Sạc năng lượng mặt trời trên pin dự phòng có thật sự hiệu quả?

Loan Chi
Loan Chi
23/07/2022 14:33 GMT+7

Có mặt từ rất sớm, sạc năng lượng mặt trời gắn trên pin dự phòng vẫn đang được bày bán với lời quảng cáo giúp giảm phụ thuộc vào nguồn điện lưới.

Đối với thời tiết nhiều nắng tại Việt Nam,năng lượng mặt trời là nguồn điện lý tưởng. Các dự án điện mặt trời nhanh chóng được mọc lên với lợi thế có thể triển khai ở những khu vực mà việc phủ lưới điện sẽ tốn nhiều chi phí hơn.

Khi những viên pin dự phòng đầu tiên xuất hiện trên thị trường, những tấm sạc năng lượng mặt trời cũng đã được gắn trên một số model pin với lời quảng cáo hứa hẹn sẽ giúp hồi lại phần lớn năng lượng cho thiết bị, chỉ cần phơi viên pin ở dưới điều kiện ánh nắng đầy đủ.

Vì vậy, trên các trang thương mại điện tử, có rất nhiều cửa hàng trong cũng như nước ngoài bán các viên pin dự phòng với tấm panel nhỏ gắn ngay trên thân pin với số lượng bán rất nhiều.

Với loại pin có tấm năng lượng này, chỉ cần để ra ngoài trời nắng là thiết bị sẽ chớp đèn báo trạng thái đang sạc. Tuy vậy để sạc đầy thì gần như là rất khó.

Hiệu quả sạc thiết bị có tốt?

Trao đổi với Thanh Niên, anh Dương Cầm - thành viên sáng lập startup iPower - cho biết hiệu quả của pin sạc dùng panel năng lượng mặt trời là không cao.

Anh nói: "Startup của tôi từ những năm 2014 đã nghiên cứu về pin dự phòng và có thử nghiệm nhiều mẫu panel năng lượng mặt trời nhằm hồi pin. Tuy nhiên hiệu quả thực sự của panel này là không cao. Trung bình thử nghiệm với viên pin 5.000 mAh để sạc đầy, cần phải phơi liên tục dưới trời nắng khoảng gần 49 tiếng, tương đương với 2 tuần nắng. Trong khi với củ sạc đang bán trên thị trường thì chỉ tốn gần 2 giờ".

Với những viên pin dự phòng có diện tích nhỏ, panel cũng không thể cung cấp dòng sạc quá lớn, nhiều nhất cũng chỉ là 0,3 - 0,4 Ampe. Vì vậy trên thị trường hiện cũng có nhiều tấm năng lượng mặt trời xếp gọn với diện tích lớn hơn 5 - 6 lần diện tích panel trên viên pin dự phòng. Những tấm năng lượng như vậy dưới trời nắng gắt nhất cũng chỉ cho dòng ra 2 - 3 Ampe.

Một model pin dự phòng có thiết kế chống chịu va đập cùng khả năng sạc năng lượng mặt trời

chụp màn hình

Vấn đề nhiệt độ cũng là một sự rủi ro khi để viên pin dưới trời nắng. Với đặc tính màu đen, tấm năng lượng mặt trời cũng là một chiếc bẫy nhiệt, đồng thời làm cho pin nóng lên.

Theo nghiên cứu từ ResearchGate, nhiệt độ ảnh hưởng trực tiếp đến điện áp và tuổi thọ pin. Nhiệt độ cao làm tăng điện áp nhưng cũng giảm tuổi thọ chu kỳ. Đối với các viên pin Li-ion và Li-Po, các nhà sản xuất khuyến cáo mức nhiệt độ pin chỉ ở trong khoảng từ 25 - 45 độ C để giữ viên pin được bền. Cả nhiệt độ thấp và nhiệt độ cao nằm ngoài vùng này sẽ dẫn đến sự suy giảm hiệu suất và hư hỏng không thể phục hồi, chẳng hạn như lớp mạ lithium.

Anh Cầm cho rằng người dùng chỉ cần tìm những viên pin dự phòng có dung lượng phù hợp cho quá trình hồi pin, đừng chú trọng tìm các sản phẩm có tích hợp tấm sạc năng lượng trên pin vì tính hiệu quả thực sự không đáng kể.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.