Sáng kiến độc đáo của hai học sinh: Chơi game để học đạo đức

Vũ Thơ
Vũ Thơ
21/05/2022 14:46 GMT+7

Trước thực trạng môn học đạo đức bị coi là môn học phụ và thiếu hấp dẫn, hai học sinh lớp 12 (ở H.Đất Đỏ, Bà Rịa- Vũng Tàu) đã sáng tạo ra phần mềm "chơi game” để học đạo đức cho học sinh.

Sáng chế mang tên “VIMA - Ứng dụng đạo đức tương tác ảo dành cho học sinh tiểu học” của hai học sinh Đinh Thị Giàu và Lữ Xuân Minh (đều học lớp 12), Trường THPT Võ Thị Sáu, H.Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hai học sinh Đinh Thị Giàu và Lữ Xuân Minh được tặng giấy khen về thành tích trong phong trào Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng

nvcc

Những sáng kiến độc đáo

“VIMA - Ứng dụng đạo đức tương tác ảo dành cho học sinh tiểu học” đã dựng lại các tình huống liên quan đến đạo đức và kỹ năng sống ngoài thực tế bằng video hoặc hình ảnh động, để các học sinh được trải nghiệm và có cách xử lý phù hợp khi gặp ngoài đời.

Điểm độc đáo của VIMA là đã xây dựng bài học với những trò chơi trực tuyến “Play Live”. Chương trình sẽ cung cấp cho người dùng các game trực tuyến liên quan đến những vấn đề đạo đức và kỹ năng sống, trong đó học sinh được tham gia 3 game, gồm: “Nhập vai xử lý tình huống”, “Hỏi nhanh đáp lẹ” và “Đuổi hình bắt chữ”.

Hai học sinh thuyết trình về sản phẩm sáng tạo trong chương trình Tri thức trẻ vì giáo dục năm 2021

dương triều

Game “Nhập vai xử lý tình huống” cung cấp những đoạn video, ảnh động mà trong đó người chơi được nhập vai là nhân vật chính trong game để giải quyết những vấn đề liên quan đến đạo đức và kỹ năng sống mà người chơi gặp phải trong kịch bản của chương trình.

Ở mỗi tình huống, chương trình sẽ đưa ra các phương án trắc nghiệm giải quyết tình huống phổ biến và cơ bản nhất để người dùng lựa chọn. Sau khi người dùng chọn một phương án bất kỳ, chương trình sẽ đưa ra kết quả là tính đúng sai, mức độ tối ưu của giải pháp đó và lời nhận xét cũng như lời khuyên đối với người chơi (người học).

Game “Hỏi nhanh đáp lẹ” cung cấp những câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến đạo đức và kỹ năng sống đòi hỏi người chơi phải tư duy nhanh để đưa ra đáp án chính xác nhất trong một thời gian nhất định.

Game “Đuổi hình bắt chữ” cung cấp những hình ảnh mà dựa vào đó, người chơi sẽ phải đoán ra những từ hoặc cụm từ hoặc câu khớp với nội dung của các hình ảnh chương trình cung cấp.

Trong 3 năm học THPT, nữ sinh Đinh Thị Giàu đã tham gia nghiên cứu nhiều sản phẩm khoa học được công nhận cấp tỉnh và cấp T.Ư

nvcc

Bên cạnh đó, phần mềm có một công cụ trợ giảng hữu ích dành cho giáo viên mang tên “Learn” (học). Tại đây, giáo viên có thể tạo ra các bài giảng, bài kiểm tra và các trò chơi thuộc về môn học đạo đức theo ý tưởng của mình.

Trong mảng “Learn” gồm 4 nội dung nhỏ: “Phiên tranh luận nhập vai”, “Tạo bài học, bài kiểm tra”, “Bắt đầu một phiên trực tiếp” và “Giao bài tập và thực hành”.

Với thiết kế này, cả học sinh và giáo viên đều rất hứng thú với môn học. Sau khi đưa phần mềm lên mạng để học sinh tham gia trực tuyến, nhóm tác giả đã nhận được những phản hồi tích cực.

Mong cải tiến môn học đạo đức

Chia sẻ về việc sáng chế ra phần mềm này, Đinh Ngọc Giàu cho biết phần mềm được em và một bạn học cùng trường sáng chế từ năm học lớp 11.

“Hiện nay, môn học đạo đức bị mang danh là một môn học phụ, nên không nhận được sự quan tâm của đa số học sinh. Vốn là một môn học có vai trò quan trọng trong sự nghiệp “trồng người”, nhưng do cách dạy truyền thống nên các tiết học đạo đức đôi khi trở nên nhàm chán, một vài tiết hoạt động ngoài giờ giảng về các kỹ năng sống trở nên hình thức.

Vì những lý do đó, chúng mình đã cho ra đời “VIMA - Ứng dụng đạo đức tương tác ảo dành cho học sinh tiểu học” nhằm thay một “bộ áo mới” cho môn học đạo đức, cũng như khẳng định tầm quan trọng môn học đạo đức trong môi trường tiểu học”, Giàu cho biết.

Trong 3 năm học THPT, nữ sinh Giàu đã tham gia nghiên cứu nhiều sản phẩm khoa học được công nhận cấp tỉnh và cấp T.Ư, trong đó đa phần là những sản phẩm xuất phát từ nhu cầu của học sinh.

Để làm được phần mềm này, Giàu tới các trường tiểu học, nghiên cứu tìm hiểu những đặc điểm tâm lý, hình thức và khả năng tiếp nhận thông tin của trẻ, đồng thời lắng nghe phản ánh từ giáo viên, từ đó thiết kế chế tạo sản phẩm.

Học sinh Lữ Xuân Minh

nvcc

“Với việc ứng dụng công nghệ hiện đại 4.0 chúng mình tự tin rằng sẽ biến môn học đạo đức thành môn học được nhận được sự quan tâm cao của các học sinh nói riêng, cũng như nhà trường và gia đình nói chung, để bác bỏ quan điểm rằng, đạo đức là một môn học phụ. Và hơn hết là để khẳng định lại đây là một môn học nên đặt lên hàng đầu vì có vai trò quan trọng trong việc xây dựng con người”, nữ sinh Giàu cho biết.

Ngoài các nội dung được dựng lại trong sách giáo khoa, nhóm bạn trẻ còn đưa vào những tình huống diễn ra trong cuộc sống hiện nay, để cung cấp cho các em nhiều kiến thức mới mẻ. Đó là những tình huống mà các em có thể đối mặt trong thời đại kỷ nguyên số khi tham gia vào môi trường mạng và có thể gặp nhiều rủi ro nếu không có sự chuẩn bị về mặt tâm lý vững vàng.

Với những sáng tạo này, đề tài của Giàu và Minh đã lọt Top 11 công trình, sáng kiến xuất sắc tham gia chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2011, do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi trẻ tổ chức.

Cô học trò mong muốn đề tài này được đầu tư để phát triển và được ứng dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục, để cải tiến môn học đạo đức vốn bị xem là môn phụ như hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.