Học cách chi tiêu cho văn hóa

20/04/2022 05:55 GMT+7

Những chương trình văn hóa ở phố cổ Hà Nội mỗi lúc một đông người tham dự.

Các dự án nghệ thuật ở Q.Hoàn Kiếm cũng dày lên. Phố Phùng Hưng sau khi thành phố bích họa hút lượng người check-in lớn, không còn bóng dáng của gầm cầu bẩn thỉu trước đó.

Hội quán Quảng Đông trên phố Hàng Buồm ăm ắp chương trình nghệ thuật. Hầu như những dự án đó các nghệ sĩ đều làm theo tinh thần “tình cho không biếu không”. Họ thông cảm với quận, vui với tinh thần đón nhận nghệ thuật của lãnh đạo ở đây. Nhưng về lâu dài, một nghệ sĩ chia sẻ: “Để phát triển hơn nữa vẫn cần các dự án có đầu tư kinh phí đường dài”.

Kinh phí cho văn hóa luôn ngặt nghèo. Một nhà quản lý văn hóa chia sẻ, khi địa phương phân phối kinh phí, họ luôn đặt kinh tế lên phía trước, các công việc cho văn hóa phía sau. Cũng vì thế, phần ngân sách dành cho văn hóa thường chỉ rơi vào khoảng 1% ngân sách, trong khi từ rất lâu Đảng yêu cầu phải đạt 1,8%. Trong hoàn cảnh đó, nếu có những nghệ sĩ chịu góp sức kiểu “tình cho không biếu không” hay những người sẵn sàng đóng góp kinh phí thì các dự án văn hóa mới có thể chạy. Xã hội hóa là một chủ trương, người dân tham gia đóng góp là điều cần khuyến khích, nhưng việc có kinh phí để chủ động thúc đẩy văn hóa phát triển là điều nhất định phải có.

Nhưng cũng phải nói, nhiều dự án văn hóa nghìn tỉ đồng đôi khi bị hoài nghi ngay từ khi mới được công bố. Bảo tàng nghìn tỉ, tượng đài trăm tỉ, bộ phim truyện vài chục tỉ, di tích cần trùng tu cũng tiền tỉ… thường gây tranh luận. Không trách được người dân. Dân nghi ngại vì trước đó đã có nhiều tượng đài nứt gãy, thậm chí sập; nhiều bảo tàng xây xong mãi chưa hoàn thành trưng bày; phim nhà nước đầu tư kinh phí siêu ít người xem và di tích thì trùng tu như phá... Kinh phí cho văn hóa trao không đúng người, không đúng cách dẫn đến không được sử dụng hiệu quả, khiến cho việc “rót” thêm tiền cho văn hóa càng trở nên khó khăn hơn.

Có lẽ, không phải lãnh đạo nào cũng thấm nhuần việc “văn hóa soi đường quốc dân đi”. Phát triển văn hóa, tuy không mang lại cái lợi ngay lập tức, nhưng về lâu dài lại chính là phát triển bền vững. Không thể phát triển du lịch trên một hệ thống di tích đã bị biến từ trăm tuổi thành không tuổi. Cũng không thể phát triển công nghiệp thời trang nếu những hoa văn, họa tiết, chất liệu bản địa mất sạch sau khi nghệ nhân vì nghèo quá đã bỏ nghề. Cả thị trường phim giàu tiềm năng trong nước sẽ là lãnh địa của phim nước ngoài nếu các nhà làm phim trẻ không được nâng đỡ trong đầu tư đào tạo…

Khi đầu tư cho văn hóa bị đẩy xuống phía sau, sẽ có nhiều hệ lụy. Chúng ta đối diện nguy cơ mất di sản, mất bản sắc và cũng mất luôn cả sự độc đáo, khác biệt - tiền đề cho phát triển. Văn hóa, tưởng chừng như rất xa kinh tế, thì lại nâng đỡ kinh tế như vậy. Vì thế, đã đến lúc cần học cách chi tiêu cho văn hóa đầy đủ, cũng như chi tiêu cho văn hóa đúng cách để đầu tư nào cho văn hóa cũng sẽ mang lại mầm văn hóa về sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.