Sẵn tiền nhưng bệnh viện không xây được

29/11/2011 16:03 GMT+7

* Quá tải nhưng không bệnh viện nào muốn giảm tải (TNO) Các dự án xây dựng bệnh viện (BV) tại TP.HCM đều đang "xếp hàng" chờ thi công. Nếu được triển khai từ bây giờ thì đến năm 2015 sẽ không còn quá tải tại các BV ở TP.

* Quá tải nhưng không bệnh viện nào muốn giảm tải

(TNO) Các dự án xây dựng bệnh viện (BV) tại TP.HCM đều đang "xếp hàng" chờ thi công. Nếu được triển khai từ bây giờ thì đến năm 2015 sẽ không còn quá tải tại các BV ở TP.

>> Bệnh viện “ngộp thở” vì quá tải
>> Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Không nơi nào bệnh viện quá tải như VN

Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận trong cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vào hôm nay 29.11.

 
BV xuống cấp, nhếch nhác do số lượng bệnh nhân quá đông - Ảnh: Nguyên Mi

Theo ông Thuận, áp lực về chăm sóc sức khỏe nhân dân đặt lên vai TP.HCM quá nặng, với hơn 10 triệu dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Thêm vào đó là 60% bệnh nhân từ các tỉnh chuyển về.

“Ngân sách TP.HCM đã sẵn sàng, mọi công tác chuẩn bị, thủ tục đều xong nhưng các dự án xây dựng BV đều chưa khởi công được vì vướng Nghị quyết 11 (về giảm đầu tư công nhằm kiềm chế lạm phát) của Thủ tướng Chính phủ”, ông Thuận nói.

UBND TP.HCM xác nhận, nếu các dự án BV được xây dựng bây giờ thì đến năm 2015 sẽ có nhiều BV mới ra đời và hết tình trạng quá tải tại các BV TP.HCM như hiện nay.

Cụ thể, đến năm 2014 sẽ hoàn thành xong BV Nhi đồng TP.HCM, BV Ung bướu cơ sở 2, BV Chấn thương Chỉnh hình và mở rộng BV Đa khoa Thủ Đức. Đến năm 2015, có thêm 3 BV mới nữa được hoàn thành. Đồng thời, TP.HCM cũng đầu tư 170 tỉ đồng cho xây dựng 5 BV cửa ngõ của TP.

Vì vậy, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư "mở rộng" Nghị quyết 11 cho phép TP thực hiện các công trình dân sinh, xây dựng BV để giải quyết nhu cầu cấp thiết của người dân hiện nay.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế đầu tư cho các BV tỉnh, nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại địa phương để giảm tải lượng bệnh nhân đổ về TP.HCM.

 
Trang thiết bị y tế được đầu tư nhưng không kịp với nhu cầu điều trị của bệnh nhân - Ảnh: Nguyên Mi

“Nói quá tải nhưng không BV nào muốn giảm tải”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nêu vấn đề, vì hiện nay các BV phải tự chủ toàn phần, "gom" nhiều bệnh nhân nhưng không đảm bảo chất lượng dịch vụ.

Cụ thể, chỉ tiêu của Bộ Y tế là 3,3 điều dưỡng/bác sĩ nhưng hiện nay các BV chỉ “gói ghém” trong khoảng 2,3 điều dưỡng/bác sĩ.

Phó chủ tịch UBND TP đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo trong toàn ngành thực hiện đúng chỉ tiêu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận, BV thu thấp nên phải "gom" nhiều bệnh nhân mới thu đủ chi phí cho hoạt động dẫn đến tình trạng chấp nhận quá tải ở tuyến trung ương chứ không chuyển bệnh. Bệnh nhân đông, số lượng y bác sĩ ít dẫn đến việc phục vụ kém gây bức xúc trong người dân.

Bên cạnh việc đầu tư xây mới BV, người đứng đầu ngành y tế cho biết sẽ làm lại quy chế chuyển viện, BV nào có nhiệm vụ chữa bệnh ấy, hạn chế bệnh nhân vượt tuyến để giảm tải cho tuyến trên.

“Không thể để tình trạng sinh thường, mổ ruột thừa mà bệnh nhân cũng phải chạy lên tận tuyến cuối, BV trung ương để làm. Tuyến trên không nhận những bệnh đơn giản nữa, tuyến dưới không được mặc sức chuyển lên nữa”, Bộ trưởng khẳng định.

“Giảm tải BV là làm đẹp lại cho bộ mặt y tế VN. Hình ảnh BV như hiện nay không thể phản cảm hơn nữa”, Bộ trưởng Bộ Y tế hứa giải quyết rốt ráo các kiến nghị giảm tải của các BV TP.HCM.

Nguyên Mi

>> Bệnh viện tuyến trên quá tải, tuyến dưới trống trải
>> Tìm biện pháp giảm quá tải cho bệnh viện
>> Sẽ xây dựng đề án giảm tải bệnh viện lớn
>> Quá tải bệnh viện, nặng gánh giá thuốc
>> Bệnh viện quá tải do dịch tay chân miệng
>> Bệnh viện quá tải vì sốt xuất huyết
>> Vì sao các bệnh viện quá tải triền miên?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.