Săn cá đại dương

01/04/2021 07:30 GMT+7

Đây không phải là trò chơi bắn cá kiếm tiền trên máy, tại Phú Quốc, những thợ bắn cá đại dương vẫn đang miệt mài mưu sinh với nghề này...

5 giờ sáng, cảng cá An Thới trời trong, mưa lất phất, tôi cùng hai thợ bắn cá lừng danh ở Phú Quốc là Nguyễn Thanh Hoàng (ngụ thị trấn Dương Đông) và Nguyễn Đình Triều Phương (43 tuổi, ngụ ấp Suối Đá, xã Dương Tơ) ra khơi.

Thợ bắn cá

Chiếc thuyền nhỏ chạy bằng máy dầu chở 6 người qua Hòn Dừa, Hòn Rơi, Hòn Thơm vẫn không dừng lại. “Mấy khu vực này cá không nhiều, muốn đầy “bồ” phải chịu khó ra hòn xa hơn, có nhiều bãi san hô, cá trú ngụ nhiều nên dễ bắn”, anh Phương nói.
Tới hòn May Rút, chúng tôi hạ trại. Nước uống, bao, thùng được đưa lên đảo rồi thuyền lại ra xa. Anh Phương là thợ săn cá có tiếng trong giới, từng “oanh tạc” nhiều năm ở vùng biển Nha Trang, sau mới về Phú Quốc. Ngoài nghề chính là huấn luyện viên dạy lặn, từ năm 1997 anh Phương bén duyên với nghề bắn cá.
Hơn 30 năm làm bạn với súng bắn cá, anh Phương nằm lòng kỹ thuật lặn săn cũng như đặc tính của nhiều loài cá biển. Muốn lặn lâu phải lấy hơi từ bụng. Tùy theo cơ địa, mỗi người có thể lặn được khoảng 40 - 45 giây. Người dài hơi nín thở được tầm 3 - 4 phút thì lặn dưới nước được 1 - 2 phút động. Anh Phương đưa ra giới hạn cho mình chỉ được lặn độ sâu tối đa 20 m khi săn cá. Anh cho biết, càng lặn sâu, áp lực nước càng lớn. Ngay khi cảm thấy đau tai, thợ lặn phải nhanh chóng xả van tai giảm áp. Nếu không kịp thời xử lý, thợ lặn có thể bị vỡ mạch máu và chết ngay khi lặn. “Bắn cá phải đi cùng đội để hỗ trợ nhau trong những tình huống đặc biệt”, anh Phương chia sẻ.
Sau khi trang bị mớ kiến thức cơ bản về lặn cho chúng tôi, anh Phương đưa mỗi người một mặt nạ kèm ống thở để trải nghiệm. Chúng tôi chỉ được phép lặn khu vực gần bờ ở độ sâu tầm 2 - 3 m và không mang theo súng hay đồ bảo hộ. Lấy một hơi sâu từ bụng tôi lặn thử lần thứ nhất khoảng 1 phút. Dưới nước là một cánh đồng san hô đủ màu sắc. Xa xa đàn cá hàng trăm con lượn lờ… “Cá nhỏ là để ngắm chơi, làm cảnh. Dân bắn chuyên nghiệp phải săn cá to trên dưới chục ký”, nói đoạn anh Phương kéo tôi lên và ra hiệu cho thuyền rời đảo ra xa hơn để bắt đầu cuộc săn cá.
Săn cá đại dương1

