Thông tin này được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG) cho biết tại cuộc họp báo chiều 21.5.
Tổng số người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV tính tới hiện tại có 866 người để bầu 500 ĐB (tỷ lệ 1,73 người ứng cử để bầu 1 ĐB). Tổng số người ứng cử ĐB HĐND cấp tỉnh theo danh sách chính thức là 6.199 người, bầu 3.726 ĐB (tỷ lệ 1,66 người ứng cử để bầu 1 ĐB); ở cấp huyện là 37.468 người để bầu 22.952 ĐB (tỷ lệ là 1,66 người ứng cử để bầu 1 ĐB); ở cấp xã là 405.244 người ứng cử để bầu 242.312 ĐB (tỷ lệ là 1,67 người ứng cử để bầu 1 ĐB).
Cũng theo thống kê của HĐBCQG, toàn quốc có tổng cộng hơn 69 triệu cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu. Đến ngày 3.5, các tổ bầu cử đã hoàn thành việc niêm yết danh sách người ứng cử ĐBQH khóa XV, ứng cử ĐB HĐND các cấp theo đơn vị bầu cử, và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử bảo đảm chính xác, rõ ràng, đúng tiến độ theo luật định.
Trả lời tại họp báo về địa điểm bỏ phiếu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng ban Công tác ĐBQH cho biết về nguyên tắc, các lãnh đạo ở địa bàn nào, đang cư trú ở đâu thì đi bầu cử ở nơi đó. Tuy nhiên, gắn với nhiệm vụ cụ thể của các thành viên HĐBCQG và nhiệm vụ của lãnh đạo, theo luật quy định, các lãnh đạo đi bỏ phiếu ở một số địa phương để gắn liền với việc kiểm tra, chứng kiến giờ khai mạc và không khí của ngày bầu cử.
Cung cấp thêm thông tin, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đối với 4 lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, thì Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ bỏ phiếu tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bỏ phiếu tại TP.HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính bỏ phiếu tại Cần Thơ và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bỏ phiếu tại TP.Hải Phòng. Đây là 4 địa phương mà các vị lãnh đạo ứng cử Quốc hội khóa XV.
Lê Hiệp
|
“Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, theo chỉ đạo của HĐBCQG, các địa phương đã rà soát, cập nhật bổ sung danh sách cử tri, có các phương án xử lý, bảo đảm tất cả các cử tri đủ điều kiện đều được thực hiện quyền bầu cử”, ông Bùi Văn Cường cho hay.
Theo ông Cường, HĐBCQG, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thành lập 23 đoàn công tác đến làm việc tại 53 tỉnh, TP để giám sát, kiểm tra về công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương. Các địa phương cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đảm bảo đúng quy định.
|
Đẩy nhanh giải quyết khiếu nại, tố cáo
Về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, ông Cường thông tin tính đến 17 giờ ngày 14.5, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của HĐBCQG tiếp nhận 164 đơn thư của công dân có nội dung khiếu nại, tố cáo và phản ánh về công tác bầu cử và ứng cử viên ĐBQH khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Qua phân loại, có 12 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử ĐBQH; 112 đơn tố cáo, phản ánh về người ứng cử ĐB HĐND các cấp; 34 đơn tố cáo, phản ánh về việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, 6 đơn không liên quan đến bầu cử.
Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của HĐBCQG đã chuyển đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, giải quyết 69 đơn; xếp lưu 95 đơn (62 đơn trùng; 33 đơn không rõ nội dung, đơn không liên quan đến bầu cử). Đến nay, công tác xác minh, giải quyết đang được đẩy nhanh, đảm bảo quy định của pháp luật bầu cử và các quy định khác của pháp luật.
16 địa phương bỏ phiếu sớm
Liên quan tới các địa phương bầu cử sớm, ông Cường cho biết, tới thời điểm hiện tại, có 3 tỉnh có một số khu vực đã hoàn thành tổ chức bầu cử sớm gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa và Quảng Nam. Ngoài ra, đã có 16 tỉnh, TP có đơn đề nghị và HĐBCQG đã có văn bản cho phép một số khu vực bỏ phiếu trên địa bàn các tỉnh này tiến hành bỏ phiếu sớm, gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Nông, Hải Phòng, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Đắk Lắk, Kon Tum, Bạc Liêu và Bắc Ninh.
Trong số này, Bắc Ninh vừa được HĐBCQG chấp thuận cho bỏ phiếu sớm hơn 1 ngày tại TP.Bắc Ninh, TX.Từ Sơn, H.Tiên Du và H.Gia Bình; còn Bắc Giang là tỉnh có dịch
Covid-19 đang bùng phát mạnh, song không có văn bản đề nghị cho bỏ phiếu sớm. Ông Cường cho biết, việc bầu cử sớm phải do Ủy ban Bầu cử địa phương đề nghị và HĐBCQG quyết định.
