Chuyện mốt ở Hà Nội xưaTheo các tài liệu, ban đầu, đi hát cô đầu là một thú vui thanh nhã của các cụ khoa bảng khi xưa như Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Dương Khuê, Nguyễn Công Trứ… thích nghe thơ do mình sáng tác qua giọng hát điêu luyện của cô đầu.
Minh họa một buổi hát ả đào trên báo Xuân Sài Gòn xưa |
TƯ LIỆU CỦA PHẠM CÔNG LUẬN |
Trong các bài viết, nhà văn Vũ Bằng thường nhắc đến thú chơi này giữa anh em văn nghệ Hà Nội với nhau xưa kia. Ông cho rằng chưa thấy nhà văn nhà báo đất Bắc nào mà lại không ra vào nhà hát cô đầu… Ông viết: “Các văn nghệ sĩ hội họp uống rượu, ngâm thơ, đánh một khẩu trống để thưởng một câu văn hay, một tiếng đàn khéo bấm, hay một giọng ca buông bắt thật tài tình. Đôi khi tức cảnh, họ tạo nên những câu mưỡu, bài hát nói hay những vần thơ bát cú hoặc lục bát thật hay”. Ông còn cho xóm cô đầu Khâm Thiên là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội”.
Hà Nội trước 1945 có những xóm cô đầu nổi tiếng là Khâm Thiên, Thái Hà, Vạn Thái, Ngã Tư Sở, 24 gian (dưới phố Chợ Hôm), phố Lò Gạch Hưng Ký, xóm phố Hàng Giấy. Trong đó, xóm Khâm Thiên là xóm sang trọng nhất. Đứng hàng đầu là nhà hát Đốc Sao. Trên một tờ báo Xuân Đinh Dậu xuất bản năm 1957, có bài viết kể chuyện vào đầu thế kỷ 20, nhà hát Đốc Sao đã được tiếp đón nhà cách mạng Tôn Trung Sơn đến nghe hát ả đào do cụ Huấn Nguyễn Quyền chiêu đãi (bài Cụ Huấn Quyền và Tôn Văn - hai nhà cách mạng thưởng xuân ở nhà cô đầu Nghĩa của Hồ Điệp) và để đàm đạo nhân dịp đó.
Tưởng chừng hát ả đào chỉ phong kín ở miền Bắc, nhưng do cơ duyên nào đó, môn giải trí có chất nghệ thuật này xuất hiện ở miền Nam và nơi đáp của nó chính là Phú Nhuận.
Trong cuốn 300 năm Phú Nhuận mảnh đất - con người - truyền thống, nhà văn Sơn Nam cho rằng thú giải trí kỳ lạ này xuất hiện ở Phú Nhuận đầu tiên và sau đó nhanh chóng tàn lụi trước năm 1945 theo đà cuốn phăng của thời cuộc. Theo ông: “Với đà phát triển mới, ở Phú Nhuận bày ra thú tiêu khiển hát ả đào, gọi nôm na “hát cô đầu” nhằm thu hút khách “phong lưu” phần lớn từ các quận khác đến. Về nghệ thuật, đào nương ở Phú Nhuận còn kém, nhưng lần hồi các nhà hát khá tấp nập. Ở khắp miền Nam, Phú Nhuận là nơi duy nhất (?) có hát cô đầu, thạnh hành từ năm 1934 về sau. Điểm quy tụ là khu vực góc Phan Đình Phùng - Nguyễn Trọng Tuyển ngày nay (xưa gọi ngã ba Lò Đúc); nhà hát đầu tiên là “nhà Bà Cụ”, chẳng ai rõ tên gì. Các quan viên, trừ số ít sành sỏi trong nghề, phần lớn là đến nghe hát cho vui rồi có thể tìm lạc thú khác, với giá riêng, từ khoảng 10 giờ khuya về sau. Giá thời ấy khá cao, mỗi suất, trong một phòng, nghe đàn hát, tốn 5 đến 10 đồng. Nhiều tay trọc phú phía Sài Gòn dám xuất tiền để mướn đứt ba bốn phòng, dành riêng cho thân hữu, bày thịt rượu, say sưa, mất trật tự”.
Nhà văn Vũ Xuân Tự trong cuốn Túi bạc Sài Gòn xuất bản năm 1942 cho rằng: “Thú vui ả đào hiện đang bành trướng ở Sài Gòn. Người đàn bà Bắc đem cô đầu trước nhất vào Nam là bà đội H. Nhưng hồi đó (?) chưa hợp thời, ý kiến “hay ho” ấy thực hành sớm quá thành thất bại. Đầu năm 1937, cô đầu Bắc lại kéo vào Nam, lần này nhờ “tổ” làm ăn khá lắm! Rồi ngày ngày phát đạt, mở thêm mãi ra. Tới nay gồm có hai chục nhà hát ả đào, con em đến linh trăm”. Theo ông, ban đầu người Nam không thích nhưng do bị bạn bè người Bắc lôi kéo mời mọc, người Nam dần dần theo đi nghe hát, cho dù cách cầm roi chầu, một kỹ năng khi nghe hát do khách tự đánh trống chưa được mấy người trong Nam rành rẽ.
