Tác phẩm ra mắt vào năm 1931 và nhanh chóng trở thành hiện tượng xuất bản, khi bán được hàng triệu bản trong 2 năm đầu phát hành, được dịch sang hơn 30 thứ tiếng và có nhiều dự án phái sinh từ đó ra đời. Đây là tiểu thuyết đã giành được gần như mọi giải thưởng vào thời điểm đó, bao gồm giải Pulitzer ở hạng mục hư cấu vào năm 1932 và là bước đệm để 6 năm sau Pearl S.Buck được gọi tên tại giải Nobel Văn chương 1938 vì "những miêu tả chân thực và đặc sắc về cuộc sống nông dân Trung Quốc". Năm 2004, Oprah Winfrey đưa tác phẩm vào câu lạc bộ đọc sách của mình, và một lần nữa gây cơn sốt lớn.
Những mô tả độc đáo về Trung Quốc
Tiểu thuyết xoay quanh nhân vật chính là anh nông dân Vương Long, người xuất thân trong một gia đình làm nông nghèo, chuẩn bị thành thân với A Lan - nha hoàn của một gia tộc giàu có. Bằng sức lao động và sự cần cù, anh đã chăm bẵm mảnh đất mình được thừa hưởng và rồi giàu lên cũng chính nhờ đó. Thế nhưng hạn hán, châu chấu hoành hành, lũ lụt, chiến tranh… liên tục ập đến, đe dọa cơ ngơi của gia đình nhỏ. Trong những chìm nổi của dòng lịch sử, anh may mắn có được những "của trời cho", từ đó vươn lên thành hàng cự phách. Thế nhưng đi cùng giàu sang cũng là thói tật và những thay đổi tận sâu bên trong.
Trong suốt sự nghiệp, Pearl S.Buck luôn khắc họa được những dấu ấn đặc trưng của đất nước Trung Hoa mà bà đã sống hơn 40 năm đầu đời. Trong Đất lành, từ những đặc trưng phổ biến nhất như truyền thống bó chân, thờ các thổ thần, cách nói trộm vía... cho đến tặng trứng nhuộm đỏ ở tiệc thôi nôi để khoe mình có con trai, mua thêm đường đỏ cho sản phụ mới sinh... được tái hiện một cách mới mẻ. Những biến động của quốc gia này kể từ đầu thế kỷ 20 cũng được tái hiện một cách đặc biệt, khi vừa là deus ex machina - những sự kiện ngẫu nhiên làm thay đổi dòng chảy câu chuyện, nhưng cũng đồng thời tái hiện một quãng lịch sử quan trọng.
Chính bởi những miêu tả vừa khác biệt, vừa độc đáo này đã giúp bà trở thành "người bạn của nhân dân Trung Hoa" như cố Thủ tướng Chu Ân Lai ca ngợi. Nhưng không chỉ những quan sát có thể thấy bằng mắt thường làm nên dáng hình của một đất nước, mà chính trong cốt truyện chỉ đơn thuần là kể và kể, Pearl S.Buck giữ được một tâm thức trung dung nhất có thể. Tuy là người Mỹ, nhưng tác giả dường như hiểu thấu tâm tính và thế giới quan Đông phương một cách sâu sắc, khiến tâm lý của các nhân vật mà bà tạo ra chân thật, chính xác, chi tiết và đậm tính đại diện. Chẳng hạn không ít lần ta thấy số phận cam chịu của người phụ nữ khi được đưa về làm vợ, làm dâu, làm mẹ và sống quẩn quanh như một cái bóng trong gia đình. Đến khi chồng giàu lên, bắt đầu năm thê bảy thiếp, họ vẫn nhẫn nhịn chịu đựng mà không làm gì để đổi khác đi. Với người sống giữa hai làn văn hóa, Pearl S.Buck hoàn toàn có thể cho các nhân vật chịu nhiều đè nén tiếng nói phản kháng nào đó, nhưng bà đã không làm thế mà khách quan nhất có thể, tuân theo tính cách, truyền thống của họ. Chính những điều này giúp tác phẩm trở thành bức tranh chân thật của một thời đoạn, vẫn còn giá trị mang tính phản ánh cho đến ngày nay.
