Cha truyền con nối: Gia đình sống và chơi cùng nghệ thuật múa

Nguyên Vân
Nguyên Vân
25/09/2020 05:59 GMT+7

Tháng 9 này, Đoàn múa Những ngôi sao nhỏ của vợ chồng NSND Đặng Hùng - NSND Vương Linh vừa kỷ niệm 25 năm thành lập; và gia đình của nghệ thuật múa này cũng vừa hoàn thành hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với 9 tác phẩm.

“Khi tôi gọi sang Hungary cho bố mẹ báo tin và nhờ ông bà cung cấp các thông tin cần thiết cho hồ sơ, vì có những tác phẩm, clip từ năm 1992..., mẹ tôi mừng lắm. Tôi nói với mẹ: không biết giải thưởng cuối cùng ra sao nhưng đó là điều nghĩa, con muốn làm việc này”, NSƯT Linh Nga, con gái của vợ chồng nghệ sĩ múa Đặng Hùng - Vương Linh chia sẻ.
Linh Nga cho biết sau khi NSND Đặng Hùng và Vương Linh nghỉ hưu, cô muốn bố mẹ thật sự có những tháng ngày hưu trí đúng nghĩa, muốn ông bà đi du lịch thật nhiều; vì cả đời ông bà đã dành hết thời gian cho công việc, cho Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, cũng như Đoàn múa Những ngôi sao nhỏ. Cô không ngờ chuyến du lịch châu Âu của bố mẹ vướng dịch Covid-19 và ông bà phải ở lại Hungary đến nay.

Nghiêm túc với nghề gia truyền

Được thừa hưởng gien nghệ thuật từ bố mẹ, với Linh Nga, “múa còn là cả tuổi trẻ và tuổi thơ của tôi”. 10 tuổi, Linh Nga đã là thành viên trụ cột của nhóm múa Những ngôi sao nhỏ, thuộc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. 12 tuổi, Linh Nga sang Trung Quốc học múa và 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật múa Bắc Kinh, Trung Quốc, cô về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, nơi bố mẹ cô gắn bó từ cuối những năm 1980.
Linh Nga luôn ý thức rằng “múa như nghề gia truyền, một nghề không dễ dàng để gia đình mình sống được và trụ lại được TP.HCM đến hôm nay”. Nên, cô bày tỏ: “Một nghệ sĩ có thể có những phức tạp trong đời sống, nhưng với nghề của mình, phải luôn nghiêm túc, để trên sân khấu và trong lĩnh vực mình hoạt động, họ có được sự tôn trọng nhất định, đúng với giá trị mà họ cống hiến”.
Nghệ thuật múa là loại hình đầy thử thách với người lựa chọn nó. Linh Nga chia sẻ, dù thời gian học tập rất nhiều, thời gian luyện tập, trau dồi cũng không ít và phải liên tục, nhưng “đất sống” của múa tại Việt Nam không nhiều và tuổi hoàng kim của nghệ sĩ múa rất ngắn - khoảng 5 năm. Vì thế, để lấy ngắn nuôi dài, “bao nhiêu năm nay tôi đã đưa múa vào event (sự kiện), tôi muốn múa phải được phổ cập hơn. Tôi quan niệm, event dù lớn hay nhỏ thì sự xuất hiện của mình phải luôn chuyên nghiệp, sân khấu dù rộng hay hẹp thì chuyên môn cũng phải đạt mức cao nhất, để khán giả hiểu rằng, à thì ra nghệ thuật hàn lâm cũng có thể “chạy show event” được chứ không chỉ biểu diễn ở các nhà hát lớn”.

Niềm kiêu hãnh của 2 thế hệ

Từ khi chuyển vào TP.HCM sinh sống, NSND Đặng Hùng làm việc ở Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen từ vị trí diễn viên đến đoàn trưởng rồi phó giám đốc và giám đốc. Linh Nga chia sẻ, “gần như cả cuộc đời của bố mẹ gắn bó với mỗi nơi này, rồi sau đó là tôi và cậu ruột của tôi - nghệ sĩ Đoàn Long”. Vì thế, với Linh Nga, “bố mẹ và tôi xem nhà hát như ngôi nhà của mình”. “Bao nhiêu năm nay bố miệt mài với hoạt động của nhà hát, còn mẹ thì gắn với sàn tập, đào tạo các diễn viên. Công ty của tôi - Vương Vũ - tổ chức các chương trình nghệ thuật cũng kết hợp với nhà hát… Cứ xoay vòng và gắn kết như thế nên 2 năm nay, khi bố tôi về hưu, không chỉ ông bà hụt hẫng mà chính tôi cũng thấy thật khó khăn vì sự thiếu vắng mà không phải ai cũng hiểu được”, Linh Nga tâm sự.
Ngoài ra, nếu nghệ sĩ solist nước ngoài chỉ chuyên tâm cho biểu diễn và tỏa sáng trên sân khấu, thì ở Việt Nam chưa được như vậy, khi họ phải lo nhiều thứ ngoài chuyên môn. “Những điều đó, lâu nay tôi hầu như được gia đình hậu thuẫn. Khi cả mẹ và bố nghỉ hưu, tôi một mình choàng hết, từ chuyên môn đến xếp lịch cho diễn viên, chuẩn bị trang phục...; rồi phụ trách lớp múa Những ngôi sao nhỏ cho bố mẹ. Mà, tôi thật sự chỉ giỏi việc múa thôi, chứ phải đi ký hợp đồng hay thương lượng với khách hàng nữa thì cảm giác mình mất đi sự trong sáng và cảm hứng trong nghệ thuật”, Linh Nga nói. Thế nên “gồng” được một năm khi không có bố mẹ bên cạnh, cô cũng nghỉ ở nhà hát (từ tháng 9.2019), chuyển sang hướng khác, vừa hoạt động vừa hỗ trợ, hợp tác với các chương trình của nhà hát.
“Với gia đình tôi, múa - cả biểu diễn và đào tạo, không chỉ là nghề nghiệp, khi mà cách đây hàng chục năm bố mẹ từng bỏ tiền túi để đầu tư, chăm chút, nuôi dưỡng cho tình yêu ấy. Nói đúng hơn, ngoài sống với nghệ thuật, chúng tôi còn “chơi nghệ thuật”. Cuộc chơi ấy vừa thể hiện khí chất của nghệ sĩ vừa là niềm kiêu hãnh của gia đình”.
Linh Nga nhận danh hiệu NSƯT năm 2016, khi cô 30 tuổi (trẻ nhất trong đợt xét tặng này, cùng Tạ Thùy Chi, Đàm Hàn Giang). Nhưng điều khiến cô hãnh diện hơn, là việc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen nhận kỷ lục Nhà hát đào tạo lực lượng nghệ sĩ múa nhiều nhất do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.