Sài Gòn xóm - Kỳ 4: Xóm 'Âm Phủ' cũng thức thời iPhone, ô tô, SH...

Lưu Trân
Lưu Trân
24/05/2018 09:35 GMT+7

Sài Gòn phồn hoa đô hội và là mảnh đất tiềm năng để… làm giàu. Song, len lỏi trong cái 'phố' của Sài Gòn vẫn còn những 'Sài Gòn xóm' với bao câu chuyện đời, chuyện nghề gắn liền với một thời xưa cũ của chốn này.

Khu vực đường Nguyễn Duy, đường Ba Đình (phường 10, quận 8 TP.HCM) có một xóm nhỏ và được người dân ở đấy quen gọi bằng cái tên thân thuộc là xóm "Âm Phủ". Cái tên mà chỉ vừa nghe thôi đã khiến người ta rợn lên cái cảm giác lành lạnh nơi sống lưng, vì nghĩ đến một thế giới cũng đang song hành cùng nhưng “hiếm có ai tận mắt nhìn thấy được”.
VIDEO: Tiền âm phủ ở xóm làm vàng mã 'lớn nhất' Sài Gòn
Thực hiện: Lê Nam - Lưu Trân

Gọi là xóm "Âm Phủ" bởi lẽ nó liên quan đến đặc thù công việc kiếm sống của người dân nơi đây - sản xuất đồ vàng mã. “Thực tình mà nói, cái tên xóm này chẳng có trên văn bản giấy tờ nào cả, do dân sống, dân làm việc, dân thấy hợp tình hợp lý thì dân đặt ra mà thôi”, bà Thu Hường (66 tuổi, người dân trong sống tại khu vực) lý giải.
Vàng mã cũng theo thời
Mặc dù “mang tiếng” là xóm làm vàng mã, nhưng những gì chúng tôi được tận mắt chứng kiến lại chỉ là cảnh tượng một con đường vắng, đìu hiu, còn sót lại vài ba nhà làm nghề này.
Giải đáp thắc mắc đó, anh Lâm Hữu Hoàng (50 tuổi) cho biết: “Ngày trước thì nhiều người làm nghề này lắm. Người ta làm toàn bộ bằng tay, làm thủ công thôi. Bây giờ thì nghỉ bớt rồi, chỉ còn vài nhà nhưng hầu hết đều mở cơ sở và sản xuất bằng máy móc. Chỉ cần thuê thợ chứ không phải tốn sức như ngày xưa”. 
Với ba đời theo nghề làm vàng mã, anh Hoàng chia sẻ thêm: “Giấy tiền và đồ vàng mã ngày xưa đơn giản lắm, chủ yếu là mấy món nhỏ nhỏ như áo quần, mũ quan, tiền bạc…
Còn bây giờ thì nghề này cũng như bao nhiêu nghề khác, chạy theo thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Người ta giờ thích tiền phải là tiền kích cỡ như thật, in màu như thật, điện thoại iphone, xe tay ga, rồi cả nhà cửa cũng muốn làm theo kích cỡ lớn để hóa cho người thân đã khuất”.
Những năm 60 - 70, hầu hết người dân nơi đây đều theo nghề sản xuất giấy tiền vàng mã Ảnh: Lưu Trân
Theo lời anh, đồ vàng mã ngày trước “giá có vài nghìn, vài chục nghìn thì giờ có thể đẩy lên tới tiền trăm, tiền triệu”. Nhưng cũng chính vì lẽ đó, “tiền nhiều thì chất lượng cũng như mẫu mã phải tốt và đa dạng người ta mới mua, nhiều nhà bỏ nghề này cũng vì không đủ vốn cải tiến lên máy móc để mở xưởng. Thêm nữa là người dân giờ có đốt thì họ đốt cho lớn luôn, không thì cũng hạn chế đốt vàng mã rồi”.
Các sản phẩm được làm thủ công, chủ yếu là những mẫu mã đơn giản, nhỏ gọn như: tiền âm phủ, quần áo quan, mũ nón... Ảnh: Lưu Trân

