Nhiều tác phẩm được đánh giá cao
Ông Nguyễn Tuấn Bình, một người phát hành sách, chia sẻ trên trang cá nhân của mình: “Trên tay tôi là những cuốn Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa cuối cùng vét kho nhà xuất bản. Vậy đấy, quán quân sức bán từ đầu năm tới giờ thuộc về Cao Tự Thanh (người dịch và giới thiệu - NV) và NXB Văn hóa Văn nghệ TP.HCM với tác phẩm tư liệu gốc. Sách ai cũng nên có để giữ gìn hồn Việt”.
Người làm sử muốn thoát khỏi những cái bẫy đó thì ngoài vấn đề về ngoại ngữ và cổ ngữ, cần phải có phương pháp luận, để đọc những lớp phía dưới, phía sau của vật chất và ngôn từ
TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm
|
Chẳng hạn, cuốn Ngàn năm áo mũ của tác giả Trần Quang Đức được đánh giá là một nghiên cứu quan trọng và có giá trị lâu dài. Cuốn sách cũng được cho là bù đắp phần nào vào khoảng trống mênh mông của lịch sử trang phục Việt Nam nói riêng, lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Cùng với các tư liệu Hàn Quốc và trong nước, ông Đức tham khảo nhiều tư liệu Trung Quốc tại Trung Mỹ bách vạn thư khố, Thương vụ Ấn Thư quán, Trung Hoa thư cục...
TS Trần Trọng Dương (Viện Hán Nôm) dẫn nhiều tác phẩm tốt theo hướng này như: phần dịch Minh thực lục, Thanh thực lục của dịch giả Hồ Bạch Thảo; Khâm định An Nam kỷ lược của nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính; An Nam truyện của Châu Hải Đường; Tập bản đồ hàng hải 1841 ở Thư viện Đại học Yale của Phạm Hoàng Quân, bộ Tư trị thông giám (24 tập, đã xuất bản đến tập 5) của nhóm Bùi Thông, Nguyễn Đức Vịnh; Sử ký Tư Mã Thiên của nhóm Trần Quang Đức - Phạm Văn Ánh...
TS Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) cho biết các bộ sử lớn của Trung Quốc thường có phần liên quan đến Việt Nam. Nó có thể là An Nam truyện hoặc là Nam An truyện. Có cái ghi chi tiết hơn, có cái ghi ngắn gọn hơn. Việc dịch thuật hay sử dụng tư liệu về Việt Nam từ những bộ sách đó, theo TS Ánh, rất tốt cho nghiên cứu.
|
“Ở những giai đoạn chúng ta chưa có sử, chẳng hạn, truy những sự kiện ghi chép liên quan đến Hai Bà Trưng thì chúng ta không có ghi chép gì cả. Cái đó lại được ghi ở sử Trung Quốc. Chẳng hạn, Hai Bà Trưng và Sĩ Nhiếp thì được ghi trong Hậu Hán thư và Tam Quốc chí phần Ngô chí”, ông Ánh nói. Tất nhiên, ông Ánh cho biết không phải họ nói sao mình tin ngay vậy, mà phải lọc theo phương pháp luận sử học.
TS Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nói: “Những tác phẩm của Trung Quốc, Nhật Bản và Tây phương viết về Việt Nam là hệ thống thông tin của thời xưa mà đến nay không phải ai cũng có thể đọc được. Việc dịch ra tiếng Việt, để người Việt hiện nay và mai sau nhìn nhận lại thời quá khứ, cũng là nhìn thấy sự khách quan hoặc chủ quan của bên ngoài khi viết về người Việt”.
|
Sử Trung Quốc ghi chép về Việt Nam liên tục
Theo TS Trần Trọng Dương - Viện Nghiên cứu Hán Nôm, sử Trung Quốc ghi chép về Việt Nam liên tục, và có nhiều sách sử Việt Nam mới xuất bản sử dụng nguồn sử liệu này.
Đây đều là những sử liệu quan trọng và thú vị cung cấp cho giới nghiên cứu và đông đảo bạn đọc trong nước. Đáng chú ý, phần lớn đó là các công trình dịch thuật cá nhân, tư nhân chứ không phải của nhà nước đầu tư. Các dịch giả chủ yếu lấy công việc làm lẽ sống, chứ không phải vì kinh tế. Công việc “khổ sai” này đáng ra cần có chiến lược từ các cơ quan chuyên môn, nhưng cuối cùng lại để thả nổi. Đây rõ ràng là một sự thụt lùi so với thế kỷ trước.
