Buổi tái diễn vở kịch phi lý Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn là buổi diễn rất "áp phê", một loại "chất kích thích" mọi giác quan của khán giả dựa vào tất cả các yếu tố cấu thành kịch. Mặc dù trước khi tái diễn, TheaFter đã tổ chức hàng loạt sự kiện vệ tinh để "mào đầu" về thể loại kịch này, nhưng đêm diễn vẫn để lại những dấu chấm hỏi cho khán giả. Hôm sau, 17.12, tại một bar ở TP.HCM, TheaFter tổ chức buổi nói chuyện có đạo diễn Trà Nguyễn (chỉ đạo vở thể nghiệm Biết thì nói, không thì bói, diễn suất tháng 3 năm nay tại TP.HCM) chỉ dành riêng cho những ai đã xem vở, mời TS. Bùi Trân Phượng và chia sẻ ý kiến.
Trong lối vào "sân khấu", ban tổ chức sắp đặt một mô hình vặn xoắn màu trắng, đối diện là những vật bằng thủy tinh; tiến sâu thêm, đó là một bàn bày đủ các loại mùi hương - mà sau đó khán giả mới hiểu rằng, tất cả đều là ý đồ nghệ thuật của Chinh Ba. Vượt qua một cánh cửa nữa là đến "sân khấu" - nơi mà tất cả khán giả vừa ăn uống vừa tán gẫu và tương tác với nghệ sĩ. Một kiểu sân khấu "lạ lùng" vì từ trước đến giờ, khi đi xem kịch nói ở các sân khấu trong TP.HCM, hiếm có và (dĩ nhiên) chẳng có ai vừa ăn, uống vừa nói chuyện với nghệ sĩ; đồng thời ban tổ chức phải điều phối khán giả liên tục để họ không "phạm" vào không gian của diễn viên, mà không gian đó được định hình bằng khu vực đèn chiếu sáng. Người viết thắc mắc với ban tổ chức: "Đã diễn chưa?", ban tổ chức bảo: "Đã diễn rồi. Và tất cả mọi người cùng diễn".
Đập vào mắt người tham dự trước nhất là một "nàng Kiều" ngồi bất động bên cạnh một bình hoa sen. Khán giả có thể trò chuyện với nàng ấy. Phía đối diện là những mô hình bằng thép với đủ loại hình thù nằm ngổn ngang được sắp đặt không theo một thứ tự nào. Trong không gian đó, trái ngược với sự tĩnh lặng tuyệt đối của nàng Kiều, nghệ sĩ hú hét, làm đủ trò theo yêu cầu của khán giả. Ngay phía cửa, một tấm vải cực lớn thả rũ xuống, làm nền để chiếu video một nghệ sĩ đang lăn dài trên cát biển, sóng ì ầm vỗ... Ánh đèn - không gian thay đổi liên tục. Khán giả - mà đa phần rất trẻ - choáng váng, đèn tới đâu, diễn viên chạy tới đâu, khán giả chạy theo tới đó, chen nhau để được xem những gì sẽ xảy đến, như bầy đom đóm trong đêm đen may mắn bắt gặp nguồn sáng. Rồi bỗng chưa kịp hiểu chuyện gì diễn ra, nghệ sĩ bỗng "làm tình" với nhau và nói những câu chẳng ăn nhập gì; bất giác lúc ấy, nàng Kiều một lần nữa xuất hiện, táo bạo, hấp dẫn, sống động hơn, và gây sốc với khán giả!...
Một vở kịch mà lằn ranh không gian giữa sân khấu và khán giả, giữa diễn viên và khán giả, bị phá vỡ đến mức chẳng còn gì; không gian không ngừng thay đổi, cơi nới liên tục, và khán giả cũng không biết rằng, mình cũng là một diễn viên trong vở ấy! Không có một không gian nhất định, tuyệt đối cho diễn viên, và ngược lại đối với người xem. Nghĩa là khán giả có thể can dự vào trong "vùng" diễn, miễn sao diễn viên không bị khó chịu.
