Sách và nội lực cộng đồng

21/04/2022 04:10 GMT+7

Bạn đọc bao nhiêu cuốn sách trong một năm? Đó là loại sách gì? Sách mang lại điều gì mới mẻ cho cuộc sống của bạn?...

Mỗi người sẽ có một cách trả lời của riêng mình.

Nhưng đặt trong bối cảnh một quốc gia, thì các câu trả lời sẽ phần nào cho thấy những dự báo về tương lai phát triển của quốc gia đó.

Nhìn lại thực tế tại VN, nhiều năm qua, các chương trình phát triển văn hóa đọc không chỉ được triển khai trong hệ thống thiết chế văn hóa nhà nước, mà còn thật mạnh mẽ thông qua các tổ chức mang tính dân sự. Những chương trình đưa sách về nông thôn, xây dựng các thư viện văn hóa cộng đồng khắp nơi giúp người nghèo, đặc biệt là trẻ em để người nghèo có điều kiện gần với sách hơn. Trong mỗi gia đình người Việt, không gian một tủ sách gia đình đã được chú trọng, không chỉ sách học, giáo khoa mà cả sách giải trí, mở rộng kiến thức, kỹ năng để phát triển.

Hệ thống thư viện công đa số thay đổi phương thức dịch vụ để gần gũi, thiết thực, phục vụ nhu cầu tìm kiếm tri thức trong tình hình mới. Ở một số thành phố lớn, việc đầu tư công nghệ giúp cho người dân dễ dàng hơn trong tiếp cận nguồn sách thư viện (dù mô hình phục vụ liên thư viện trong toàn quốc vẫn là một mơ ước hơi xa xôi!).

Tuy con số đầu sách mỗi người đọc trong năm qua các kết quả khảo sát còn rất thấp, nhưng những tín hiệu tiêu biểu nói trên cũng giúp chúng ta tin tưởng rằng, sách có một đời sống đặc biệt trong cuộc sống người VN hiện đại.

Ngoài ra, nhìn vào đời sống xuất bản, có thể thấy sự cập nhật các trào lưu xuất bản lớn, những tác phẩm làm nên thời sự sách thế giới đã dịch, ấn hành tại VN ngày càng nhanh bằng con đường bản quyền chính thức với chất lượng “đóng gói” sản phẩm ngày càng chuyên nghiệp, không thua kém sách gốc, nguyên tác. Độc giả trong nước có thể tiếp cận với những gì mới nhất mà thế giới đang có. Những cuộc trao đổi, tọa đàm trực tiếp, trực tuyến được mở ra để độc giả trong nước với chuyên gia, tác giả trên toàn cầu có thể gặp gỡ, giao lưu dễ dàng.

Trải qua những đợt giãn cách xã hội trong đại dịch, mới thấy, sách quan trọng như thế nào trong đời sống cộng đồng văn hóa VN. Sách giúp chữa lành các cuộc chấn thương tâm lý, là kho tàng tri thức giúp cộng đồng tìm thấy nghị lực, chìa khóa để kinh qua các khó khăn về kinh tế và đời sống và thúc đẩy một xã hội phát triển trong tinh thần nhân bản và bền vững. Trong tâm thế cộng đồng, sách dần dần trở nên thiết yếu hơn.

Trong nền kinh tế tri thức, dù trong bối cảnh công nghệ phát triển và tri thức được “truyền tải” qua nhiều phương tiện khác nhau, nhưng sách vẫn được đặt vào trung tâm của đời sống làm nên nguồn nội lực của một cộng đồng. Hằng năm, tổ chức khảo sát các chỉ số văn hóa thế giới World Culture Score Index NOP thường đưa ra danh sách những quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới; xem chỉ số đọc sách cũng là một tiêu chí của phát triển quốc gia.

Với một quốc gia có 97% người Việt biết chữ nhưng tỷ lệ đọc sách vẫn còn thấp (4,3 đầu sách/người/năm, theo Cục Xuất Bản, In và Phát hành), thì rõ ràng, việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách vẫn cần được theo đuổi ngay từ trong giáo dục nhà trường, gia đình và ở quy mô toàn xã hội để xây dựng một cộng đồng hiếu tri, đầy nội lực phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.