Theo ông, hiện tượng sách sử Việt Nam có sử dụng sử liệu Trung Quốc có gì bất thường không?
Trung Quốc có truyền thống chép sử lâu đời, với nhiều phương pháp chép sử, và các phương thức định bản có thể truyền qua nhiều thời đại khác nhau. Việc chép sử ở Việt Nam xưa nay đều dựa trên nguồn tư liệu phong phú của Trung Quốc, khởi từ Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên đến các sử gia triều Nguyễn sau này.
Nhiều sử liệu Trung Quốc cơ bản đều đã được xuất bản chính thức nên có thể tìm mua. Nhưng, những bộ tùng thư lớn với hàng triệu trang sách thì hầu như các nhà nghiên cứu không thể có tiền mua đủ. Thư viện nhà nước, các cơ quan chuyên môn không rõ là có nhập những sách này không.
Ngoài ra, vô số các tư liệu cổ sử còn nằm rải rác ở cả Trung Quốc lẫn nhiều quốc gia trên thế giới như Hà Lan, Đức, Pháp, Anh, Mỹ... Gần đây, nhân văn số thức (DH - digital humanity) trở thành một trào lưu học thuật toàn cầu. Nhiều kho cổ tịch được mở công khai và thu phí. Nếu có tiền, các nhà nghiên cứu đều có thể tiếp cận ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nhiều kho cổ tịch Trung Quốc vẫn đang bí mật, nhất là với học giả nước ngoài.
Thông thường, tư liệu lịch sử của Trung Quốc về Việt Nam mạnh ở giai đoạn nào? Xin ông so sánh trong tương quan với các nguồn khác. Chẳng hạn, tư liệu lịch sử thời kỳ Pháp thuộc của người Pháp, hay tư liệu về buôn bán trên biển ở Hà Lan...
Sử liệu Trung Quốc có điểm mạnh là ghi chép nhiều giai đoạn khác nhau về Việt Nam một cách liên tục trong nhiều chục thế kỷ, dĩ nhiên là với nhiều mức độ đậm nhạt khác nhau.
Theo tôi, một kho quan trọng hàng đầu khác chính là các kho tư liệu tiếng Pháp. Kho tư liệu Pháp thời cận đại đã mở ra một thế giới mênh mông cho nghiên cứu Việt Nam giai đoạn cận hiện đại. Đây cũng là giai đoạn quan trọng bậc nhất trong quá trình kiến tạo nên Việt Nam trong thế kỷ 20. Trong khi đó, kho tư liệu Hà Lan chủ yếu là các nhật ký buôn bán, rất hữu ích cho nghiên cứu lịch sử thương mại.
Khi tiếp cận các tư liệu lịch sử Trung Quốc về sử Việt, có nhiều “bẫy tư liệu giả” hay không? Nó là tư liệu ngụy tạo hay đơn giản chỉ là một góc nhìn khác? Làm thế nào để qua được những bẫy đó?
Sử Trung Quốc viết về Việt Nam bằng giọng kẻ cả của “thiên triều”, đã qua những khúc xạ của tin đồn, thương nhân và điệp viên nằm vùng... Ở khía cạnh tiêu cực, mỗi sử liệu đều là một kiểu bẫy. Ở khía cạnh tích cực, mỗi sử liệu lại là một cơ hội cho nhà nghiên cứu.
Người làm sử muốn thoát khỏi những cái bẫy đó thì ngoài vấn đề về ngoại ngữ và cổ ngữ, cần phải có phương pháp luận, để đọc những lớp phía dưới, phía sau của vật chất và ngôn từ.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu Việt Nam có khó khăn, thuận lợi gì khi tiếp cận tư liệu lịch sử Trung Quốc về Việt Nam?
Thuận lợi là sử liệu học Trung Quốc họ làm quá tốt. Khó khăn là chúng ta quá thiếu người. Mà cần nhất là những người xử lý từ văn bản nguyên ngữ, sử liệu gốc, kiểu như Phạm Hoàng Quân, Phạm Lê Huy, Trần Quang Đức. Tư liệu thì nhiều mà người thì mỏng. Cũng như nhiều việc khác, nếu không đọc hết được ý nghĩa, lỗi là ở mình chứ không phải ở tư liệu!
Bình luận (0)