Một cuộc biến cải
Tuy vậy Pearl S.Buck cũng cho ta thấy một đặc trưng khác của con người, đó là lòng ham lao động và tình yêu mãnh liệt đối với đất đai. Tuy không có tiếng nói, không có mắt nhìn, thế nhưng những khoảnh ruộng, những đồng lúa... lại đóng vai trò như nhân vật chính, theo dõi sát sao số phận của những con người trong tác phẩm này. Ở đó, thổ thần là đấng chứng nhân cho cuộc hôn nhân của Vương Long và A Lan, trong khi đất đai dõi theo từng thế hệ con cái nhà họ ra đời, nhìn thấy giai đoạn bĩ cực rồi hồi thái lai... Nhưng cũng qua đó dạy họ bài học thích nghi, vượt qua nghịch cảnh và ngày càng tin vào giá trị của lao động.
Như lẽ thường, khi giàu có, Vương Long bắt đầu sa vào những thói hư vinh của giới trọc phú, khi sự tiếp xúc với môi trường mới khiến anh phản tư và không hài lòng với những gì đã gắn bó trước đây. Thế nhưng khi đất đai "cất tiếng", khi nước lụt rút đi và những khoảnh đất có thể vun trồng... ta thấy hiện ra một Vương Long cũ - người đã vững lòng để không bán đất dẫu nhà đói ăn trong đợt hạn hán khắc nghiệt, người đi khắp đất nước để biết cuối cùng đất là vốn quý, là nguồn tài sản giúp anh đổi đời, gánh vác cả gia đình... Đất là chứng nhân nhưng cũng đồng thời là kim chỉ nam, là tấm gương soi để con người ta tự nhìn lại mình.
Đất cũng hiện diện trong tác phẩm này như hình tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, cho khả năng kỳ diệu của A Lan với con đàn cháu đống ra đời từ đó. Đất cũng góp phần vào sự trả thù, khi từ một nông dân nghèo đói và một nha hoàn thấp kém, họ có áo mới mặc cho con trai vào dịp tết đến, bước vào chốn dinh thự cũ nơi mình từng bị xem thường với vai trò mới... Cũng như Phúc lành của đất từ nhà văn Na Uy đoạt giải Nobel Văn chương 1920 Knut Hamsun, ở Đất lành, Pearl S.Buck ngợi ca giá trị của lao động và lòng kiên trì vượt qua thách thức, dẫu luôn còn đó muôn vàn khó khăn...
Có thể nói tuy bám rất sát chủ nghĩa hiện thực và không có nghệ thuật viết quá đặc biệt, nhưng qua Đất lành, ta đã thấy được ý nghĩa của lao động, về vai trò của sự thích nghi và sức mạnh nội tại của con người. Bằng cách ghi lại những dấu ấn đậm nét của văn hóa Trung Hoa, Pearl S.Buck đã thổi hồn vào một chủ đề mang tính phổ quát bằng những chi tiết và bối cảnh độc đáo, từ đó mang đến một cuốn tiểu thuyết phản ánh hiện thực, chứa nhiều thông điệp để ta suy ngẫm.
Pearl S.Buck (1892-1973) viết đa số tác phẩm có bối cảnh Trung Quốc. Bà bắt đầu sáng tác từ thập niên 1920, xuất bản tiểu thuyết đầu tiên Gió Đông, Gió Tây vào năm 1930. Tại VN, nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại cũng như đề tài của bà đã được dịch và giới thiệu, như Từ Hi Thái Hậu, Yêu muộn, Ba người con của Lương phu nhân... Trong đó Đời con và Ly Tán cùng Đất lành hợp thành bộ 3 về gia đình họ Vương được biết đến nhiều nhất của nữ tác giả.
Bình luận (0)