CHƯA HẾT THÁNG GIÊNG MÀ!
Đạo diễn Ái Như, bà bầu của kịch Hoàng Thái Thanh, cho biết: "Tuần nào chúng tôi cũng diễn 5 suất (thứ bảy 3 suất sáng, chiều, tối, và chủ nhật 2 suất chiều, tối). Năm nay khi công nhân viên đi làm lại thì trường học cũng hoạt động trở lại, chúng tôi có lượng khán giả là học sinh rất đông, thường mua nguyên dàn, diễn rất sung. Và chúng tôi còn bán cho bệnh viện, công ty, kéo dài tới hết tháng giêng âm lịch luôn, nghĩa là qua tới tháng 3 dương lịch, có khi kéo tới đầu tháng 4. Tôi nghĩ chắc vì trời còn đẹp và khô ráo nên mọi người còn thích đi giải trí".
Nhà hát Idecaf cũng cháy vé với 2 vở Tấm cám đại chiến và Vàng ơi là vàng. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn nói: "Năm nay tưởng kinh tế khó khăn thì mọi người sẽ dè xẻn túi tiền, nhưng không ngờ sau tết lại đi xem kịch nhiều hơn cả tết. Lạ quá! Không chỉ Nhà hát Idecaf mà cả Nhà hát Thanh Niên của chúng tôi cũng cháy vé, suất nào cũng kín 600 ghế, mừng vô cùng".
Sân khấu Thiên Đăng cũng kín cả rạp, đến nỗi NSƯT Thành Lộc viết trên Facebook rằng người bạn thân từ nước ngoài về nhờ mua giùm vé để xem vở Giáng Hương mà anh đành bất lực, không tìm được vé nào. Các vở khác cũng vậy, khán giả đã đặt hết trên mạng, "đừng hòng" tới phòng vé mà mua được.
Sân khấu Thế Giới Trẻ và sân khấu Hồng Vân không kém cạnh, suất nào cũng kín rạp. Bà An Thi quản lý Thế Giới Trẻ cho rằng: "Tôi nghĩ, tuy kinh tế khó khăn nhưng áp lực cuộc sống cũng khiến người ta muốn tìm nơi giải trí cho nhẹ nhàng để vào năm mới "chiến đấu" tiếp tục. Nhất là giới trẻ, các bạn thích sân khấu vì sự tương tác trực tiếp xem ra thú vị hơn".
KHÁN GIẢ THÍCH GÌ NƠI SÀN DIỄN?
Sau tết, tâm lý vui chơi giải trí tuy vẫn còn nhưng hình như có lắng xuống chút ít, nhường chỗ cho những cảm thụ sâu lắng hơn, vì vậy một số sân khấu đã chọn những vở có chiều sâu. Như ở Hoàng Thái Thanh thì vở Lạc ở đáy sông là chủ lực, với câu chuyện gai góc của ông Tư Bờ, vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân của một cuộc hôn nhân tan vỡ, và sau đó là chuỗi ngày ăn năn, thiện nguyện, mở lòng với tha nhân. Ngoài ra, bà bầu Ái Như còn xếp lịch luôn hai vở cũ là Rau răm ở lại và Bông hồng cài áo, một nói về tình cha, một nói về tình mẹ, khiến các em học sinh khóc như mưa trong mỗi suất diễn. Bông hồng cài áo là vở nổi tiếng của NSND Kim Cương, đã được Hoàng Thái Thanh tái dựng với một vài chi tiết biến tấu rất thành công.
Ở Thiên Đăng, Giáng Hương vẫn là chủ lực, nhưng các vở Ngôi nhà trong mây, Duyên thệ đều được xếp lịch đều đặn vì đều là vở tâm lý, cảm động. Duyên thệ phóng tác từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đem lại một không khí xưa, hoài cổ, nhưng ý nghĩa thì vẫn phù hợp với cuộc sống hiện đại.
Tấm Cám đại chiến của Idecaf quá duyên dáng, khán giả người lớn dẫn con theo xem luôn, bởi vở này đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của cả gia đình. Một vở cảm tác từ cổ tích nhưng đem lại tư tưởng mới, phù hợp với con người hiện đại. Thú vị nhất là hài từ đầu đến cuối nhưng nghệ sĩ Đình Toàn đã cầm cương cho cả ê kíp, làm sao để cùng diễn vui, sinh động, mà vẫn sạch sẽ, không nhây, không lê thê.
Thế Giới Trẻ thì chủ lực là vở Bóng đàn ông với cặp đôi Gia Bảo - Minh Dự tung hứng rất giỏi. Mỗi con người đều có nỗi niềm riêng giấu kín, nhưng rồi hoàn cảnh bắt buộc họ phải mở tung bí mật và đối diện với sự thật, từ đó mới an lòng, mới tìm được hạnh phúc. Hài có hài, nhưng cảm động cũng có, khiến khán giả không khó chịu với đề tài đồng tính.
Sân khấu Hồng Vân diễn lại vở Bông cánh cò từ mấy tháng trước mà khán giả vẫn đến ào ào. Một vở nhạc kịch êm ái, ngọt ngào chất miền tây Nam bộ, dễ chinh phục khán giả vốn đa số gốc miền Tây, Sài Gòn. Khán giả mê mẩn những bài nhạc của Bắc Sơn từng ăn sâu trong ký ức, giờ minh họa cho số phận các nhân vật thật là ăn ý. Vở này khóc nhiều hơn cười, nhưng sau tết người ta cần thấm thía, nên cứ chọn xem.
Hóa ra, hết mùa tết thì vẫn còn mùa xuân, và sân khấu đang hưởng trọn một thời khắc ngoạn mục. Bên cạnh đó, thấy rõ là những vở chất lượng luôn có người xem chứ không hẳn người ta chỉ muốn vui cười dễ dãi.
Bình luận (0)