Rừng trồng khai thác cũng khổ

14/05/2012 10:32 GMT+7

Người trồng rừng H.Nông Sơn (Quảng Nam) đang “kêu trời” vì bị làm khó, nhất là khi Thông tư 01/2012 của Bộ NN-PTNN có hiệu lực.

Xã ký mới được bán - mua

Theo thông tư trên, chủ rừng muốn khai thác gỗ rừng trồng phải làm hồ sơ có xác nhận của chính quyền địa phương. Hồ sơ bao gồm: đơn xin khai thác rừng trồng, dự kiến sản lượng và bảng kê lâm sản trong một chuyến xe vận chuyển. Bảng kê lâm sản quy định, chủ rừng phải tiến hành kiểm kê đường kính, độ dài theo từng chuyến xe. Điều đáng nói là, mỗi bảng kê này cần có xác nhận của UBND xã và cả kiểm lâm địa bàn gây nhiều phiền hà cho người dân. “Nhiều lần đến ủy ban xã để xin xác nhận thì cán bộ đi vắng, hôm sau đến lại nghe đi họp, đến khi có được chữ ký thì kiểm lâm địa bàn lại không có mặt. Trong khi đó, gỗ đã hạ xuống, không chuyển ngày nào thì thiệt hại cho chúng tôi ngày đó” - ông Trần Văn Hộ, một chủ rừng trú tại thôn Trung An, xã Quế Trung nói. Theo ông Hộ, để mỗi chuyến xe suôn sẻ với 2 chữ ký trên, thông thường ông phải mất 3 ngày mới  hoàn thiện một bảng kê lâm sản. Một chuyến xe trung bình có thể chở 10 tấn, mỗi ngày chưa nhập được hàng sẽ hao hụt gần 1 tấn cân nặng. Sau 3 ngày xe mới nhập được hàng sẽ thiệt hại 3 tấn gỗ, lỗ 3,6 triệu đồng/chuyến. Đó là chưa kể cách tính toán đường kính, chiều dài để ghi vào bảng kê, chủ rừng phải mất đến 3 nhân công cho việc thống kê.

Rừng trồng khai thác cũng khổ 1
Hàng chục khối gỗ rừng phơi nắng để… chờ ký mới được xuất đi - Ảnh: Hoàng Sơn

Trong khi đó, gỗ keo nhập cho các nhà máy là loại có thể tận dụng kể cả cành, nhánh nên người mua không phân biệt đường kính, dài hay ngắn. Theo người thu mua, để viết vào bảng kê cho chính xác mất nhiều thời gian, 3 người kiểm đếm, một ngày làm việc cật lực chỉ có 4 xe. Do vậy, chủ rừng thường thống nhất với kiểm lâm địa bàn để ước khối lượng, vì thế tiêu cực cũng từ đây mà ra. Được biết, mỗi kiểm lâm địa bàn tại H.Nông Sơn quản lý 2-3 xã. Hiện tại, H.Nông Sơn đang bước vào mùa khai thác “rộ”, nên việc ký các bản kiểm kê rất rườm rà, mất thời gian. “Tôi đã từng ngồi uống 9 ly cà phê để được một kiểm lâm xác nhận”, một người mua gỗ cho biết.

Ông Phạm Quí Viễn, Chủ tịch UBND xã Quế Phước, xác nhận:  “Chúng tôi đã nhận được nhiều phản ánh của người dân về sự phiền hà của Thông tư 01. Diện tích khai thác rừng rộng, mỗi ngày người dân phải đi lại nhiều lần để xin chữ ký của ông kiểm lâm rồi về ký tại xã thì quả là mất thời gian”.

 Rừng trồng khai thác cũng khổ 2
Ông Trương Văn Sáu, mệt mỏi với các bảng kiểm kê lâm sản - Ảnh: Hoàng Sơn

Nặng gánh “quỹ công đoàn”

Ông Trương Văn Sáu, chủ thu mua cây keo tại xã Quế Phước cho biết hiện ông đang nợ kiểm lâm địa bàn 120.000 đồng gọi là “quỹ công đoàn” vì 4 xe tải (10 tấn/xe) đã được xuất đi nhưng ông chưa kịp nộp số tiền này. Tuy nhiên, mỗi lần thu quỹ, phía kiểm lâm không có bất kỳ phiếu thu hay các loại giấy tờ khác. “Khi tôi hỏi tại sao lại có loại phí này, kiểm lâm cho biết đây là chỉ đạo của cấp trên" - ông Sáu nói.

Không chỉ ở Quế Phước, người trồng rừng tại xã Quế Trung cũng bức xúc vì loại phí vô lý này. Ông Trần Văn Hộ, trú thôn Trung An nói: “Chúng tôi thống nhất với chủ trương thu 200.000 đồng/ha rừng để đóng vào ngân sách xã cho phí phòng cháy chữa cháy. Nhưng “quỹ công đoàn” là quỹ gì, chúng tôi không hề biết mà vẫn phải đóng”. Ông Nguyễn Kim Dũng, Chủ tịch UBND xã Quế Trung, khẳng định: “Hiện tại, toàn xã có 167 ha đăng ký khai thác và địa phương chỉ thu những loại phí đúng quy định. “Quỹ công đoàn” là thỏa thuận của chủ rừng với kiểm lâm địa bàn, chúng tôi không rõ”. Theo nhiều chủ rừng, trước đây người bán không đóng bất kỳ loại phí nào. Nhưng kể từ ngày 28.3, mỗi chuyến xe đều bắt buộc phải đóng 30.000 đồng, nếu không thì… ghi nợ.

Ông Đoàn Xuân Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Nông Sơn, cho biết: “Phía hạt không có chủ trương thu loại phí này, kể cả công đoàn cũng không. Hay là phía xã thu vì xã hay thu ngân sách”. Phản ánh việc kiểm lâm địa bàn thu loại phí này, ông Đoàn Xuân Thanh khẳng định đã làm việc với kiểm lâm tại 2 xã Quế Trung, Quế Phước và “không có vấn đề đó”.

Hoàng Sơn

>> Rừng giao cho nhóm hộ bị tàn phá
>> “Sốt” đất trồng rừng
>> Nữ chủ nhân của 500 ha rừng
>> Người yêu rừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.