Đoàn được lãnh đạo địa phương hướng dẫn đến viếng thăm các di tích lịch sử - văn hóa của địa phương. Trong lộ trình, đoàn đến dâng hương tại Khu tưởng niệm liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM hy sinh trong công cuộc vệ quốc và tình nguyện giúp nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng do tập đoàn Pôn Pốt gây ra. Khu tưởng niệm tọa lạc tại xã Long Phước, được xây dựng uy nghiêm mà trang nhã, hài hòa giữa công trình xây dựng với thiên nhiên. Khuôn viên khu tưởng niệm rộng hơn 5 ha, được thiết kế như một công viên xanh, có thể làm nơi cắm trại về nguồn, tổ chức sự kiện, lễ hội cho nhiều người tham gia.
Sống ở Tây Ninh gần nửa thế kỷ, nhiều lần tôi đã nghe kể về Khu tưởng niệm liệt sĩ TNXP tọa lạc tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu. Dịp này, theo đoàn văn nghệ sĩ đến dâng hương tưởng niệm 99 liệt sĩ TNXP, mới tận mắt thấy, tai nghe rõ lịch sử hào hùng. Thực sự ngưỡng mộ những tấm gương hy sinh anh dũng, khi các anh các chị mới bước vào tuổi thanh xuân.
Tôi cũng sinh ra cùng thời với các anh, các chị, và cũng trực tiếp tham gia chiến đấu chống quân Khmer Đỏ ở mặt trận Tây Nam bộ. Trong làn khói nhang bảng lảng, ký ức ùa về...
Tháng 8.1978, mặt trận An Giang rền vang tiếng súng, lửa cháy, khói súng mịt mù khét lẹt, ta và địch chỉ cách nhau vài chục mét. Chiến hào của chúng tôi bùn đất nhão nhoét, trang phục anh lính nào cũng bê bết bùn, mặt mũi lấm lem. Giặc điên cuồng bắn các loại đạn, pháo cối về phía chúng tôi, nghe rõ tiếng chúng hô hào binh lính tiến công. Chúng tôi kiên cường giữ vững công sự, có anh bị thương máu đầm vai áo vẫn giữ vững tay súng nhả đạn về phía quân thù. Những người bạn cả nam lẫn nữ, trong trang phục xanh, từ phía sau đến tận chiến hào tiếp tế đạn dược, nước uống, cơm vắt cho từng chiến sĩ. Những chiến sĩ bị thương được các anh, các chị sơ cứu dìu về phía sau, một số anh bị thương nặng và những anh đã hy sinh được đưa lên võng hai người khiêng về hậu cứ…
Khi ấy, chỉ biết các anh các chị là TNXP, ai cũng lo nhiệm vụ của mình, chả kịp hỏi han nhau, có chăng cũng chỉ là câu "cảm ơn" khi nhận đồ tiếp tế, chúng tôi nhận thêm những nụ cười tươi như bông hoa trong gió. Các anh, các chị đến tận chiến hào tiếp thêm nghị lực, lòng can đảm, quyết tâm của cánh lính chúng tôi như được nhân lên…
Mới đó mà đã 45 mùa xuân qua đi. Những kỷ niệm một thời là lính, những dấu ấn nơi chiến hào trận mạc, đồng đội hy sinh. Máu hòa với mồ hôi, nước mắt… Để hôm nay đất nước thanh bình, biết bao người con ngã xuống. Máu của các anh, các chị góp phần để hôm nay nước Việt, dân tộc Việt "sánh vai với các cường quốc năm châu".
Thật tự hào khi được tận hiểu về sự hy sinh của 99 anh chị TNXP ở mặt trận chống quân Khmer đỏ thời ấy. Biết đâu, trong số 99 anh chị, đã có người trực tiếp ra chiến hào tiếp tế cho chúng tôi ở mặt trận An Giang ngày ấy? Điều làm tôi xúc động mạnh là hầu hết các anh, các chị ngã xuống khi tuổi đời người lớn nhất mới bước sang 20. Có những người như anh Lý Anh Dũng, chị Nguyễn Thị Kim Mai mới chỉ bước sang tuổi 16. Vâng! Thanh niên Việt Nam, từ 15 tuổi là đủ điều kiện để được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Bất chợt, nhớ đến chị Võ Thị Sáu ngã xuống dưới nanh vuốt kẻ thù, khi ấy chị cũng chỉ vừa 16 tuổi. Hay anh Kim Đồng (Nông Văn Dền) hy sinh khi làm nhiệm vụ liên lạc, lúc bấy giờ anh vừa tròn 15 tuổi.
Đất nước có giặc ngoại xâm, việc thanh niên phải tham gia đánh giặc giữ nước đã trở thành truyền thống văn hóa ngàn năm của dân tộc Việt. Sự hy sinh của các anh, các chị góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam.
Thi sĩ Nguyễn Đình Hào - thành viên đoàn Văn nghệ sĩ cảm tác, cho ra bài thơ ngay sau khi nghe cô hướng dẫn viên nói lời cuối. Bài thơ có tên Tuổi trẻ cống hiến: "Trước khu tưởng niệm bồi hồi/Biết bao ký ức xa xôi ùa về/Từng đoàn trai, gái hả hê/Trong ngày nhập ngũ lời thề quyết tâm/Hy sinh quyền lợi âm thầm/Dựng xây kinh tế ở miền biên xa/Thế rồi giặc giã tràn qua/Chiến tranh vệ quốc tham gia đồng lòng/Tiếp lương, tải đạn, cứu thương/Đắp san, xây dựng cung đường quân qua…/Những phen giặc đến vây ta/Sát vai dũng sĩ tham gia diệt thù/Tuổi trẻ cống hiến vô tư/Bao người ngã xuống mái đầu còn xanh…/Các anh, chị kính yêu ơi/Ngàn thu yên giấc sử xanh tạc hình".
Tôi cứ bần thần, ngẩn ngơ trước tảng đá được cắt mài một mặt, đặt uy nghiêm dưới chân ngôi đền thờ. Anh Hàm Chương nói nhỏ, "họ tính khắc bài văn bia, tạc ghi công trạng 99 anh hùng liệt sĩ". Đứng cách xa phiến đá, nhìn cảnh quan tổng thể, tôi tưởng tượng phiến đá là một giọt máu khổng lồ. Giọt máu đào hóa thạch!
Chợt nảy ra ý: Xin đừng viết gì, vẽ gì nữa/Hãy để yên/Cho 99 trái tim yêu ngã xuống/Khi chưa biết làn môi nóng/Chỉ có tình yêu bất diệt/Giọt đào hóa thạch.
Bình luận (0)