Sài Gòn thèm nghe câu vọng cổ

12/12/2019 09:00 GMT+7

Đã là người Sài Gòn chắc bạn đã từng nghe cải lương, đã từng ngân nga mấy câu vọng cổ. Tôi cũng vậy, đã hơn 20 năm ở Sài Gòn, niềm yêu thích với cải lương trong tôi vẫn còn mãi.

Cải lương từng phát triển rất mạnh ở thành phố này. Ngày đó có rất nhiều rạp diễn cải lương, trên các tờ báo tràn ngập các hình ảnh của các đào kép tài danh, chương trình trên sóng ti vi cũng dành nhiều đất diễn cho cải lương vào những giờ vàng. Đặc biệt là tết không thể thiếu các vở cải lương, khi ấy nhà tôi nghèo lắm làm gì có tiền mà đến rạp xem hát cải lương, chỉ có xem trên ti vi hoặc nghe trên radio thôi. Tôi nhớ tết năm nào nhà tôi cũng cùng mấy cô, mấy bác trong xóm tụ tập lại nhà một bác có ti vi xem các tuồng cổ dài đến 2-3 tiếng vẫn cứ ngồi xem rồi bùi ngùi theo từng câu vọng cổ đến nỗi nhà người ta ăn cơm cũng kệ ngồi coi hết mới thôi, nghĩ lại mà thấy mắc cười ghê.
Thời ấy ra đường là hỏi nhau, mày xem tuồng “Xử án Phi Giao”, “ Lan và Điệp” “Đời cô Lựu”…chưa. Còn về tên các nghệ sĩ hỏi đến là ai cũng có thể kể vanh vách một loạt các danh sách nghệ sĩ cải lương nào là: Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Vũ Linh, Tài Linh, Phương Hồng Thủy…, bọn nhỏ chúng tôi còn sưu tầm rất nhiều thẻ bài có hình các nghệ sĩ này. Đi chợ thi thoảng gặp anh bán hàng vui tính buông vài câu trêu đùa mấy cô mấy chị đi chợ “Hòòòo….ooơơơi! Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm, công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu. Chiếu này tôi chẳng bán đâu, tìm cô không gặp, hòòòo….ooơơơi! tôi gối đầu mỗi đêm…” nghe phê phải biết. Mà tôi thì đặc biệt có duyên với cải lương theo một cách chẳng giống ai- bởi cái tên của mình.

Từ phải sang: Thoại Mỹ, Ngọc Giàu, Phượng Loan trong màn tái diễn trích đoạn vở Thái hậu Dương Vân Nga, tại chương trình 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương hình thành và phát triển

Ảnh: Ngọc Dương

Ba tôi đặt cho tôi cái tên Điệp mà tôi lại là con gái, vô tình nó lại trùng tên nhân vật trong một vở tuồng nổi tiếng “Lan và Điệp”. Thế là từ khi còn nhỏ cho đến tận bây giờ cái tên này vẫn làm đề tài cho bao bạn bè, đồng nghiệp trêu chọc. Hễ gặp tôi là ca cải lương liền“ Điệp ơi! Sao em nỡ cắt đứt dây chuông mà lạnh lùng khép cửa…”. Cứ thế từ một cô bé không biết gì về ca cổ tôi cứ dần tìm hiểu và yêu thích những bài đờn ca tài tử, những vở cải lương mùi mẫn lay động lòng người mặc dù tôi hát chẳng hay tí nào.
Thời gian thấm thoát trôi qua, Sài Gòn đã thay đổi rất nhiều. Về âm nhạc Sài Gòn đã bắt đầu du nhập nhiều âm nhạc phương Tây, nhạc Trung Quốc, Hàn Quốc… tạo nên một nền âm nhạc đa dạng phong phú như ngày nay. Gu âm nhạc của giới trẻ bây giờ cũng đã thay đổi ngay cả con tôi cũng không nghe ca cổ nữa, mỗi lần tôi mở lên là bọn nhỏ lại bảo sao mẹ nghe nhạc gì mà sến thế.
Cải lương cũng không còn như xưa đã pha tạp nhiều, những nhạc cụ hiện đại đã làm mất đi cái chân chất, cái mộc mạc, cái hồn của cải lương xưa. Bây giờ muốn nghe cải lương tôi chỉ có thể lên mạng xem lại các tuồng xưa với chất lượng hình ảnh kém lắm. Hoặc đôi khi tôi cũng được nghe những trích đoạn cải lương trong một số chương trình nào đó nhưng nó cũng chỉ là một đoạn nhỏ mà thôi.
Tôi mong cải lương sẽ có ngày rực rỡ lại như xưa. Sài Gòn ơi, có ai còn nghe “Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô nhà xe rực rỡ xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ mong ... chờ”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.