Vì là chốn tìm vui với khách đến đủ thành phần, các nhà hát cô đầu có lúc diễn ra những vụ lộn xộn mà báo chí thời đó đưa tin. Nhật báo Sài Gòn số 14780 (ra ngày 19.9.1941) tường thuật một vụ bắt được một ả đào xài vàng giả. Cách đó hai tối, hôm 17 tháng chín, một đào “rượu” của nhà hát Vũ An Năng ở Phú Nhuận là Nguyễn Thị Bích 19 tuổi, đem một chiếc vàng vào tiệm cầm giấy Thành Hưng đòi thế lấy 50 đồng. Chủ tiệm cầm chiếc vàng xem xét hồi lâu thấy không có vết gì đáng nghi là vàng giả cả; nhưng theo lệ, vì muốn chắc chắn, người chủ lấy dụng cụ ra thử. Thì, chiếc vàng kia chỉ là chiếc vàng giả, bên trong bằng bạc, ngoài bọc một lớp vàng mỏng. Chủ tiệm liền chạy cho bót Phú Nhuận hay. Thầy đội Bôi phái ngay người qua tiệm thộp cổ ả đào kia đưa về bót. Sáng hôm sau, thầy hương quán Sửu mở cuộc điều tra, cô đào Nguyễn Thị Bích khai chiếc vàng kia là vật kỷ niệm của một “quan viên” tặng cho thị. Thủ phạm đã bị giải Tòa ngay.
Bìa số chuyên đề về hát ả đào của tạp chí Văn học xuất bản tại Sài Gòn năm 1971 |
TƯ LIỆU CỦA PHẠM CÔNG LUẬN |
Qua năm sau, cũng trên báo Sài Gòn, số 15075 (4.6.1942) lại đăng câu chuyện hai đào nương ở Phú Nhuận toan tự tử làm xao động giới “tom chát” ở đây: Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, một đào nương vào bậc tài sắc trong làng “trống phách” ở Phú Nhuận, bỗng dưng dùng độc dược tự vẫn. Còn cô Nguyễn Thị Phượng, cũng một tài hoa son phấn của xóm Phú Nhuận, lại nhào mình xuống sông Cầu Kiệu để toan rửa sạch nợ trần. Nhưng do số còn nặng nợ má đào, cả hai đều được có người cứu khỏi và ngẫu nhiên cùng gặp nhau trong dưỡng đường Chợ Rẫy - tuy Phượng và Nguyệt không sống chung trong một nhà hát. Hỏi nguyên do, hai cô đào Phượng và Nguyệt đều đồng trả lời là họ phẫn uất vì sự khắc nghiệt của chủ. Riêng cô đào Nguyệt, trước ngày cô dùng thuốc độc để quyên sinh thì đã xảy ra một vụ thưa kiện giữa cô và người chủ tại phòng quan thanh tra lao động. Cô Nguyệt viện lý do mình bị chủ hành hạ đánh đập để xin thoát ly chốn thanh lâu kia. Nhận đơn thưa, quan thanh tra cho đòi người chủ của cô Nguyệt buộc phải trả rương đồ và giấy tờ lại cho cô. Nhưng rồi không hiểu tại sao, sau đó, Nguyệt lại muốn quyên sinh. Sau đó, lại có đơn thưa nên ông cò Gia Định lại cho đòi chủ Thị Nguyệt đến hỏi về vụ này. Người chủ khai vì có một người thứ ba là một “quan viên” tên K. lâu nay đã quyến rũ của nhà hát mấy “cô đào” rồi, nay ông ta lại dụ cô Nguyệt ra đi và sắp đặt như trên để toan hại chủ. Cuối cùng, ông cò không biết tin ai vì cả hai bên đều không đủ bằng chứng, nên phải bỏ qua vụ này.
Theo Vũ Hoàng Chương trong hồi ký Ta đã làm chi đời ta, nhà thơ Nguyễn Bính trong thời gian ở Sài Gòn trước năm 1945 đã tìm chút phong vị đất Bắc bằng cách lui tới khu ả đào ở Phú Nhuận này. Ở đây, hẳn ông không đến chỉ một vài lần, nên được các cô ả đào đặt cho hỗn danh là “anh Dưa khú”. Không biết lý do vì sao lại có cái tên này?