Một trong số những sản phẩm vàng mã được người dân ưa chuộng nhất là điện thoại, xe máy và hình nhân. “Điện thoại thì phải là smartphone như iphone, samsung, còn có cả ipad nữa. Xe máy thì nhiều nhất là xe SH, xe Lead, xe Ecxiter… Giá cho những loại này từ 300.000 - 500.000 đồng/sản phẩm tùy mẫu, kích cỡ, màu sắc.
Còn riêng mấy cặp hình nhân thì giới nhà giàu, đại gia rất thích, họ mua để đốt theo xuống làm người hầu cho người thân đã mất của họ. Giá cặp hình nhân này cũng nhiều mức lắm, thường là từ 250.000 - 300.000/cặp”, một người cũng kinh doanh vàng mã trong Xóm "Âm Phủ" tiết lộ.
Ngày nay, nghề làm vàng mã "teo tóp" dần, chỉ còn vài nhà theo nghề, nhưng họ làm thành xưởng sản xuất, thao tác trên máy móc Ảnh: Lưu Trân
Khi chúng tôi hỏi làm nghề này đủ sống không, anh Hữu Hoàng vừa cười vừa nói: “Không thể khẳng định là đủ hay thiếu, nhưng làm nghề này thì thấy “chua” lắm.
Khu này không có mồ mả gì hết, chỉ vì dân ngày xưa làm nghề này nhiều quá mà rồi bao nhiêu chuyện ma, chuyện quỷ cứ được người này người kia truyền tai nhau”.
Mẫu mã cũng phức tạp hơn, kích thước phải to lớn như đồ thật Ảnh: Lưu Trân
Nghe anh Hoàng nói đến đoạn này, chị Huệ Uyên (35 tuổi, thợ làm công việc cắt giấy tiền tại xưởng của anh) cũng “hùa” theo: “Đây nè, ngày trước tôi mới tới xin làm công cũng nghe người ta đồn ở đây ma nhiều lắm. Mà toàn là ma đói, thiếu thốn vì không có người thân cúng kiếng gì. Có đợt mà cứ khuya lại là nghe tiếng khóc than của mấy vong hồn nữ, dân ở đây phải thay nhau đốt đồ cúng mới được làm ăn phát đạt đó”.
Những ước mơ chưa kịp lớn… đã già
Kể hết cho chúng tôi nghe mấy câu chuyện "liêu trai chí dị", chị Uyên lại tự gật gù, tự nói: “Mà biết sao không, hồi đầu nghe thì tôi sợ dữ lắm. Tính nghỉ làm luôn chứ, mà rồi nghe thì nghe chứ đã có ai trong khu này gặp ma gì đâu. Chẳng qua ở đây là dân tứ xứ tới mưu sinh, rồi làm nghề vàng mã nên người ta thêu dệt, phần là dọa cho nít cho tụi nó khỏi phá bĩnh, phần là làm cho người mua thấy linh thiêng quá mà kéo tới mua đông hơn chứ ma với quỷ gì đâu”.
Dân ở đây chủ yếu là ở miền Tây lên, có người quê An Giang, Tiền Giang có người thì tận Kiên Giang. Con nít trong xóm, đứa thì được đi học đàng hoàng, thường là con cái của mấy chủ sản xuất giấy vàng mã lớn. Còn lại, con của người làm thuê, làm mướn, không ít đứa chẳng được đi học, mới tí tuổi đầu đã theo ba mẹ tối ngày cắt giấy vàng mã.
Bọn nhỏ tụ tập nhau chơi mấy trò như búng thun, bắn bi, thổi bong bóng được pha từ xà phòng với hoa dâm bụt cắt nhuyễn… khác hẳn đám trẻ con có điều kiện với thú vui duy nhất là internet.
Cứ như vậy, chạy dọc theo con đường đó hỏi Xóm "Âm Phủ", người dân sẽ chỉ tay về một cái khu nhà lụp xụp, vắng vẻ nhưng không buồn Ảnh: Lưu Trân
Hỏi một đứa trong đám nhóc mặt mũi lấm lem đang chơi ngoài kia, sau này lớn lên thích làm gì, nó đáp gọn ơ: “Dạ con làm nghề giống cha mẹ, ngồi cắt giấy tiền vàng mã cho người ta, người ta chết rồi người ta thấy mình thành tâm thì phù hộ độ trì cho mau giàu có”.
Tự dưng tôi thấy mắt mình cay cay, hóa ra nơi cái xóm nhỏ này còn có những ước mơ chưa kịp lớn đã già…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.