Sài Gòn du lãm:

Sài Gòn hải cảng

16/06/2024 07:21 GMT+7

Sài Gòn là một hải cảng lớn nhưng không nằm trên bờ biển; sự thực này nghe có vẻ hơi phức tạp như một câu cách ngôn của ngài de la Palisse, thế nhưng nói không ngoa là cảng lớn của Pháp ở Viễn Đông này nằm sâu trong nội địa 40 dặm.

Nhiều người đã bỏ qua chi tiết này và nhờ thế mà giải quyết dễ dàng hơn một số vấn đề kinh tế liên quan đến mậu dịch của Nam kỳ thuộc Pháp từ xa.

Xét trên nhiều khía cạnh thì sẽ thuận tiện hơn nếu thủ phủ của chúng ta nằm trên bờ biển; đã có nhiều dự án được nghiên cứu để xây dựng một thành phố thương mại ở cửa ngõ sông Sài Gòn, đặc biệt là tại cap Saint-Jacques [Vũng Tàu]: nhưng chúng đều bị loại bỏ, khó khăn trong thực hiện đã làm người ta nhụt chí. Trong khi chờ đợi điều tốt đẹp hơn, thương cảng được mở rộng trên những bến cảng dài, được quy hoạch hoàn hảo, ngay cửa ngõ thành phố.

Sài Gòn hải cảng - Ảnh 1.

Lối vào cảng Sài Gòn [và Cột cờ Thủ Ngữ]. Tranh của Slom, bản khắc của Bazin

Thư viện Quốc gia Pháp

Tòa nhà của hãng Messageries maritimes [nay là (bến) Nhà Rồng] và những kho hàng khổng lồ của họ hiện ra ngay từ khúc quanh cuối cùng của con sông, về phía hạ lưu, nằm ngay tại trung tâm thương cảng, chỗ hợp lưu của dòng sông và con kinh Chợ Lớn (arroyo de Cholon) [tức rạch Bến Nghé].

CHUYẾN THƯ TỪ PHÁP

Dịch vụ thư tín từ Pháp liên tục được đảm bảo bởi tàu của hãng Messageries chuyên chở mỗi tuần. Ngay khi tiếng đại bác báo hiệu tàu chở khách đã vào cảng, thành phố lập tức náo nhiệt hơn. Những người chỉ mong tin tức thì chạy tới bưu điện, nơi người ta sốt ruột chờ đợi kiểm đếm và phân phát; ai nấy đều mải mê đọc thư hoặc báo. Những người chờ đón người thân, bạn bè hoặc muốn nhìn chuyến tàu đem thư từ Pháp quốc qua sẽ được an ủi và khuây khỏa chút đỉnh nỗi nhớ quê nhà, những người ấy sẽ đi con đường dẫn tới Messageries maritimes.

Mỗi lần thư đi và đến, đám đông lại ùa tới những chiếc thuyền tam bản của "cột tín hiệu" (mât de signaux) [tức Cột cờ Thủ Ngữ], chúng chở người bách bộ sang bến Messageries nằm ở bên kia kinh Chợ Lớn. Chỉ vài phút ngồi tam bản là bạn sẽ đặt chân lên bến thuyền tuyệt vời của Hãng lớn (grand Compagnie), nơi những tàu khách khổng lồ luôn có một chỗ neo đậu an toàn. Bến thuyền này có phong vị của Pháp hơn bất cứ nơi nào khác của thành phố. Những người mà ta gặp kia mới rời Pháp chưa đầy một tháng hoặc nếu là chuyến trở về thì tất cả họ sẽ đến Marseille trong vòng hai mươi sáu ngày!

Từ những chuyến dạo chơi hàng tuần đến cuộc tản bộ làm nhung nhớ quê hương này khiến ta trở nên thật hân hoan nếu đón về nhà một người bạn mới và những tin tức mới của châu Âu. Trái lại ta sẽ buồn thảm nếu tiễn một người bạn lên đường, và tôi không biết thứ tình cảm nào, tình yêu quê hương nào đã làm ánh lên trong khóe mắt những hạt ngọc nhỏ mà mặt trời như thiêu đốt cũng chẳng thể lau khô. Ở thuộc địa, ngay cả những người chỉ có kỷ niệm đẹp và những kỳ vọng sáng sủa cũng luôn mong ngóng về nước Pháp mà họ đã cách xa nhiều tháng trời. Ở đây dù rất ổn, nhưng đâu phải quê hương, chỉ những người ấy mới hiểu nỗi nhớ quê nhà ghê gớm vô hạn thế nào!

MỘT CẢNG HOA KIỀU

Tôi trở về thành phố bằng con đường đất nằm đối diện với con đường mà tôi vừa đi đến chỗ hợp lưu của kinh Chợ Lớn và sông Sài Gòn. Con đường đất giống như một hàng rào bao quanh khu vực của hãng Messageries và băng qua phía trên những khoảng lầy lội lố nhố những căn nhà An Nam xiêu vẹo khiến cho những người mới đến phải lo ngại về hệ thống vệ sinh của chính quyền địa phương. Tuy nhiên chính quyền cũng đã cải thiện khu phố này, đúng ra là vùng ngoại ô nhưng lại rất quan trọng vì có nhà xưởng của hãng Messageries và nhiều xí nghiệp xay xát lúa, khiến cho các vùng lân cận luôn ám khói không hề dễ chịu. Tôi không tin rằng những khu vực này có ngày lại biến thành nhà cửa đẹp đẽ nhưng chắc chắn với sự kiên trì người ta sẽ làm sạch góc thành phố này và thay thế những hố nước bẩn bằng những đồng cỏ mọc hai bên đường.

Nhưng chúng ta cũng chẳng thể phàn nàn nhiều lắm vì chỉ sau vài trăm mét là đã đến cây cầu xinh xắn bắc qua kinh Tàu Hủ. Dọc theo dốc lên cầu là tường cao của một nhà máy luyện kim lớn với những xưởng thợ chiếm một khu vực mênh mông bên bờ kinh.

Chúng ta băng qua một nhánh sông trên một cây cầu táo bạo chỉ có một nhịp duy nhất, bên dưới cầu là thuyền bè với những cột buồm cao vút qua lại. Từ trên đỉnh cây cầu này - một trong những công trình nghệ thuật đáng kể nhất của thành phố - ta có thể thấy toàn cảnh vô cùng thơ mộng trải dài trên bến cảng Hoa kiều.

Trên mặt sông thuyền buồm nối đuôi nhau đến và đi, tùy con nước dâng về Chợ Lớn hay xuống Sài Gòn. Trên hai bờ kinh, hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi. Một bên là các nhà máy quan trọng của châu Âu, các xưởng tinh chế và xay xát lúa; một bên là hàng dài các nhà buôn Hoa kiều và những kho thóc gạo lớn.

Vào buổi tối, thật ngoạn mục khi thấy không gian tăm tối của các bến thuyền được thắp sáng bởi hàng ngàn chiếc đèn lồng từ cửa tiệm người Hoa và vô số đèn đuốc trên tàu. Người Hoa rất phung phí đèn đuốc, và những ngọn đèn dầu nhỏ với chụp đèn bằng sứ được rải ra khắp nơi.

Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng mùi hôi thối bốc lên từ mặt nước khó lòng níu chân du khách được. Con kinh Chợ Lớn thực sự quá hào phóng với đủ loại rác rưởi; khi nước xuống như thủy triều Théramène đột ngột rút đi, nó để lại trên bãi những đống đổ nát kinh hoàng. (còn tiếp) 

(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Le tour du monde năm 1893)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.