Sai lầm trong ăn uống khiến người trẻ không thể giảm mà còn bị tăng cân

11/10/2024 09:00 GMT+7

Hiện nay, nhiều người trẻ vì muốn giảm cân nhanh chóng đã áp dụng những biện pháp khác nhau. Tuy nhiên, 'dục tốc bất đạt', nhiều chị em phải đối diện với chứng cuồng ăn vô độ và những ám ảnh về ngoại hình.

Nhịn ăn, sau đó thèm và ăn không kiểm soát

Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng, chia sẻ: "Chứng cuồng ăn vô độ là một rối loạn nghiêm trọng, trong đó người bệnh trải qua các đợt ăn uống quá mức (ăn vô độ) không kiểm soát. Sau đó, thực hiện các hành vi bù trừ như: tự nôn mửa, sử dụng thuốc nhuận tràng, lợi tiểu, nhịn ăn hoặc tập thể dục quá mức để loại bỏ thức ăn và ngăn ngừa tăng cân".

Sai lầm trong ăn uống khiến người trẻ không thể giảm mà còn bị tăng cân- Ảnh 1.

Người trẻ ăn không kiểm soát

ẢNH: LƯU NGUYÊN PHƯƠNG

Theo bác sĩ Ngọc Hùng, chứng cuồng ăn vô độ là một rối loạn tâm lý được chẩn đoán theo các tiêu chuẩn y khoa, thường có chu kỳ lặp lại, gây ra cảm giác mất kiểm soát, tự ti, xấu hổ và tội lỗi. Điều này, không những ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà cả tinh thần.

Chị Trần Thúy Vy (33 tuổi), ngụ tại 587/3 Trương Công Định, P.8, TP.Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), chia sẻ: "Mình bắt đầu giảm cân vì sau khi sinh 2 bé cảm cảm thấy cơ thể quá tải. Cơ thể và sức khỏe không còn như trước nữa. Và mình luôn cảm thấy tự ti mỗi khi ra đường".

Khi bước vào quá trình giảm cân, Thúy Vy đã thử rất nhiều phương pháp là nhịn ăn, uống thuốc. Ban đầu, những cách này có hiệu quả với chị một thời gian. Nhưng với tâm lý muốn giảm cân nhanh, không nghĩ đến kết quả lâu dài, nên khi dừng các phương pháp trên, chị đã bị tăng cân còn nhanh hơn trước.

Chị Thúy Vy chia sẻ: "Trước khi giảm cân, mình đã ăn rất nhiều và hầu như không kiềm chế được. Khi bước vào quá trình giảm cân, mình phải cắt bỏ hẳn những món bản thân yêu thích, cộng thêm việc phải ăn theo chế độ một thời gian nên thành ra bị thèm và ăn lại không kiểm soát".

Sau những lần không ngăn được bản thân "sa" vào đồ ăn, chị Thúy Vy cảm thấy rất buồn, thất vọng. "Mỗi khi ăn xong, mình cảm thấy chán nản, tự ti và thất vọng rất nhiều. Mình luôn tự trách bản thân là tại sao không thể kiềm chế cơn thèm mà lại có thể ăn uống vô độ như vậy", chị Thúy Vy thừa nhận.

Còn Lâm Thúy Kiều (24 tuổi), chủ Spa Lâm Kiều, ngụ ở khóm 8, đường Nguyễn Đình Chiểu, TP.Cà Mau, chia sẻ: "Ai cũng muốn có một có một cơ thể đẹp để mặc những bộ đồ mình thích. Vì vậy, phải tăng size khi mua quần áo, mình liền tìm đủ mọi cách để giảm cân".

Thúy Kiều chọn cách tập thể dục và ăn thâm hụt calo, nhưng chỉ được giai đoạn đầu. Kiều cũng trở nên không đủ kiên nhẫn vì khi vận động nhiều, ăn kiêng quá mức khiến cơ thể cô trở nên mệt mỏi, dần dần cô nàng bỏ tập luyện. Thế là, một vòng lặp về ăn uống lại bắt đầu.

"Mình không kiểm soát được quá trình ăn. Ăn đêm, uống bia, ăn vặt những món linh tinh như: bánh tráng trộn, uống trà sữa… những lúc đó, bản thân thường trốn đi một mình. Ăn để thỏa cơn thèm xong thì mình cảm thấy rất mặc cảm và tự ti", Thúy Kiều nói.

