'Sân trước, sân sau'

26/12/2021 06:10 GMT+7

Chưa khi nào câu hỏi về mối quan hệ kinh tế ngầm, chuyện doanh nghiệp “đi đêm” với quan chức để thực hiện ý đồ riêng lại trở nên bức xúc như với vụ án tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Việt Á).

Khi vụ án đã được khởi tố điều tra có nghĩa dấu hiệu vi phạm pháp luật là rất rõ ràng. Nhưng theo dõi dư luận những ngày qua thì thấy, đây còn là câu chuyện lớn hơn: uy tín của cơ quan nhà nước bị ảnh hưởng bởi các câu hỏi về nhóm lợi ích, sự cấu kết của doanh nghiệp với một số quan chức tha hóa. Việc “lại quả” tới 20% giá trị hợp đồng của Việt Á cho Giám đốc CDC Hải Dương mà cơ quan công an bước đầu công bố dù sao vẫn là việc dễ phát hiện, dễ chứng minh.

Nhưng Việt Á có thể một mình nâng giá kit xét nghiệm Covid-19 và đưa vào hệ thống CDC, bệnh viện ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước được không? Cơ quan nào cấp cho Việt Á lá bùa tiêu chuẩn nọ, tiêu chuẩn kia? Cơ quan nào công bố thông tin sai sự thật về chứng nhận của WHO? Cơ quan nào công bố giá kit xét nghiệm Việt Á, nói là để tham khảo, nhưng lại bằng một văn bản chính thức đóng dấu quốc huy? Và thêm một câu hỏi cực kỳ bức xúc là có cái “vỗ vai” nào nữa không, để khiến cho sở y tế, CDC, các bệnh viện của 62 tỉnh thành đồng loạt đều chỉ định thầu mua kít xét nghiệm của Việt Á,với những gói thầu cực lớn?

Đang tồn tại một thứ văn hóa “nhất quan hệ, nhì tiền tệ…” chi phối (hay lũng đoạn) các quan hệ kinh tế, xã hội, khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi Việt Á là “sân sau” của quan chức nào? Hay quan chức nào mới thực sự là “sân trước” của Việt Á?

Cho nên, vấn đề trong vụ án thổi giá kit xét nghiệm không thể chỉ dừng lại ở chỗ Việt Á đã thu lợi bất chính bao nhiêu từ việc thổi giá hay CDC các địa phương đã nhận bao nhiêu tiền hoa hồng từ việc tiếp tay cho thổi giá, mà cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức, các cơ quan đã cấp giấy thông hành cho Việt Á “thổi giá”.

Tháng 4.2020, Bộ Y tế với tư cách bộ quản lý chuyên ngành đã cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á - bộ kit made in Vietnam đầu tiên. Bộ Y tế cũng là cơ quan thực hiện việc công bố/cập nhật công khai giá bộ kit xét nghiệm (trong đó bộ kit của Việt Á được ghi 470.000 đồng/kit). Theo CDC nhiều địa phương, đây là cơ sở để họ tham chiếu khi mua hàng của Việt Á. Cũng tháng 4.2020, Bộ KH-CN đã họp báo, đăng tải công khai trên cổng thông tin điện tử của bộ về việc bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam sản xuất (Công ty Việt Á) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chấp thuận. Tuy nhiên, thông tin đến thời điểm này cho biết WHO chưa từng chấp thuận bộ kit xét nghiệm của Việt Á như nội dung Bộ KH-CN công bố. Đường link chứa nội dung “WHO chấp thuận” cũng đã lặng lẽ được gỡ bỏ trên website của Bộ KH-CN sau khi Bộ Công an công bố vụ án. Phải chăng tất cả những việc này chỉ vì “sơ suất” hay vô tình.

Đang có quá nhiều đồn đoán xung quanh chuyện “độc quyền” kit xét nghiệm của Việt Á. Và chỉ khi làm rõ được trách nhiệm chính trị trong vụ án này, bóc tách điều tra có hay không mối quan hệ ngầm giữa quan chức tha hóa và doanh nghiệp, chúng ta mới có thể khẳng định được với dư luận, chúng ta chống tham nhũng thật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.