Rước họa vì ăn thịt 'lạ': Uống huyết dơi, huyết rắn để... 'sung'?

18/02/2020 07:00 GMT+7

Trong dân gian, vẫn có những lời truyền tai nhau về 'công dụng' của tiết, mật, huyết động vật hoang dã, nhưng ít ai nghĩ đang 'rước bệnh' vào người vì những loại 'thịt lạ'.

Chùa Dơi tại phường 3, TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng) nổi tiếng ở miền Tây, bởi nơi đây có hàng ngàn con dơi ngựa quý hiếm, to lớn, có sải cánh dài cả mét sinh sống trên các cây cổ thụ. Hằng đêm dơi đi ăn ở các vườn cây ăn trái thì bị người dân lén lút săn bắt để bán cho các quán nhậu. Dơi trở thành món ăn “đặc sản” hiếm có, món "thịt lạ" ở địa phương này.

Truy tìm “nghi phạm” phát tán virus corona: Dơi, rắn và tê tê?

Càng “độc” giá càng cao

Ông Sơn Dương, một người dân gần chùa Dơi, chia sẻ: “Tôi sống ở đây gần một đời người. Hồi đó dơi nhiều lắm, nhưng nay còn rất ít vì nhiều người thích nhậu thịt dơi nên các quán nhậu tìm mua dơi để chiều lòng khách nhậu. Hiện tại tôi biết ở Sóc Trăng có một, hai quán nhậu có dơi, nhưng phải là người quen chủ quán mới bán. Một con dơi hiện có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng, được chủ quán chế biến thành nhiều món như: nấu cháo, rô ti, khìa... Đặc biệt, tiết dơi pha với rượu là món mà dân nhậu rất “khoái” vì cho rằng uống vào sẽ “tăng cường bản lĩnh đàn ông”.
Ngoài tiết dơi, tại nhiều nơi ở miền Tây, dân nhậu có thói quen lấy tiết, mật của nhiều con vật như: rắn, trút (tê tê), rùa, cần đước, cua đinh… để pha rượu uống. Ở Tiền Giang, có một quán nhậu chuyên về “tất tần tật” các loại rắn đã tồn tại lâu đời. Tại đây, những loài rắn càng độc sẽ được bán với giá càng cao, thậm chí có con giá lên đến hàng chục triệu đồng. Theo một nhân viên quán, những thực khách hạng sang mới hay ăn các loại rắn hổ. Thông thường, sau khi mua rắn, thực khách sẽ yêu cầu cắt tiết, mật ra riêng để pha rượu mạnh uống với mục đích “cường dương”.

Chặn xe khách chở động vật hoang dã vào TP.HCM - Video tư liệu

Rước họa vì ăn thịt 'lạ': Uống huyết dơi, huyết rắn để... 'sung'?1

Dơi được chế biến thành món “khoái khẩu” ở một số tỉnh miền Tây

Ảnh: Đình Tuyển

Nguy cơ nhiễm bệnh, tử vong rất cao

Bác sĩ (BS) CK2 Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện (BV) đa khoa T.Ư Cần Thơ, cho rằng thói quen sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm mang nhiều rủi ro. Tại Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều loài động vật hoang dã được xem là đặc sản, như: dơi, chuột, rắn, rùa, chim, thậm chí có cả tê tê...
Riêng thịt dơi, một trong những “nghi can” gây ra dịch Covid-19 hiện không hiếm ở ĐBSCL, nhiều nhất là ở Sóc Trăng... Dơi thường được chế biến trước khi ăn, nhưng rất nhiều trường hợp người dân lấy huyết dơi pha rượu uống với một lý giải rất mơ hồ là để “sung”. Điều này rất nguy hiểm nếu dơi mang mầm bệnh thì người chế biến, người sử dụng đều có nguy cơ lây bệnh rất cao. Những bệnh lây qua đường tiêu hóa thường gặp như: nhiễm trùng đường ruột, nhiễm trùng máu, suy đa cơ quan và dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Tương tự, rất nhiều loài động vật khác cũng bị lấy huyết pha rượu uống, như: ba ba, rắn, tê tê, trăn... Việc này có thể trở thành người truyền bệnh nếu động vật đó bị bệnh.
BS Vũ Ngọc Lương, một chuyên gia về rắn, công tác tại Bệnh viện Quân y 120 (Quân khu 9, đóng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang), khẳng định quan niệm uống tiết rắn để bổ dưỡng, tăng cường sinh lực nam giới là nhận định chưa chính xác.
Rước họa vì ăn thịt 'lạ': Uống huyết dơi, huyết rắn để... 'sung'?2

Một quán nhậu ở TP.Sóc Trăng (Sóc Trăng) mua dơi bán cho khách

Ảnh: C.T.V.

