Theo đơn của anh P.V.Q (34 tuổi, ngụ Q.Hải Châu, Đà Nẵng), chỉ vì lỡ vay nóng online qua app mà gần đây anh liên tục bị gọi điện, nhắn tin “khủng bố”. Ngay cả bạn bè, người thân, thậm chí đồng nghiệp của anh cũng bị nhóm đòi nợ quấy rối, làm phiền.
Anh Q. kể, do phải nghỉ việc không lương vì vướng dịch Covid-19, trong lúc túng quẫn anh lướt mạng xã hội tìm kiếm cơ hội làm thêm thì thấy nhiều quảng cáo về app vay tiền trực tuyến. Đây là hình thức vay tín chấp, tự giới thiệu với các thủ tục đơn giản cùng cam kết bảo mật, an toàn và giải ngân nhanh chóng.
Anh Q. thử vay 2 triệu đồng để trang trải chi phí gia đình tại app “Ví O.V” với điều kiện trả nợ trong vòng 5 ngày, tiền gốc và lãi tổng cộng 2,1 triệu đồng. Thấy khoản tiền lãi 100.000 đồng/5 ngày chấp nhận được (dù tính ra mức lãi suất lên đến 1%/ngày), anh đồng ý vay. Tuy nhiên, thực tế anh chỉ nhận được 1 triệu đồng tiền vay, và khi trễ hạn trả nợ 1 ngày thì tiền lãi tăng thêm 300.000 đồng/ngày.
“Nếu tôi không trả thì có người hù dọa, uy hiếp, gọi điện đến người thân trong danh bạ và công ty. Thậm chí có người còn cắt ghép hình ảnh cá nhân tung lên mạng, “tế sống” tôi và gia đình, xúc phạm nặng nề”, anh Q. kể.
|
Tiềm ẩn rủi ro pháp lý, tranh chấp
Bị “khủng bố” liên tục, anh Q. tiếp tục vay tiền qua app “Ví H.D” để trả nợ cho app “Ví O.V”. Nhưng “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, “Ví H.D” cũng là phiên bản “cắt cổ” chắc khác gì app cũ, thậm chí thủ đoạn đòi nợ còn táo tợn hơn.
Tìm giải pháp hỗ trợ người mất việcÔng Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP.Đà Nẵng, cho biết ngành đang tổng hợp ý kiến các sở ngành, số liệu từ các địa phương để phân nhóm, trình UBND TP.Đà Nẵng xem xét hỗ trợ kịp thời nhằm hỗ trợ người lao động mất việc do vướng dịch Covid-19. Theo thống kê, năm 2020, Đà Nẵng đã có hơn 190.000 công nhân, viên chức lao động bị tác động (chấm dứt hợp đồng, ngừng việc, không có giao kết hợp đồng bị mất việc) bởi Covid-19.
|
Liên tục sa lầy với app tín dụng đen, anh Q. cảnh báo bạn bè cần tìm hiểu kỹ trước khi vay. Một người bạn của anh được cảnh báo, không thử vay qua 2 app vừa đề cập mà chuyển sang chọn app “Tiền T.T”. Người bạn này vay 3 triệu đồng trong 7 ngày, không lãi suất, nhưng chưa kịp vui mừng đã phát hiện mình “sa lầy” vào bẫy tín dụng đen. Bởi trên thực tế, anh chỉ nhận được 2 triệu đồng tiền vay, lại còn bị phạt 300.000 đồng/ngày (tương đương 10%/ngày) nếu nợ quá hạn.
Các nạn nhân của app tín dụng đen này đều sập bẫy lừa với cùng một thể thức: thủ tục vay rất đơn giản để dụ người vay. Cụ thể, sau khi tải app, điền thông tin cá nhân, số tài khoản nhận tiền, gửi ảnh chụp cá nhân và CMND…, app yêu cầu người vay cho phép truy cập danh bạ và ảnh cá nhân trước khi được phê duyệt. “Ban đầu tôi chỉ nghĩ app xác minh nhân thân, nhưng bây giờ tôi mới biết app dùng thông tin này để cho người “khủng bố” tôi và gia đình, bạn bè”, anh Q. nhớ lại.
Chính vì thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh và đánh trúng nhu cầu cần tiền gấp của các app vay trực tuyến nên nhiều người nhầm tưởng đấy là “phao cứu sinh” lúc túng quẫn. Tuy nhiên, những biến tướng của hoạt động cho vay qua mạng này không khác gì tín dụng đen, lãi suất “cắt cổ”, vượt quá mức quy định…
Theo khuyến cáo của Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh TP.Đà Nẵng, hình thức vay tiền qua app không có cơ sở pháp lý chắc chắn, việc cho vay không có bất kỳ cơ quan nào quản lý nên tiềm ẩn rủi ro rất cao về mặt pháp lý cũng như các tranh chấp phát sinh. “Người vay qua app tưởng tiện dụng nhưng cực kỳ nguy hiểm, dễ sập bẫy. Người lao động gặp khó khăn có thể liên hệ các ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng thương mại để được hướng dẫn đầy đủ các điều kiện, thủ tục vay vốn, giải quyết khó khăn”, đại diện Ngân hàng Nhà nước VN chi nhánh TP.Đà Nẵng lưu ý.
Bình luận (0)