giới hạn cấp tín dụng tập trung, ông Đồng đề nghị cân nhắc thời điểm áp dụng. Bởi lẽ so với chuẩn mực quốc tế, quy định mới này đang khắt khe hơn một số nước trong khu vực châu Á. 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn suy yếu thì việc siết giới hạn cấp tín dụng sẽ có thể ảnh hưởng đến nguồn lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm và cho cả giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn suy yếu thì việc siết giới hạn cấp tín dụng sẽ có thể ảnh hưởng đến nguồn lực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP năm và cho cả giai đoạn 2021 - 2025. 

Đặc biệt, ông Đồng đề nghị nghiên cứu xem xét mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút dòng vốn ngoại. Đây vừa là nguồn tiền thật để tái cơ cấu ngân hàng, vừa góp phần cải thiện công nghệ quản trị công ty trong ngân hàng...

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) cũng cho rằng cần làm rõ các quy định liên quan đến cổ đông lớn, nếu cố tình che giấu hoặc nhờ cổ đông khác đứng tên để sở hữu chéo, vượt mức thì quản lý ra sao? 

Bà Mai đề xuất rà soát kỹ người có liên quan để thống nhất với luật Doanh nghiệp và luật Chứng khoán, phát sinh các trường hợp kê khai như con riêng của vợ hoặc chồng, anh em cùng cha khác mẹ… 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: "Sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB chưa từng có trong lịch sử"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.