Sách hay: Đóng góp mới về nghiên cứu vùng đất Nam kỳ

07/10/2023 07:04 GMT+7

Từ nhiều năm qua, vùng đất phía nam đất nước đã trở thành đề tài nghiên cứu, biên khảo của giới học thuật.

Một mặt vì đây là mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá đúng mức, mặt khác, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, các nhà nghiên cứu ngày càng tìm ra nhiều nguồn tư liệu bên ngoài, giúp làm sáng tỏ thêm những góc khuất của lịch sử vùng đất này.

Sách hay: Đóng góp mới về nghiên cứu vùng đất Nam kỳ  - Ảnh 1.

Nội thất của một gia đình An Nam giàu có tại Sài Gòn. Tranh khắc của DV (D.P.Verdeil), theo bản phác thảo của ông G.Favre - trung úy bộ binh thủy quân lục chiến, phóng viên. Ảnh: Le Monde Illustré, số ra ngày 17.8.1872, tr. 100

Thư viện Quốc gia Pháp

Tập sách Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ của Nguyễn Quang Diệu vừa được Công ty sách Omega và NXB Tổng hợp TP.HCM liên kết thực hiện là một đóng góp đáng kể vào sinh hoạt văn hóa - lịch sử, ở đó người đọc trông chờ những khám phá mới mẻ về nhiều mặt.

Tác phẩm bao gồm một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn 120 năm, từ thập niên 1810 là thời kỳ thịnh trị dưới triều vua Gia Long, đến những năm đầu thập niên 1930, là thời điểm nền kinh tế các nước Đông Dương sa sút trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chung của nền kinh tế toàn cầu những năm 1929-1933.

Sách cung cấp cho người đọc những tri thức lịch sử về một xã hội miền Nam đặt dưới sự cai trị nghiêm minh của một trong những trọng thần bậc nhất triều Nguyễn là Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành, quyền uy trải dài 5 trấn (tương đương với tỉnh sau này), từ Bình Thuận vào đến Hà Tiên.

Sách cũng đưa người đọc đến với cuộc cải tổ hành chính của vua Minh Mạng vào đầu thập niên 1830, một cuộc cải tổ làm nền tảng cho mọi hoạt động công quyền cho đến khi triều Nguyễn cáo chung (1945). Nó mang lại cho người đọc nhiều hiểu biết cần thiết về những chuyển biến bất ngờ của lịch sử, biến vùng đất Nam kỳ trở thành thuộc địa đầu tiên của Pháp trên toàn cõi Đông Dương, với những hệ quả tất yếu, trong đó, các cuộc khởi nghĩa giành độc lập diễn ra đồng thời với những cải cách bộ máy cai trị của thực dân Pháp tại Sài Gòn nói riêng và Nam kỳ nói chung.


Mới mẻ và độc đáo

Trong tập sách dày 360 trang, kể cả tranh ảnh, tác giả đã dành hơn 100 trang viết về các cuộc hòa đàm, những hòa ước đã ký kết, vốn là hệ quả tất yếu của các cuộc xung đột không cân sức giữa dân quân Việt Nam và lực lượng hùng hậu của thực dân Pháp. Từ hòa ước Nhâm Tuất ngày 5.6.1862, mở đầu công cuộc thuộc địa hóa Việt Nam của đế quốc Pháp, đến hòa ước Giáp Tuất 15.3.1874 và cuối cùng, hòa ước Giáp Thân ngày 6.6.1884, cùng những vấn đề phức tạp diễn ra trước và sau chúng, đã được tác giả khắc họa một cách sinh động. Sự sắp xếp này phù hợp với logic vì hòa ước là những văn kiện cơ bản chi phối mối quan hệ chính thức giữa triều đình Việt Nam và thực dân Pháp, là điểm xuất phát của nhiều hệ quả phát sinh trong suốt chiều dài cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

Sách hay: Đóng góp mới về nghiên cứu vùng đất Nam kỳ  - Ảnh 2.

Bìa sách Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ

Lê Nguyễn

Cũng vì thế, trong suốt những thập niên cuối cùng của thế kỷ 19, vùng đất Nam kỳ có một bộ mặt khác hẳn với hai người anh em là miền Trung và miền Bắc, là nơi sản sinh ra một nền báo chí sớm nhất, khởi đầu với tờ Gia Định báo phát hành ngày 15.4.1865 và phát triển mạnh mẽ với những tờ báo ra đời vào đầu thế kỷ 20 như Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Đại Việt Tập Chí, Nữ Giới Chung...

Trước khi biên soạn tập sách Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ, Nguyễn Quang Diệu đã trải qua nhiều năm làm biên tập viên mảng sách biên khảo văn hóa-lịch sử, điều này mang lại cho anh tố chất của một nhà biên khảo nghiêm túc, cẩn trọng, bởi vì hơn ai hết, từ những bản thảo đã biên tập, anh rút tỉa được những mặt mạnh có thể phát huy, những khiếm khuyết cần được khắc phục của nhiều tác giả khác nhau. Trong Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ, công tác dẫn nguồn tư liệu cũng được tác giả chăm chút với một nỗ lực đáng trân trọng.

Song yếu tố mới mẻ và độc đáo nhất của tác phẩm này lại là khối hình ảnh minh họa gồm hơn 140 bức tranh khắc, ảnh chụp ra đời từ thế kỷ 18 đến những năm đầu thế kỷ 20, trong đó nhiều hình ảnh được tìm thấy lần đầu từ Thư viện Quốc gia Pháp, Bảo tàng Quai Branly và nhiều thư viện, bảo tàng khác. Phần cuối sách là 24 trang ảnh màu in trên giấy láng, dày, là tác phẩm của nhiều nghệ nhân phương Tây mô tả con người và đời sống tại Nam kỳ khi xưa. Đây là kết quả nỗ lực tìm tòi của Nguyễn Quang Diệu trong các văn khố, và không chỉ đưa ra những chú thích "vừa phải", anh còn đẩy xa hơn cuộc tìm hiểu các tranh ảnh minh họa bằng những khảo sát xoay quanh nhân thân tác giả, những sự kiện có liên quan đến sự ra đời và tồn tại của từng bức tranh, ảnh... Điều này gợi mở ra những bước đi mới mẻ hơn, đề cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của người biên soạn đối với mảng hình ảnh minh họa vốn không thể thiếu trong các tác phẩm biên khảo lịch sử.

Trong điều kiện người đọc luôn khát khao tìm hiểu sâu hơn về vùng đất Nam kỳ, vốn là nơi hội tụ của những lớp người đến từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước, tập sách Khắc họa bức tranh lịch sử Nam kỳ của Nguyễn Quang Diệu là một đóng góp đáng kể, giúp bức tranh về đời sống của người dân Nam kỳ được khắc họa rõ nét hơn, chân thực và phong phú hơn.

Yếu tố mới mẻ và độc đáo nhất của tác phẩm này lại là khối hình ảnh minh họa gồm hơn 140 bức tranh khắc, ảnh chụp ra đời từ thế kỷ 18 đến những năm đầu thế kỷ 20, trong đó nhiều hình ảnh được tìm thấy lần đầu từ Thư viện Quốc gia Pháp, Bảo tàng Quai Branly và nhiều thư viện, bảo tàng khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.