Đảm bảo an toàn phòng chống dịch
Trả lời câu hỏi về việc đảm bảo phòng chống dịch trong bối cảnh cả nước có tới gần 70 triệu cử tri đi bầu vào ngày 23.5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay tới nay HĐBCQG đã có nhiều văn bản hướng dẫn, xử lý vấn đề đặt ra khi tổ chức bầu cử trong tình hình dịch bệnh tại nhiều địa phương; bao gồm việc rà soát, cập nhật danh sách cử tri và tổ chức việc bỏ phiếu để đảm bảo, tạo điều kiện cho các cử tri tại những địa phương đang thực hiện giãn cách hoặc bị phong tỏa.
HĐBCQG, Bộ Nội vụ cũng đã có những hướng dẫn chi tiết về tổ chức sắp xếp khu vực bầu cử, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế, bố trí khu vực cách ly tạm thời... tại các khu vực bầu cử. Bên cạnh đó, các thành viên Tổ bầu cử cũng được tập huấn rất kỹ để thực hiện các quy định phòng, chống dịch vào ngày bầu cử.
Người tham gia bầu cử cần lưu ý gì ?Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về bảo đảm an toàn trong công tác bầu cử trên toàn quốc, tại các địa phương đang phát hiện ca nhiễm Covid-19, mỗi điểm bầu cử phải bố trí một khu vực cách ly tạm thời dành cho người nghi nhiễm.
Trường hợp tổ chức bầu cử cho người đang cách ly tại nhà, khu cách ly tập trung, cách ly tại khách sạn, cách ly tại bệnh viện, khu vực đang bị phong tỏa, buộc phải thực hiện khử khuẩn bề mặt hòm phiếu trước và sau khi kết thúc việc bỏ phiếu. Sau khi kết thúc bỏ phiếu, hòm phiếu phải được để ở vị trí riêng và đánh dấu hoặc dán nhãn cảnh báo nguy cơ lây nhiễm theo quy định.
Cử tri khi tham gia bỏ phiếu phải sử dụng bút, thước riêng (thải bỏ sau 1 lần sử dụng). Cần thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế; khai báo y tế điện tử, cài đặt và bật ứng dụng BlueZone; đồng thời, thông báo kịp thời với ban tổ chức nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở; tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của cơ quan chức năng tại khu vực bỏ phiếu. Bộ Y tế cũng hướng dẫn thành viên tổ bầu cử, người giám sát bầu cử, người vận chuyển hòm phiếu, người kiểm phiếu phải được trang bị, hướng dẫn mặc và cởi bỏ các phương tiện phòng hộ cá nhân (quần áo, kính đeo mắt, mũ, găng tay, khẩu trang, ủng...).
Yêu cầu khác đặt ra là các điểm tổ chức bầu cử đảm bảo thông thoáng; cử tri tham gia bầu cử đi vào và ra theo một chiều; thực hiện bầu cử theo cụm dân cư và theo thời gian; ghi chép thời gian bầu cử của cử tri để thuận lợi trong tổ chức quản lý và truy vết nếu có trường hợp nghi nhiễm hoặc nhiễm Covid-19; đồng thời, đảm bảo giãn cách và tuân thủ 5K tại khu vực tổ chức bầu cử.
Bộ Y tế yêu cầu không để những người có biểu hiện ho, sốt hoặc nghi nhiễm, hoặc nhiễm Covid-19 tham gia tổ bầu cử và hoạt động bầu cử. Ban tổ chức bầu cử cần kiểm tra vệ sinh môi trường, phun khử trùng phòng chống dịch khu vực tổ chức họp, hội nghị và khu vực bỏ phiếu bầu cử; vệ sinh, khử khuẩn đối với bàn ghế, nút bấm thang máy, các đồ vật, sàn nhà, phòng họp, khu vệ sinh, mặt bàn, các nút bấm điều khiển... trước và sau bỏ phiếu bầu cử, hoặc khi cần thiết; tăng cường thông khí phòng họp bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt.
Ngoài ra, các điểm bầu cử bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng ở khu vực ra vào; bố trí nhân lực tại cổng ra vào để kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn y tế những người đến họp, cử tri đến bỏ phiếu bầu cử, nếu phát hiện trường hợp có sốt, ho, khó thở, nghi ngờ mắc Covid-19, thì chuyển sang nơi cách ly tạm thời để xử lý theo quy trình, thông báo ngay cho cơ quan y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp; hướng dẫn ngồi giãn cách, hạn chế tiếp xúc tại khu vực bỏ phiếu bầu cử. Bộ Y tế cũng yêu cầu cần bố trí phòng cách ly tạm thời cho các trường hợp có sốt, ho, khó thở, nghi ngờ mắc Covid-19, với đủ các trang thiết bị phòng hộ cần thiết.
Liên Châu
|
Bình luận (0)