Sai lầm trong ăn uống khiến người trẻ không thể giảm mà còn bị tăng cân- Ảnh 2.

Nhiều người mong muốn giảm cân nhanh để có ngoại hình cân đối nhưng ăn uống chưa hợp lý

ẢNH: NGUYỄN PHƯƠNG LINH

"Do mình cứ nghĩ ăn bữa nay rồi mai giảm nhưng cứ thế mà cân nặng ngày càng tăng. Điều này, làm mình tự ti về ngoại hình. Mình cũng không còn muốn ra ngoài cà phê với bạn bè vì chẳng còn được diện những chiếc váy ôm người nữa", Thúy Kiều bộc bạch.

Những mặc cảm, lo âu, khiến Thúy Kiều không còn thiết tha trong việc chăm sóc cơ thể. Lúc nào ra đường, cô gái này cũng chọn những trang phục rộng. Khi gặp người khác, Thúy Kiều bị chê bai về ngoại hình như 'sao mập vậy', khiến cô nàng vô cùng ám ảnh.

Võ Ngọc Yến (27 tuổi), ngụ ở ấp Phú Quý, xã Thanh Tùng, H.Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau, cũng rơi vào tình trạng tương tự. "Mình đã sử dụng thuốc giảm cân, tập thể dục và ăn thâm hụt calo. Lúc đầu, khi sử dụng thuốc thì cũng giảm được số kg, nhưng không thể uống thuốc hoài. Chuyển sang tập thể dục cũng giúp giảm cân, nhưng không có thời gian nên mình đã bỏ ngang", Yến nói.

Nhận thức bản thân cần phải phải cố gắng ăn ít lại nhưng Yến thừa nhận bản thân lúc nào cũng có cảm giác đói, thèm đủ thứ, nhìn món nào cũng muốn ăn. Sau khi ăn thật no, chị Yến cảm thấy rất mệt, cơ thể nặng nề.

"Lúc trước, mình từng bị mắc chứng cuồng ăn vô độ. Vui cũng ăn, buồn mình còn ăn nhiều hơn nữa, đặc biệt là bánh ngọt, đồ chiên và mì tôm. Mình muốn ăn để giảm stress nhưng không ngờ càng ăn càng stress hơn", Yến chia sẻ.

Cần phải ăn uống lành mạnh

Theo bác sĩ Ngọc Hùng, thói quen ăn uống vô độ, không lành mạnh như tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt, chất béo… Điều này, có thể gây tăng cân, béo phì và các vấn đề sức khỏe khác, nhưng không phải là rối loạn tâm lý.

"Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân của cuồng ăn vô độ, trong đó liên quan đến di truyền. Ngoài ra, việc hạn chế calo quá mức, áp lực tâm lý tạo ra căng thẳng khiến người muốn giảm cân cảm thấy bị gò bó và mất kiểm soát. Bên cạnh đó. mất cân bằng hóa học trong não ảnh hưởng đến neurotransmitter như: serotonin, dopamine, liên quan đến tâm trạng và cảm giác thèm ăn", bác sĩ Ngọc Hùng nói.

"Chứng cuồng ăn vô độ có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim, hệ tiêu hóa dễ bị tổn thương như: viêm loét, trào ngược dạ dày-thực quản, gây suy dinh dưỡng, Ngoài ra, là các vấn đề tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm…", bác sĩ Ngọc Hùng nói thêm.

Cũng theo bác sĩ Ngọc Hùng, để phòng ngừa chứng cuồng ăn vô độ, cần xây dựng chế độ cân bằng dựa trên nguyên tắc dinh dưỡng khoa học. Điều này, bao gồm đảm bảo đủ các nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu: đạm, tinh bột, béo, vitamin, nước, chất xơ. Duy trì lịch ăn đều đặn và tránh nhịn đói kéo dài. Có thể lựa chọn thực hành ý thức hơn bằng cách ăn chậm, nhai kỹ mỗi bữa ăn 15 đến 20 phút nhằm giúp nhận biết tín hiệu đói, no của cơ thể. Kết hợp chế độ ăn với hoạt động thể chất vừa phải và quản lý stress hiệu quả cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng tâm, sinh lý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.