Trong bài tản văn Tôi đi làm “bồi bàn”, nhà văn Khổng Đức thuật lại câu chuyện khi ông từ Quảng Ngãi lang bạt vào Sài Gòn khoảng năm 1941 - 1942 lúc còn tuổi đi học và sống được nhờ số anh em bà con cùng quê đã vào từ trước. Lúc đó đang thời thế chiến khốc liệt, dân Sài Gòn có máu mặt đều rủ nhau về quê nên dân số thưa thớt chỉ còn vào khoảng ba bốn trăm ngàn dân. Ông viết: “Đến năm 1942, theo tôi nhớ thì từ đầu cầu Kiệu trở đi trừ 5 hay 10 căn phố là nhà dân, còn chạy suốt đến ngã tư Phú Nhuận - bấy giờ gọi là đường Paul Blanchy - phía tay mặt tức là hướng đông, trừ đôi ba quán ăn là tiệm phở với quán cà phê, còn đều là nhà hát ả đào. Đối diện với nhà hát ở phía tay mặt thì phía tay trái là các tiệm cầm đồ (brocanteur)”. (Tuần báo Văn Nghệ TP.HCM số 409 - 15.7.2016).
Tưởng chừng câu chuyện khu nhà hát cô đầu ở Phú Nhuận chỉ là một loại hình giải trí nhất thời giữa lúc tranh tối tranh sáng của xã hội Sài Gòn - Gia Định nằm dưới chính quyền thực dân của cả Pháp và Nhật. Tuy nhiên, vẫn còn những vương vấn để giữ lại thú chơi này. Khi đang viết bài này, tôi được nhà văn Song Thao, một cây bút kỳ cựu của tạp chí Thời Nay trước năm 1975 gửi cho bài viết của anh, bài Hát cô đầu, hé lộ vài chi tiết thú vị về thú chơi này còn kéo dài ở Gia Định đến thập niên 1970. Trong một lần đi chơi, sau một cuộc rượu, viên thư ký tòa soạn tạp chí Thời Nay đã đưa anh em cùng làm báo đến khu hồ bơi Đại Đồng bên Bình Thạnh vì ở đó có một nhà hát cô đầu nhỏ. Anh kể: “Thời chúng tôi, chuyện hát cô đầu là chuyện xưa quá là xưa, chúng tôi không nghĩ là còn nhà hát. Khoảng chục tên làm báo đổ bộ vào nhà hát nhỏ. Khi họ đưa cho chiếc trống cầm chầu thì các “quan viên” ngó quanh. Có tên nào biết chi đâu. Khánh Giang nói tôi cầm chầu vì tôi là dân Bắc kỳ. Rượu đã có trong máu, tôi gật đầu. Khi cô đầu hát, tôi chẳng biết trống triếc ra sao mà từ cô đầu tới các nhạc công mở to mắt nhìn. Tôi gõ lung tung, chẳng biết tại sao mình gõ… Chầu hát cô đầu hôm đó, lần đầu và là lần cuối, tôi thất bại nặng. Coi như một kỷ niệm không đáng nhớ”.
Bài viết còn nhắc sau đó:
“... Năm 1971, tại Sài Gòn, nhân kỷ niệm 10 năm báo Văn học, Phan Kim Thịnh tổ chức một buổi hát cô đầu. Thịnh trên tôi vài tuổi, coi như cùng thế hệ với tôi, chẳng biết cô đầu cô đuôi ra làm sao mà nổi hứng mời hai bậc trưởng thượng Vũ Bằng và Vũ Hoàng Chương tới gõ trống chầu. Thi hào Vũ Hoàng Chương cầm chầu lối buông xuôi trong khi Vũ Bằng đánh trống lối bóc. Vũ Bằng giải thích: “Tiếng trống buông xuôi không kêu to nhưng kiểu cách nhẹ nhàng. Còn tiếng trống bóc nghe to, nghĩa là một tay bịt nửa trống, lúc dùi trống giáng xuống mặt trống nghe nó to và giòn. Đa số các cụ xưa thích đánh trống buông xuôi, còn thanh niên thích lối đánh bóc”. Có thể đây là cảm hứng của chủ bút Phan Kim Thịnh sau khi (hoặc có thể trước khi) thực hiện cuốn Văn học số đặc biệt chủ đề “Văn nghệ sĩ và thú hát ả đào” phát hành ngày 15.10.1971. Số này có các bài viết của các tác giả toàn là chiến tướng xứ Bắc như Trần Tế Xương, Vũ Hoàng Chương, Tam Ích, Lê Văn Trương, Đinh Hùng, Vũ Bằng, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Trọng Lang…
Nhà văn Trần Nghi Hoàng ở Mỹ cho biết quán Ốc của tài tử điện ảnh Văn Giai trên đường Thái Lập Thành (nay là Phan Xích Long) trước năm 1975 cũng có tổ chức hát ả đào. Phải chăng đây là những buổi hát chơi kiểu tài tử quy tụ bạn bè gốc Bắc của ông, cũng là “để tưởng nhớ mùi hương”?
Có lẽ đó là vài vệt sáng cuối cùng đang mờ dần của thú hát cô đầu ở miền Nam, bắt đầu ở Phú Nhuận trước 1945 và chấm dứt hẳn khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975.
Bình luận (0)