Sân chơi cho các tài năng múa tỏa sáng

Phan Cao Tùng
Phan Cao Tùng
18/11/2020 06:37 GMT+7

Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần 6 - 2020 vừa có buổi họp báo vào sáng 17.11 giới thiệu 55 tác phẩm dự thi năm nay (số lượng nhiều hơn các lần trước), với đủ các thể loại như: múa dân gian, múa cổ điển, múa hiện đại...

Sau 5 lần tổ chức thành công (vào các năm 2007, 2009, 2011, 2013 và 2017), Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần 6 - 2020 diễn ra vào các ngày 24.11 (khai mạc lúc 18 giờ 30) và 25.11 tại Nhà hát Thực nghiệm Trường Múa TP.HCM (155 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) cùng đêm tổng kết trao giải vào 20 giờ ngày 26.11 tại Nhà hát TP.HCM.
Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng lần 6 có sự tham gia của 19 đơn vị nghệ thuật (cả công lập lẫn các vũ đoàn, nhóm múa xã hội hóa) và 14 cá nhân đăng ký dự thi. Ngoài các đơn vị công lập tại TP.HCM như Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM, Trường trung cấp Múa TP.HCM, Đoàn văn công Quân khu 7, liên hoan còn có sự góp mặt của các nghệ sĩ múa đến từ các tỉnh khác như Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa), Trường Năng khiếu nghệ thuật và Thể dục thể thao Vĩnh Long, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Phân hội múa tỉnh An Giang…
NSND Hà Thế Dũng (Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của liên hoan) cho biết: “Tác phẩm dự thi có thời lượng từ 5 - 10 phút và không hạn chế đề tài, hình thức, thể loại cũng như chất liệu ngôn ngữ múa. Trên những nội dung phản ánh sinh động, sâu sắc cuộc sống nhiều màu sắc của xã hội - con người VN, đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn, chúng tôi chấm giải dựa vào kết cấu bài múa gồm ngôn ngữ múa, hình thức bố cục sân khấu, âm hưởng của âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, trang phục của nghệ sĩ biểu diễn… Tôi nhận thấy các nghệ sĩ múa tại TP.HCM khi làm nghề mỗi ngày thì bắt kịp đời sống, còn khi sáng tạo dự thi thì các tác phẩm luôn mới mẻ”.
Nghệ sĩ - biên đạo Huỳnh Hồng Diễm (Ủy viên Ban tổ chức liên hoan) nhận xét về chất lượng các tiết mục dự thi: “Hy vọng liên hoan sẽ đem đến nhiều tác phẩm múa xuất sắc khi tính chuyên nghiệp của những đoàn nhà nước rất cao và ranh giới chuyên hay không chuyên với các vũ đoàn, nhóm múa tư nhân đã xóa nhòa. Trong số các vũ đoàn dự thi, có thể thấy nổi bật những tác phẩm của vũ đoàn Phương Việt, Việt Hải, Bạch Dương, Mây, Fly Entertaiment, SCBC VN... Đối với các cá nhân, tôi tin tài năng của Lâm Tố Như, Nguyễn Huỳnh Như, biên đạo Lê Việt, biên đạo Phạm Minh Tuấn... sẽ một lần nữa tỏa sáng như những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng mà các nghệ sĩ này đã dàn dựng, biểu diễn trong thời gian vừa qua”.
Còn nghệ sĩ - biên đạo Lê Việt (Trưởng vũ đoàn Phương Việt) chia sẻ: “Làm nghề lâu năm, các nghệ sĩ chúng tôi đều thấy đây là một sân chơi lành mạnh, công bằng và thật sự xứng đáng để các nghệ sĩ múa tham gia tranh tài, “cháy” hết mình để làm nghề thật sự, ngoài thời gian chạy show bên ngoài”.
Liên hoan nghệ thuật múa TP.HCM mở rộng là “thương hiệu” của Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM. Mục đích và tiêu chí lớn nhất của liên hoan mà Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM đặt ra từ buổi ban đầu và vẫn kiên trì thực hiện, đó là sự thăng hoa trong sáng tạo nghệ thuật của mỗi nghệ sĩ trong cả sáng tác, biên đạo và biểu diễn.
“Sự sáng tạo trong nghệ thuật luôn làm cho mỗi kỳ liên hoan thêm sôi động, đa dạng và tạo điều kiện cho nghệ sĩ giao lưu nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng trong nghề múa. Chính vì vậy, mỗi kỳ liên hoan luôn xuất hiện nhiều tác phẩm có những sáng tạo mới khiến không chỉ khán giả đến xem cảm thấy hưng phấn, mà đồng nghiệp trong nghề cũng đánh giá cao”, NSND Lê Nguyên Hiều (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM) nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.