Rừng xanh trên đất đỏ

Hiền Dương
Sóc Trăng
06/12/2023 15:00 GMT+7

Phải một lần trở về với quá khứ đau thương mà bi tráng của tiền nhân, chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa hai câu thơ: "Núi Côn Lôn được pha bằng máu/Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người".

1. Khắp miền Đông, dường như bất cứ đâu cũng dễ dàng bắt gặp những tán rừng xanh trên đất đỏ chứ không riêng gì Côn Đảo. Nhưng chỉ khi đặt chân đến Côn Đảo tôi mới thực sự thấm thía cái ý nghĩa vừa kỳ diệu vừa thiêng liêng mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này.

Rừng xanh trên đất đỏ - Ảnh 2.

Vịnh Đầm Tre

Hiền Dương

Với độ che phủ hơn 80% - cao nhất nước, bầu không khí Côn Đảo tinh sạch hơn bất kỳ đâu. Như một thung lũng nằm trọn trong vòng tay của dãy núi Chúa sừng sững cao, Côn Đảo đẹp mơ màng với rừng nguyên sinh và thảm thực vật xanh ngút trải dài từ mép biển lên tận đỉnh núi. Anh kiểm lâm trẻ nói với chúng tôi, rừng ở đây rất đặc biệt: có lát hoa miền Bắc, dầu cát Tây nguyên và cả đước vẹt của rừng Nam bộ, như hệ thực vật thu nhỏ ở Việt Nam.

Đó là khi chúng tôi băng qua bãi Vông tiến về vịnh Đầm Tre. Chỉ một con đường độc đạo. Trên vai người kiểm lâm là 15 kg đồ thiết yếu đeo liên tục trong 4 giờ di chuyển đoạn đường 6 km lên xuống dốc, vượt biển băng rừng.

Thiên nhiên hoang sơ, từng tia nắng, ngọn gió mát bao bọc chúng tôi. Tiếng cành lá leo reo, vài con chim gầm ghì cất tiếng hót. Chúng tôi trèo lên đỉnh Con Ngựa để ngắm toàn cảnh Đầm Tre. Mùa chướng, gió ở Vịnh tưởng có thể làm bật gốc những cái cây nhoài mình ra biển. Người kiểm lâm dáng nhỏ liu xiu. Đứng ở nơi núi rừng trời biển giao nhau chung quanh được bao bọc bởi khu Ramsar, anh cười biểu: "Ở đây cái gì cũng thiếu chỉ thừa thiên nhiên".

2. Thơ mộng là vậy nhưng phải một lần trở về với quá khứ đau thương mà bi tráng của tiền nhân chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa hai câu thơ: "Núi Côn Lôn được pha bằng máu/Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người". Dường như ở đây, mỗi tảng đá, gốc cây hay ngọn cỏ đều thấm máu xương của hàng vạn sĩ phu yêu nước.

Nhà-tù-Côn-Đảo

Nhà tù Côn Đảo

Hiền Dương

Không đi hết những phòng giam, xà lim, chuồng bò, chuồng cọp… được dựng lên trong suốt 113 năm dưới ách xâm lược, nhưng qua mỗi gian buồng chật chội bao quanh là tường đá lạnh lẽo, hồi tưởng về quá khứ, hình dung kiếp sống đọa đày của tù nhân, chúng tôi đều lặng người đi. Qua mỗi phòng ở khu biệt giam, chúng tôi như thấy cả những cơ thể gầy gò bầm dập nằm chen chúc lên nhau dưới nền xi măng lạnh thấu xương, như nghe cả tiếng kêu thảm thiết của người tù bị đổ vôi, chọc sào, tiếng rên rỉ đau đớn vì vết thương hoại tử, nhiễm trùng khi bị dìm xuống hố phân và cả tiếng xiềng xích khua rền bóng tối.

Không đi hết những bãi Sọ người, cầu Ma Thiên Lãnh, nghĩa trang Hàng Keo nhưng chỉ nghe cái tên thôi cũng đủ khiến người ta rùng mình.

Không đi hết đoạn cầu tàu 914 chỉ vỏn vẹn 300 m nhưng vẫn nghe đôi chân mình nặng mỏi bởi câu hát "Côn Lôn, sỏi đá, kiếp người" và vần thơ "Đá bao nhiêu khối máu đào bấy nhiêu".