“Nhiều người cứ nghĩ ăn gì bổ đó và uống máu tươi thì cực bổ nên mới có các kiểu ăn tiết canh, pha rượu với huyết tươi để uống. Trong khi đó, máu trong cơ thể sống là một tổ chức di động được tạo thành từ thành phần hữu hình là các tế bào (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu) và huyết tương. Chức năng chính của máu là cung cấp các chất nuôi dưỡng và cấu tạo các tổ chức cũng như loại bỏ các chất thải trong quá trình chuyển hóa của cơ thể như khí carbonic và acid lactic. Máu cũng là phương tiện vận chuyển của các tế bào (cả tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể lẫn tế bào bệnh lý). Môi trường máu lại là nơi rất dễ bị phân hủy và là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn, virus, giun, sán sinh sống, ký sinh. Cấu tạo và chức năng của máu rắn độc, dơi cũng không nằm ngoài quy luật đó”, BS Lương giải thích thêm và cho rằng việc sử dụng rắn độc là đã vi phạm các quy định pháp luật về tiêu thụ động vật hoang dã.
Hành vi này không những sẽ bị phạt nặng mà nghiêm trọng hơn là nếu trúng độc, bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, tụt huyết áp, khó thở, phù não... Không ít trường hợp tử vong hoặc trở thành người ngớ ngẩn vì ngộ độc nặng hoặc nhập viện quá muộn.
Rước họa vì ăn thịt 'lạ': Uống huyết dơi, huyết rắn để... 'sung'?3

Ở một số nhà hàng, quán ăn, rắn được xem là “đặc sản”, giúp đàn ông “sung”

Ảnh: Đình Tuyển

Theo PGS-TS Trần Phủ Mạnh Siêu, máu động vật chứa nhiều loại ký sinh trùng, vi khuẩn, virius... cũng giống như thú nuôi, mỗi loài thú hoang dã có hệ vi sinh vật ký sinh khác nhau, và khác với người, do đó khi lây lan sang người, chúng sẽ gây nên bệnh rất nguy hiểm, gọi là bệnh động vật (zoonoses). Trong chuyên ngành truyền nhiễm, đây là nhóm bệnh lớn, phức tạp và khó chẩn đoán, khó điều trị vì tác nhân gây bệnh mới lạ, chưa có thuốc đặc trị.
(còn tiếp)

Nhiều loại virus Corona có nguồn gốc từ động vật hoang dã

Theo thông tin cập nhật mới nhất từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, một số loại virus Corona có nguồn gốc từ động vật, tức có thể lây truyền giữa động vật và con người. Các nghiên cứu trước đây nghi ngờ rằng SARS-CoV được truyền từ dơi sang cầy hương, rồi sang người, và MERS-CoV được truyền từ lạc đà sang người.
GS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết các nhà khoa học từng tìm thấy virus SARS gây bệnh ở cầy hương, chuột truyền sang người và virus MERS-Cov gây bệnh ở dơi, truyền sang lạc đà và người.
Liên Châu

Bệnh xuất phát từ động vật thường khó chẩn đoán, điều trị

Theo BS Nguyễn Thị Tuyết Nga, Trưởng khoa Y học cổ truyền, BV Q.2 TP.HCM, về mặt y học, các loài động vật hoang dã được thay thế hoàn toàn bởi các động vật trong chăn nuôi, gia súc, gia cầm cho mục đích dinh dưỡng. Các chế phẩm sinh học hiện đại, vị thuốc từ thực vật có tác dụng tốt hơn, đa dạng hơn cho mục đích sử dụng làm thuốc.
Còn theo PGS-TS Trần Phủ Mạnh Siêu, hiện nay trên 70% các bệnh truyền nhiễm gần đây con người mắc phải có nguồn gốc từ động vật hoang dã. “Người dân phải hiểu rằng bất kỳ một loại động vật nào cũng có khả năng truyền bệnh cho người nếu chúng ta ăn thịt sống, uống máu tươi hay tiếp xúc gần với chúng. Bệnh xuất phát từ động vật thường khó chẩn đoán và điều trị. Do đó phải tuyệt đối tránh tiếp xúc với chất dịch, chất tiết của động vật hoang dã, nấu chín thịt thật kỹ trước khi ăn và không nên uống huyết tươi của các loài động vật”, PGS-TS Trần Phủ Mạnh Siêu khuyến cáo. 
Duy Tính
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.