Theo các chuyên gia, nếu hội đồng thẩm định sách giáo khoa (SGK) mà chỉ biết soi vào từng câu chữ trong chương trình để soi chiếu sang bản thảo sách được thẩm định, từ đó gạt đi những cuốn sách chọn cách tiếp cận và trình bày khác biệt, thì kết cục sẽ chỉ có những cuốn SGK na ná nhau, chủ trương có một chương trình nhiều SGK trở nên vô nghĩa.
Theo TS Ngô Thị Tuyên, một nhà nghiên cứu giáo dục, để hoạt động thẩm định có chất lượng thì cần phải có một hội đồng chuyên nghiệp và công tâm. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ ít nhất chủ tịch hội đồng phải là người có chuyên môn về lĩnh vực giao trách nhiệm điều hành và phải có chuyên môn về sư phạm ở bậc học đấy.
“Khi thẩm định, nên lấy mục tiêu và kết quả của chương trình để đánh giá. Còn các tác giả đi bằng con đường nào, cách thức nào, thì phải tôn trọng, và chấp nhận, mới tạo ra sự đa dạng phong phú và lợi ích của việc có nhiều bộ SGK”, TS Tuyên đề xuất.
Theo GS Phùng Hồ Hải, Viện Toán học VN, dù ông không ủng hộ phương pháp dạy toán cho HS tiểu học của ông Hồ Ngọc Đại (tiêu biểu là cách tiếp cận quá trừu tượng đối với các phép tính số học) nhưng ông bất bình với một trong những lý do mà Hội đồng thẩm định đưa ra để phủ nhận sách toán của công nghệ giáo dục, từ đó đặt vấn đề về năng lực thẩm định của hội đồng.
GS Phùng Hồ Hải nói: “Với tinh thần của kết luận này thì các SGK muốn vượt qua vòng thẩm định không được phép có nội dung “vượt quá chương trình môn toán”. Với tư cách thành viên Ban soạn thảo môn toán, tôi khẳng định điều này hoàn toàn đi ngược với tinh thần của Ban soạn thảo SGK phổ thông mới, theo đó, một trong những điểm quan trọng nhất là: nội dung chương trình SGK là yêu cầu kiến thức tối thiểu, không hạn chế việc dạy thêm các kiến thức khác nằm ngoài chương trình, thậm chí khuyến khích điều đó đối với những đối tượng phù hợp”.
TS Nguyễn Huy Đoan, một tác giả tham gia viết sách, cũng đồng ý với việc những người tham gia thẩm định chương trình nên chính là những người tham gia xây dựng chương trình.
Còn ông Bùi Việt Hà, một chuyên gia về công nghệ thông tin, nói: “Hội đồng thẩm định mà lại đi soi từng ý, từng mạch kiến thức trong sách, rồi so sánh với chương trình giáo dục phổ thông và nói là vì không có trong chương trình nên bị vượt khung, như vậy là sai rồi. Nếu như vậy thì chương trình mới là đóng kín, khép chặt về nội dung, chứ không phải mở và định hướng năng lực như đã phổ biến nữa”.
Bình luận (0)