Ông Trần Đại Dương, Giám đốc điều hành của Interloan, cho biết Interloan được phát triển từ dự án cho vay ngang hàng (P2P Lending) từng được vinh danh tại cuộc thi thử thách sáng tạo cùng công nghệ tài chính Việt Nam 2018 do Ngân hàng Nhà nước phát động. Dự án chính thức được hoàn thiện và vận hành thử nghiệm từ tháng 7.2019 với sự tham gia của gần 100 nhà đầu tư cá nhân và người vay ứng lương. Dự kiến, Interloan kết nối các nhà đầu tư và người vay là cá nhân đang làm việc tại công ty, nhà máy, xí nghiệp... với quy mô ước tính hơn 20 triệu người dùng và nhu cầu vay ứng lương từ 1 - 4 tỉ USD.
Interloan áp dụng mô hình chấm điểm tín dụng khách hàng đã được Quỹ John Galt Ventures áp dụng thành công ở những nước khu vực Đông Nam Á. Những thông tin này sẽ được Interloan cung cấp cho nhà đầu tư và người vay, cũng như những quy định về nguyên tắc giao dịch ký kết hợp đồng, lãi suất trong hạn, lãi suất chậm thanh toán, phí giao dịch… Mức lãi suất áp dụng trên sàn Interloan từ 16,5 - 19%/năm tùy theo điểm tín dụng của khách hàng, thấp hơn mức lãi suất của các hình thức P2P hiện nay đang áp dụng từ 40 - 60%. Dù mức lãi suất trên sàn thấp nhưng theo ông Dương, hiện nay vẫn cao hơn so với lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng, ở mức 7 - 8%/năm. Ngoài ra, phí dịch vụ của Interloan từ 4,5%/dư nợ giao dịch; hạn mức vay trên sàn tối đa 70 triệu đồng, mức cho vay phổ biến từ 5 - 10 triệu đồng.
Với tư cách cá nhân, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) nhận xét, mô hình cho vay ngang hàng vẫn đang chờ pháp lý chính thức từ nhà nước. Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã mời các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để tìm hiểu. Hình thức P2P trên thị trường hiện nay đang biến tướng với mức lãi suất cho vay cao, “cắt cổ”, nếu người vay không trả được nợ sẽ bị “khủng bố”… Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những biện pháp giám sát mô hình này để tránh những hiện tượng biến tướng, không đúng mục đích. Lãi suất trên sàn Interloan hiện nay sẽ hỗ trợ cho người vay rất nhiều.
Interloan ký kết với 3 ngân hàng (Sacombank, NamABank và Ngân hàng Bản Việt) và 4 doanh nghiệp (McDonald’s Việt Nam, Công ty cổ phần BPO Mắt Bão, Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn Đông và Công ty cổ phần Việt Money) để hoàn thiện nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến công nghệ cao, hỗ trợ người vay tiếp cận vốn.
Bình luận (0)