Sách Tiếng Việt 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống có dạy chữ P không?

24/02/2022 18:51 GMT+7

Một hiệu trưởng trường tiểu học viết tâm thư cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, kêu rằng sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ P.

Sách tiếng Việt 1 Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không đưa chữ "P" vào dạy cho học sinh

t.n.

Vậy sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối tri thức quả thực có không dạy chữ P hay không?

Cuốn sách này rất dễ kiếm ở các hiệu sách. Chỉ giở trang 12, tập một, là thấy ngay bảng chữ cái tiếng Việt sách Kết nối; hoặc chỉ cần một cái nhấp chuột, họ sẽ tìm được bảng chữ cái này (https://download.vn/bang-chu-cai-tieng-viet-sach-ket-noi-tri-thuc-voi-cuoc-song-45920). Rõ ràng có đầy đủ 29 chữ cái của tiếng Việt, theo đúng quyết định số 31/2002/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/6/2002 của Bộ GD-ĐT.

Nếu đọc kỹ hơn, họ sẽ thấy sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối không những có dạy chữ P cho học sinh, mà còn dạy nhiều lần qua ngữ liệu như đèn pin, cặp da, cá mập, lốp xe, tia chớp, bếp, bìm bịp, búp sen… (trang 78, 118, 120, 124… tập một).

Liên quan đến sự việc này, nhà giáo Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), đã viết bức thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phản ánh sách tiếng Việt lớp 1 bộ Kết nối tri thức với cuộc sống không dạy chữ "P" độc lập. Theo ông Vịnh, sai sót không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc, nhất là khi đây là bộ sách được rất nhiều địa phương miền núi lựa chọn. Theo ông Vịnh, Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu trách cần yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bổ sung ngay việc dạy chữ "P" và đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định.

Thực ra, vấn đề chỉ là sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối dạy âm P (pờ) với tư cách âm đầu (xin nhấn mạnh: cần phân biệt ÂM và CHỮ) trong bài dạy âm PH (phờ), chứ không dạy tách riêng. Vì sao? Có thể kể hai lý do (1) Âm P có trong một số địa danh (Sa Pa, Pò Hèn), mà tên riêng thì thông thường không dùng trong phần dạy phát triển vốn từ; (2) Âm P chỉ xuất hiện trong các từ mượn chưa được Việt hóa (a-pa-tít, pít-tông…), mà với học sinh lớp 1, mới chỉ đi học được 5-6 tuần, không nên chọn dạy lớp từ này.

Cách xử lý trên của sách Tiếng Việt 1 của bộ Kết nối không phải là biệt lệ: sách giáo khoa Tiếng Việt 1 của Bộ GD-ĐT theo chương trình Tiếng Việt năm 2000 được sử dụng trong 20 năm qua cũng theo cách như vậy. Và ngay sách Em học vần ở miền Nam trước năm 1975 cũng đúng như vậy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.