Để giải khuây, nhiều người chơi game, xem phim, hoặc dùng ứng dụng thoại video để trò chuyện với người thân và bạn bè để giết thời gian. Một số khác thì mày mò thực hiện các thí nghiệm khoa học và rồi đưa bản thân họ vào cảnh dở khóc dở cười. Một trường hợp buồn cười đã xảy ra với nhà vật lý thiên văn 27 tuổi tên Daniel Reardon ở Đại học Melbourne (Úc) với 4 miếng nam châm Neodymium dính chặt bên trong… lỗ mũi.
Số là, khi Reardon nghe Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo mọi người không nên đưa tay sờ mặt, mũi và miệng, anh nảy sinh ý tưởng chế tạo một thiết bị sẽ phát cảnh báo khi người ta đưa tay lên gần mặt. Thiết bị có dạng một chiếc vòng đeo cổ hoạt động dựa trên nguyên tắc phát và dò từ trường, nó sẽ phát âm thanh cảnh báo khi có vật bằng kim loại lọt vào phạm vi dò của thiết bị. Điều kiện cần để thiết bị hoạt động là người dùng có đeo vòng tay trang sức bằng kim loại.
|
Để thiết bị có thể phát từ trường, nhà vật lý thiên văn dùng 4 miếng nam châm nhỏ có đường kính 7 mm, loại này có sức hút mạnh nhất trong các loại nam châm hiện nay. Nhưng khi chế tạo xong thì thiết bị không hoạt động được, cho rằng mình bố trí các miếng nam châm chưa đúng vị trí, Reardon bèn gắn nam châm lên hai bên tai của anh nhưng không thành công. Anh bèn chuyển vị trí, gắn 2 nam châm vào trong 2 lỗ mũi và 2 nam châm ở ngoài mũi. Lực hút cực mạnh đã làm 2 nam châm ở bên trong và ngoài mỗi bên mũi dính chặt, dù cách nhau một lớp da thịt của cánh mũi. Lại vẫn không xong, Reardon bèn gỡ 2 miếng nam châm bên ngoài mũi ra thì 2 miếng bên trong mũi do sức hút đã tìm đến nhau. Dù bị ngăn cách bằng cái thành mũi mỏng nhưng sức hút cực mạnh đã làm chúng dính chặt vào hai bên, không gỡ ra được.
Reardon bèn lên mạng, dùng Google Search tìm kiếm phương thức hóa giải thì thấy có trường hợp một chú bé 11 tuổi cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Cách hóa giải của chú bé là dùng miếng nam châm khác để hút nam châm bị kẹt trong mũi ra.
Lập tức, Reardon thực hiện giải pháp này, nhưng đang làm thì anh bị tuột tay nên 2 miếng nam châm bên ngoài cũng chui tuốt vào mũi “hội ngộ” với 2 miếng kẹt bên trong mũi. Và, khổ nỗi bây giờ Reardon lại không còn miếng nam châm nào để tiếp tục biện pháp “hút” này. Bí quá, Reardon bèn dùng kiềm để gỡ nhưng cũng không thể kéo các nam châm ra, ngược lại còn làm anh thêm đau đớn.
Việc các nam châm bị kẹt trong mũi có thể cản trở hô hấp và gây nguy hiểm đến tính mạng, nên một người bạn đã đưa anh đến bệnh viện. Sau khi bác sĩ đã “giải cứu” các miếng nam châm bị kẹt trong mũi, Reardon cho biết là “lần này thì tởn tới già”, anh sẽ không bao giờ rớ tới các cục nam châm nữa, và sẽ không làm bất cứ thí nghiệm gì ngoài chuyên ngành vật lý thiên văn của mình.
Nam châm Neodymium hay nam châm Neodymium-Sắt-Bo, hoặc đôi khi còn được viết tắt là NdFeB là một loại nam châm đất hiếm được tạo ra từ các hợp chất của Neodymi (Nd) - Sắt (Fe) - Bo (B). Nam châm Neodymi được hai hãng General Motors Corp. (Mỹ) và Sumitomo Special Metals (Nhật Bản) đồng thời phát minh ra năm 1982 và hiện vẫn đang là loại nam châm vĩnh cửu mạnh nhất từng được biết. Nam châm Neodymium được sử dụng làm nguồn tạo từ trường mạnh, dùng rất phổ biến trong các ổ cứng máy tính, máy chụp ảnh cộng hưởng từ MRI, động cơ công suất lớn và máy phát điện.
|
Bình luận (0)