Không đi hết nghĩa trang Hàng Dương nhưng vẫn cảm nhận đầy đủ cái lạnh lẽo của tên gọi vùng đất này. Có lẽ đây là nghĩa trang duy nhất mà càng về đêm khuya càng nhiều người đến viếng. Khi đứng trước hàng ngàn nấm mồ mờ tỏ những que hương tôi mới thấu tỏ lời của người thuyết minh viên: gọi Côn Đảo là địa ngục trần gian, bởi trong hơn một thế kỷ đau thương, số người chết vì đọa đày, tra tấn, lao động khổ sai nhiều gấp mấy lần số dân hiện sống trên đảo.

3. Nhưng địa ngục xưa đã hóa thiên đường nay. Như những rừng cây vẫn hoài xanh, những bãi biển màu ngọc vẫn êm đềm vỗ bờ cát trắng. Bến tàu 914 hiện giờ không phải bãi đá ngổn ngang đè nát xương người mà là điểm tham quan du lịch, nơi đón bình minh và cũng là nơi tàu thuyền cập bến nhộn nhịp vào buổi sáng.

Lớp lớp xương thịt cha ông đã ngàn đời hòa với đất đai, hóa thành màu đỏ như mắm và đước ngã xuống để cho tràm, cho màu xanh, cho sự bền vững vươn mình. Đất đỏ là để cho rừng xanh. Người chết là để cho người sống.

Rừng xanh trên đất đỏ - Ảnh 4.

Rừng Côn Đảo

Hiền Dương

Từ vùng đất đau thương mất mát, Côn Đảo hồi sinh mạnh mẽ trở thành thiên đường nghỉ dưỡng, phát triển du lịch tâm linh, du lịch khám phá trải nghiệm thú vị bậc nhất. Mà đâu riêng gì Côn Đảo, vùng đất đỏ miền Đông cũng đang đồng lòng gác lại quá khứ hướng đến tương lai để xứng đáng là "Thành đồng Tổ quốc", đi đầu trong đổi mới và phát triển kinh tế mà người dân vẫn giữ được bản sắc, cái hồn chân chất, tính cách thân thiện, cởi mở, nghĩa tình.

4. Tôi gọi chuyến đi là sự trở về. Lúc đến Bảo tàng Côn Đảo như để điểm lại cuộc hành trình về nguồn, dù rằng những chứng tích ở đó sẽ khiến ai nấy phải rùng mình khi lắng nghe câu chuyện đằng sau, nhưng khiến tôi xúc động nhất có lẽ là bức ảnh yêu đời của tù nhân khi được trở về với tự do ngày non sông thống nhất. Và cũng không quên được ở gian khánh tiết có một cụm tượng với cánh tay phá tan xiềng xích bên cạnh là những cánh bồ câu bay lên. Chị thuyết minh nói với tôi: "Đó là khát vọng hòa bình".

Rừng xanh trên đất đỏ - Ảnh 5.

Bức tượng "khát vọng hòa bình" trong Bảo tàng Côn Đảo

Hiền Dương

Khi ngồi ở bàn tưởng niệm ghi những dòng cảm nhận vào sổ lưu niệm, không phải vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng hùng vĩ với hoa lá tốt tươi hay màu xanh bất tận của biển trời khiến người ta tin vào sự thánh thiện, vĩnh hằng; điều khiến tôi nhớ nhất lại là bóng lưng chăm chỉ cần mẫn của anh kiểm lâm trẻ, nâng niu từng cái cây ngọn cỏ nơi thâm sơn, lúc rảnh lại lom khom gom nhặt rác thải đại dương rồi tái chế những gì dùng được làm thùng đựng rác cho du khách đến vịnh Đầm Tre để làm đẹp thêm vùng đất này. Vùng đất không phải quê hương nhưng được anh yêu bằng tình yêu máu thịt.

Tôi càng nhớ khoảnh khắc dòng người đông nghịt đổ về Nhà tù Côn Đảo trong buổi chiều lất phất mưa và nghĩa trang Hàng Dương trong đêm mịt mù gió biển gào thét. Đó không chỉ là những tấm lòng biết tri ân của thế hệ cây non hôm nay luôn hướng về nguồn cội mà tin chắc còn là những trái tim xanh luôn yêu chuộng hòa bình.

Rừng xanh trên đất đỏ - Ảnh 1.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.