Chiến lợi phẩm của buổi săn cá

Săn cá đuối

Dân săn cá thường ra khơi ngày con nước sinh vào khoảng ngày 5 - 7 và 20 - 27 hằng tháng âm lịch vì lúc này nước đứng, lượng thức ăn nhiều, cá đua nhau đi kiếm ăn nên rất thuận lợi để đi săn.
Tranh thủ lúc ngồi ở mạn thuyền, anh Hoàng và anh Phương bắt đầu mặc đồ bơi và mang chân vịt. Dân săn cá hầu hết chọn những bộ đồ bơi kín người, màu rằn ri để khi lặn xuống tầng sâu, tiếp xúc gần với cá sẽ không làm chúng hoảng sợ. Đó được coi là một trong những mẹo ngụy trang nhỏ mà người mới vào nghề phải học.
Súng bắn cá thường làm bằng gỗ, ống nhôm hoặc carbon, hoạt động giống cây cung bắn tên. Tuy nhiên vì bắn dưới nước nên lực kéo nặng, thợ săn phải tìm thế để giảm áp lực và hướng mũi tên đi đúng chiều. Anh Hoàng bảo, súng này thường chỉ có ở những nước phát triển môn thể thao săn cá và được cấp phép sử dụng như ngư cụ.
Tiếp đó, anh Hoàng cột một con dao nhỏ vào mắt cá chân: “Dao này để phòng thân khi gặp rắc rối. Khi bị cá kéo, vướng chướng ngại vật phải nhanh chóng cắt tên hoặc cắt súng để thoát thân. Quên con dao này coi như đánh cược cả tính mạng”.
Các công đoạn chuẩn bị xong. Nhóm thợ săn chia hướng rồi thả mình xuống biển. Trong lúc họ lặn ở tầng sâu, chúng tôi giết thời gian bằng cách thả lưỡi, câu mực.
Hơn 5 giờ trôi qua, mặt trời đã đổ bóng về tây, một tiếng gọi từ xa: “Lại đây”. Anh Hoàng nổi lên mặt nước, xung quanh anh là hàng chục con cá đủ loại nặng tới vài chục ký nổi lên vòng quanh bụng. Anh nhanh chóng leo lên thuyền mở thùng xốp ướp cá. Gỡ bỏ bộ đồ lặn, anh nói mình vừa mất dấu một con cá kiếm lớn khoảng 20 kg.
Thấy chúng tôi tỏ vẻ tiếc nuối, anh kể có lần anh từng theo một con cá đuối nặng 80 kg khi đi săn ở hòn May Rút (Phú Quốc). Đó là một trong những chuyến đi săn mà nhớ lại anh vẫn tự phục mình.
“Hôm ấy, phát hiện con cá đuối ước chừng 30 - 40 kg tôi liền theo dấu. Vẫn chưa chắc chắn, tôi lặn xuống một lần nữa để thăm dò. Thấy con cá có vẻ lớn hơn so với quan sát ban đầu, tôi cẩn trọng ngoi lên mặt nước hít một hơi dài rồi lặn gần con cá hơn và bung tên. Lúc này, áp lực nước lớn, con cá dường như cũng cảm nhận được mối nguy nên đột ngột đổi hướng bơi. Mũi tên không trúng đầu mà lại trúng đuôi cộng với tiếng súng lớn khiến con cá hoảng hốt. Nó vùng vẫy kéo theo cả mũi tên cùng tôi và cây súng”. Trong vòng 15 phút, anh Hoàng bị giật nhiều lần tới điếng người, không nhớ mình đã phải uống bao nhiêu ngụm nước. Sau cùng con cá cũng đuối sức. Anh nhờ sự trợ giúp của bạn săn kéo nó vào bờ. Bất ngờ, khi cân con cá nặng tới hơn 80 kg”.
Năm 2018, anh Phương cũng từng bắn một con cá ngừ đại dương hơn 60 kg ở hòn Ông (Quảng Ngãi). Anh kể: “Tôi phát hiện nó từ trên mặt nước nên lập tức lặn theo. Xuống độ sâu 22 m tôi cảm thấy đã tới lúc nên nhanh chóng bắn một phát tên trúng mình cá. Bị tên, con cá hoảng kéo phao điên cuồng hơn 30 phút. Tới khi con cá đã mệt, tôi bắn thêm một tên nữa rồi kéo cá lên thuyền. Khi gặp được những mục tiêu lớn, đam mê và khát khao chinh phục được khơi dậy khiến nghề nhiều thú vị hơn”.

Không bắn cá con, tránh tận diệt

Những thợ bắn cá cho biết họ nhận thức việc bắn cá cũng như các loại hình đánh cá trên biển đều là kiếm kế sinh nhai. Họ chỉ bắn những con cá có trọng lượng từ 4 - 7 kg trở lên. Việc chọn lựa này sẽ giúp bảo tồn cá con, tránh tình trạng tận diệt.

Mất súng, mất mạng

Bắn trúng đích trên bờ đã khó, ở dưới nước độ khó hơn gấp 4 - 5 lần. Cùng lúc, thợ bắn cá phải sử dụng kỹ năng bơi, lặn, nhắm đích và bắn tên. Đó là chưa kể việc phải chịu áp lực từ nước, dòng chảy... Vì thế, thợ săn phải trang bị cho mình nhiều kỹ thuật đặc biệt để có thể xử lý các tình huống phát sinh khi lặn bắn cá. Ở độ sâu quá 10 m, áp suất nước biển lớn hơn, lực đẩy cũng nhiều hơn trong khi cá ở tầng này lại luôn di chuyển, muốn bắn được cá phải hiểu tính cách của từng loài, đoán được hướng đi của cá.
Anh Hoàng bật mí: “Muốn săn cá lớn nhất định bắn một lần phải trúng đích khiến mục tiêu tê liệt. Nếu không, khi bị trúng tên, con cá bị đau sẽ kéo theo tên cùng súng và người đi bất cứ đâu. Cá trúng tên mà không chết phải dứt khoát cắt tên. Không nhanh tay sẽ bị cá kéo sâu, lúc này, thay đổi áp suất, quá sức chịu đựng, thợ săn sẽ chết”. Trên thực tế đã có những người gặp tai nạn và chết ngay trong cuộc đi săn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.