Biển luôn nằm chỗ thấp, nên trăm sông đổ về.
Không phân biệt là ai, từ đâu đến, giàu nghèo sang hèn ra sao. Sâu trong mỗi mảnh đời đến đây là một câu chuyện, bước thăng trầm, nỗi buồn vui của những thân phận, mái nhà, làng quê, đất nước.
Biển thì mênh mông, rộng lớn. Thời nào cũng thế, Sài Gòn không ngừng sản sinh ra những con người trượng nghĩa, sống có trước có sau, tử tế từ trong máu thịt. Những trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật hay quán cơm, trà đá, bơm vá xe, hớt tóc, thuốc chữa bệnh miễn phí có mặt đây đó khắp Sài Gòn.
Nơi thành phố này, lòng trắc ẩn chưa bao giờ là thứ xa xỉ. Những câu chuyện trao truyền cảm hứng. Những bình dị lớn lao, những nghĩa tình sâu nặng. Mọi vinh nhục, thành bại, được mất, khi rọi soi vào đó, thảy đều trở nên nhẹ bẫng.
Ầm ào và lặng lẽ. Trăm nhánh sông đổ về biển, dĩ nhiên, trong có đục có. Tôi không quá mụ mị để ngồi vẽ Sài Gòn chỉ bằng gam màu xanh thuần khiết. Bao nhiêu năm qua, biết bao người đã vẽ, đã mơ giấc mơ về một gam màu như thế. Và bao nhiêu năm qua, rốt cuộc chúng ta cũng đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, Sài Gòn pha tạp nhiều màu sắc, ánh sáng trộn lẫn bóng tối. Dưới lòng biển thẳm sâu luôn là những câu hỏi nhức lòng.
|
Sài Gòn có ngập úng, ùn tắc giao thông không? Có. Sài Gòn có ồn ã tiếng người tiếng xe không? Có. Sài Gòn có nạn cướp giật, nghiện hút, mại dâm không? Có. Sài Gòn có hào nhoáng với nhung nhúc nhà hàng, khách sạn, vũ trường? Có. Sài Gòn có khiến người ta cảm thấy xô bồ, vội vã, thậm chí bơ vơ không? Có. Có hết! Cũng như có một Sài Gòn cay nồng từng giọt mồ hôi. Có một Sài Gòn chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Một Sài Gòn chậm rãi ngồi gom từng cuốn sách, chồng báo cũ…
Nhưng, Sài Gòn về đêm là một Sài Gòn rất khác. Một Sài Gòn với cái trở mình rất khẽ. Thổn thức tột cùng và day dứt khôn nguôi. Bao cái miệng còn đói, còn khát? Bao phận người bị từ khước, bị bỏ lại phía sau? Bao nhiêu năm nữa cho giấc mơ hòa hợp, những đứa con mới thực sự xem nhau như máu mủ ruột rà?
Dường như những lúc ấy Sài Gòn mới kịp sống cho mình. Cho những niềm riêng. Đau đáu! Cho những hoài niệm xưa cũ. Đẹp đến nao lòng!
Dang rộng tay đón lấy muôn ngàn con nước, biển thật giàu có, thế mà chẳng bao giờ tham lam giữ lại cho mình. Có người chọn ở lại, lấy chốn này làm nơi an trú. Họ lặng lẽ trở thành trầm tích. Và cũng có những kẻ rời bỏ thành phố, tìm đến những chân trời mới. Như nước đi ra bể lại mưa về nguồn. Sài Gòn vẫn không ngừng cưu mang và nhẫn nại nuôi nấng từng giấc mơ vượt trùng khơi như thế.
Dù đi đâu về đâu, thảy đều được Sài Gòn chăm bẵm với tất cả sự dịu dàng của một người mẹ.
Nhắc đến Sài Gòn là nhắc đến một phần máu thịt, nên lúc nào cũng ăm ắp nhớ nhung. Kẻ đi xa quay quắt nhớ đã đành. Người ở lại cũng dâng trào niềm tha thiết.
Những ai từng đặt chân đến thành phố này, suy cho cùng, đều mắc nợ Sài Gòn. Lòng nhủ lòng rằng phải đối đãi tử tế với Sài Gòn, như cách Sài Gòn đã rộng lượng đối đãi với từng người trong chúng ta.
Song, lấy gì để đối đãi với Sài Gòn, nếu không phải là sự thấu cảm và sẻ chia, nếu không phải là lòng bao dung vượt lên mọi khác biệt?
|
Thành phố này còn bộn bề và ngổn ngang trăm mối. Làm ơn, xin hãy chạm vào Sài Gòn bằng trái tim. Xin hãy cần mẫn thắp lên niềm hy vọng, hong khô giọt nước mắt, chữa lành vết thương đau. Xin đong đầy sự dịu dàng vào từng huyết mạch của Sài Gòn, để cùng với lòng tự hào và niềm tri ân, người với người biết tha thứ và thương nhau hơn.
Khi chung chia một vận mệnh với Sài Gòn như thế cũng là lúc tất cả được bện chặt lại bằng những trải nghiệm vô giá về tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Những ngày còn ở Sài Gòn, hễ lúc nào sắp xếp được là tôi lại tìm đến bảo tàng, phòng tranh, nhà lưu niệm. Không hẳn như đi tìm một thứ cổ vật bị mất. Càng không phải để hoài niệm hay nuối tiếc.
Soi vào những bức ảnh, thước phim của ngày đã cũ, tôi thấy mình ở đó, bé nhỏ trong hồn cốt của người Sài Gòn xưa. Tựa như kẻ hành hương được gột rửa bụi trần sau bao ngày rong ruổi trong hoang mạc khô cháy. Sạch từ tâm khảm. Sạch ra hình hài.
Và để còn nghe trong đáy tim mình lời hẹn ước với Sài Gòn. Bởi Sài Gòn đẹp nhất là chữ Thương. Mà tận cùng của Thương là Đợi.
|
Bình luận