Hồi Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B cho tái diễn các vở kịch thể nghiệm, mà gần đây nhất là Ái tình ngoài hôn nhân, trước đó là vở Những giấc mơ lóng lánh, với không gian thay đổi liên tục, đã là một sự lạ trong việc thưởng thức đối với khán giả. Nhưng với Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn, không gian bị "vỡ" đến không cùng. Sau này, những yếu tố rất mới đó được gọi là ý tưởng "dân chủ hóa" đến mức tối đa việc thưởng thức kịch. Trà Nguyễn nhận xét rằng đạo diễn Chinh Ba phá vỡ quy cách thưởng thức kịch truyền thống, chẳng có sự ngưỡng vọng từ phía khán giả để được "ban" cho nghệ thuật, và sự cố gắng dân chủ hóa này trong thưởng thức kịch nghệ đã được các nhà làm kịch phi lý hồi sau Thế chiến thứ hai cố gắng thể hiện, khi mà "kịch cũ" không còn dung chứa hoặc diễn giải hết những phi lý của cuộc đời.
Trong lần tái diễn ở TP.HCM, vở Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn có 2 suất: suất tiếng Anh (buổi chiều) và suất tiếng Việt (buổi tối). NSND Mỹ Uyên đến xem suất tiếng Anh, chị tấm tắc khen ngợi. TS. Bùi Trân Phượng đến xem suất buổi tối, cũng khen ngợi mô hình sân khấu kịch trẻ này.
Vở kịch phi lý Họ gọi món và lăn dài trên cát, sóng biển và đám cỏ lăn lấy cảm hứng từ Truyện Kiều của Nguyễn Du và vở kịch Furtive Love (tạm dịch: Mối tình vụng trộm) của Brian E. Turner. Tác phẩm phối trộn và sắp đặt mang tính vô lý (absurdity) của hàng loạt yếu tố/loại hình nghệ thuật như thị giác, video, ứng tác, múa, kịch… Đây là vở kịch phi lý liên ngành - nơi người sáng tạo kết hợp kịch, kịch ứng tác, kịch hình thể, múa, thị giác, nghệ thuật âm thanh và sắp đặt video.
Đạo diễn không chỉ đưa hoa, các khối thép, vải vóc vào trong kịch, anh còn đưa vào cả máy hút bụi, sách vở, bình phong... Một trong những cảnh hấp dẫn của vở là khi diễn viên lăn dài trên nền đất, mặc độc quần lót. Chinh Ba nói rằng, để kịch qua được kiểm duyệt, "chiếc quần lót xấu xí kia" bị buộc phải xuất hiện, không còn cách nào khác; với anh, cơ thể con người vô cùng đẹp, nó là một chỉnh thể của "nghệ thuật" mà bất kỳ người nào cũng sở hữu, dưới thánh đường sân khấu, và nhất là ở kịch phi lý của anh, nghệ sĩ lẽ ra, và càng không nên mặc!
Một cảnh khác cũng "đắt" không kém là 3 nghệ sĩ giằng co nhau giữa một cuộc "làm tình" đầy mệt mỏi, rồi họ bỗng "vỡ" ra, chạy về phía những cánh cửa bất giác bật tung, như thiêu thân lao vào ngọn lửa... Âm nhạc đầy khiêu khích, nhưng cũng vô cùng u ám. Cái hay của vở kịch phi lý này là tác phẩm không trao cho khán giả bất kỳ một ý nghĩa gì cụ thể - ý nghĩa mà thấy thì hiểu liền - mà tất cả đều thông qua cảm nhận và khả năng móc nối các sự kiện, yếu tố nơi người xem.
Trà Nguyễn nhận xét, kịch truyền thống, ở những đoạn biểu cảm đặc thù, luôn có một loại nhạc đặc thù đi kèm để "báo hiệu" cho khán giả biết đó là đoạn cao trào hay buồn thương. Chinh Ba không làm thế. Anh tách tất cả mọi thứ ra, và với loại âm nhạc cực kỳ trẻ và sôi động, anh "thảy" nó vào sân khấu, biến nó thành một loại nhân vật. Chinh Ba cho biết, với cấu trúc vở này, anh và đội ngũ có thể tách ra bất kỳ một phần nào đó của vở và phát triển nó lên, đem diễn độc lập cũng được. Một kiểu tư duy làm kịch được Chinh Ba gọi là "automatism" (tự động hóa), kêu gọi sự tương tác liên tục trong quá trình diễn xuất.
Bình luận (0)