Rưng rưng trước tình phụ tử của cô gái 9X suy thận giai đoạn cuối

25/11/2021 09:16 GMT+7

Câu chuyện về bữa ăn do chính tay ba chuẩn bị cho con gái khi vào viện chạy thận chạm vào trái tim mỗi người. Bài viết thu hút hơn 97.000 lượt like, gần 3.000 lượt bình luận.

Biến cố tuổi trẻ

Người đăng tải bài viết là chị Tạ Thị Ngọc Linh (25 tuổi, ngụ TP.Phan Thiết, Bình Thuận) với tấm hình bữa ăn ngon đặt kế bên cánh tay đang lọc máu. Chị Linh là bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Đều đặn mỗi tuần 2 lần, chị đến Bệnh viện đa khoa An Phước (TP.Phan Thiết) chạy thận. Mỗi lần con gái đi viện, ba chị đều dậy từ sớm để chuẩn bị mọi thứ từ bữa ăn, quần áo. Câu chuyện khiến dân mạng xúc động nghẹn ngào.

Bữa ăn do chính ông Đông chuẩn bị cho con gái khi vào viện chạy thận

NVCC

Năm 2018, khi chị Linh 22 tuổi, căn bệnh ập đến. Một lần, chị ngất xỉu và hôn mê trong 2 ngày. “Lúc phát hiện bệnh, tôi chưa nhận thức được bệnh này nó nghiêm trọng như thế nào. Tỉnh dậy, tôi mở mắt ra và nhìn thấy ba đầu tiên. Lúc đó, nhìn ba như già đi mấy tuổi, tôi mới hiểu bệnh này thật sự nghiêm trọng”, chị tâm sự.

Căn bệnh suy thận mạn đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống của chị. Thời điểm đó, Linh đang là sinh viên khoa du lịch - lữ hành. “Khi bệnh rồi, một tuần vài lần tôi phải tới bệnh viện, gắn mình với máy lọc máu, thậm chí suýt chút nữa thôi tôi đã bỏ dở việc học. Cũng may, tôi được gia đình và nhà trường giúp đỡ. Năm 2020, tôi đã lấy được bằng tốt nghiệp. Nhưng lấy về rồi, tôi cũng không làm được gì, coi như giấc mơ biến mất trong tầm tay, chỉ biết nhìn tấm bằng vậy thôi”, chị Linh bùi ngùi.

Tâm sự với Thanh Niên, ông Tạ Ngọc Đông (53 tuổi, ba của chị Linh) nói: “Nghe tin con bệnh, tôi nghẹn ngào và sững sờ nhìn con, không nói được gì. Sợ hãi nhất là lúc con gái trở nặng, bị co giật trợn mắt, không biết có tỉnh lại nữa hay không”. Ba năm đầu, chị Linh mất 500.000 đồng/lần chạy thận, 1 - 1,5 triệu đồng/lần truyền máu, chi phí thuốc men cũng tốn thêm vài trăm ngàn đồng/tháng. Gần đây, chị Linh xin được bảo hiểm cho người mắc bệnh hiểm nghèo nên chi phí chạy thận giảm xuống nhưng vì dịch bệnh, mỗi lần vào viện chị phải làm xét nghiệm Covid-19 cũng tốn kém.

“Chi phí điều trị thật sự là gánh nặng lớn, không phải cho bản thân tôi mà là cho ba. Tôi thật sự muốn giúp ba nhưng bất lực”, cô gái trẻ bộc bạch.

Những bữa ăn do chính ông Đông chuẩn bị cho con gái khi vào viện chạy thận

nvcc

“Ba là cả thế giới”

Mỗi lần chạy thận mất khoảng 4 tiếng, tác dụng phụ kéo dài mỗi ngày khi Linh mất ngủ, huyết áp lúc cao, lúc thấp, ăn uống kiêng khem nhiều thứ và không thể làm việc nặng. Ba chị Linh ít nói, không tâm sự nhiều. Tình thương của ông thể hiện qua hành động. Bình thường, mẹ chị Linh là người nấu ăn cho gia đình.

Nhưng mỗi khi con gái nói thèm ăn cái này, cái kia, ông Đông lại xông xáo nấu nướng cho con. Những món ăn đơn giản chứa đựng tình cảm bao la của người cha. “Ngày đi bệnh viện, ba dậy lúc 4 giờ 30. Ba chuẩn bị đồ ăn và mọi thứ sẵn sàng. Quần áo trong nhà cũng là ba giặt. Nhiều đêm tôi thức trắng, chỉ ngủ được 30 - 40 phút vào lúc gần sáng. Ba tắt báo thức rồi chờ đến khi cận giờ, mới gọi tôi dậy”, chị Linh chia sẻ.

Quãng đường từ nhà đến viện, chị Linh ngồi sau lưng ba. Lúc đó, chị luôn có cảm giác an toàn và được chở che. Dù bận bịu công việc, ba luôn tranh thủ giờ trưa qua đón chị về rồi chạy đi làm tiếp. “Với tôi, đơn giản ba là cả thế giới. Nếu không có ba, tôi sẽ không thể sống đến bây giờ. Mọi thứ của tôi đều do ba mẹ cho cả”, tiếng nấc nghẹn từ đầu dây bên kia khiến PV quặn lòng.

Với chị Linh, ba là cả thế giới

nvcc

Bình tĩnh lại, chị Linh nói thêm: “Tôi cảm nhận được tình thương của ba mẹ dành cho mình rất nhiều và rất lớn. Ông trời thật sự đối với tôi bất công rất nhiều. Nhưng hiện tại, tôi hạnh phúc vì ba mẹ luôn ở sau lưng. Tôi chưa bao giờ sợ hãi điều gì hết. Khi tôi mệt mỏi, đau đớn, tôi luôn có ba mẹ bên cạnh vỗ về, bóp tay bóp chân cho mình”.

Với ông Đông, con gái cũng là tài sản quý giá, chẳng gì có thể đổi được. Nhiều lúc, ông cảm thấy mệt mỏi với nhiều gánh nặng trên vai nhưng tình thương của một người cha đã giúp ông cố gắng, vực dậy tinh thần để bước tiếp. “Khoảnh khắc hạnh phúc nhất với tôi là khi con gái cùng gia đình ngồi ăn cơm, nói chuyện vui vẻ và các thành viên đều mạnh khỏe. Mong ước lớn nhất bây giờ là con gái luôn sống vui sống khỏe cùng gia đình”, ông Đông mong ước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.