Vậy mà các bạn trẻ sánh đôi đi dạo trên đường phố Hà Nội lại đón nhận chút bóng tối đó với sự hồ hởi chưa từng thấy. Thế hệ trẻ, những người phải hành động đầu tiên trong kỷ nguyên tiết kiệm năng lượng này cũng chính là những người "hình tượng hóa" cách tiết kiệm điện của thủ đô theo kiểu vui tươi hết mức có thể. Trên mạng xã hội, việc bớt sáng buổi tối không làm họ khó chịu, trái lại đó còn là việc vui mừng, thích thú thông báo cho nhau biết.
Nhớ lại cách đây gần chục năm, Đoàn Thanh niên TP.HCM tổ chức phong trào tiết kiệm điện. Nhiều sáng kiến, giải pháp, đề xuất được sôi nổi góp ý và triển khai. Hiệu quả rõ ràng và tầm ảnh hưởng cũng kéo dài đến tận bây giờ. Nhưng chừng đó là chưa đủ để thay đổi thực sự. Giới trẻ, những người được cho là dùng năng lượng khá nhiều chính là đối tượng phải thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về tiết kiệm nguồn tài nguyên không phải là vô hạn.
Bật đèn muộn hơn 30 phút và tắt sớm hơn 30 phút
Đường phố Hà Nội dù thiếu ánh điện vẫn lung linh sắc màu. Dạo quanh Bờ Hồ, người và xe vẫn nối đuôi nhau. Nguyễn Tiến, một chàng trai từng tích cực vận động tiết kiệm điện ở khu phố, nay cũng hòa chung vào niềm vui lớn lao. Cái việc "nhỏ như con thỏ" tưởng chừng ít người quan tâm này lại có hiệu quả đáng kể mà không phải ai cũng nhìn thấy được.
Hà Nội bật đèn muộn hơn 30 phút và tắt sớm hơn 30 phút, đồng thời ở các công viên, vườn hoa cũng chỉ bật một nửa số đèn và tắt toàn bộ sau 23 giờ đêm. Chủ trương đã có và rất rõ ràng, cũng được thực hiện đồng loạt trên mọi tuyến đường. Vấn đề là từ hành động đó lan tỏa ý thức trong người dân ra sao, nhất là giới trẻ thường xuyên ra đường buổi tối.
"Chú biết gì không, chỉ tắt bớt đèn mà thủ đô đã tiết kiệm được 36% lượng điện tiêu thụ, giảm hơn 4 tỷ tiền điện". Nghe tưởng không nhiều nhưng "được chừng nào hay chừng đấy". Đó là cách mà nhóm bạn trẻ vui mừng về việc tắt đèn đường ở thủ đô. Chấp nhận, vui vẻ và ủng hộ là những gì người dân cần để việc tiết kiệm điện đi một cách nhẹ nhàng vào cuộc sống.
Giới trẻ chính là những người tích cực đón nhận việc tiết kiệm năng lượng bằng nhiều cách khác nhau. Tiến chia sẻ, em mong đợi điều này đã lâu, bởi nếu không có sự quyết liệt và đoàn kết giữa chính quyền và người dân thì không thể thay đổi được ý thức cũng như tạo lập tinh thần tiết kiệm điện trong toàn xã hội.
Hà Nội đã đặt ra ưu tiên hàng đầu là phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo, quản lý nhu cầu điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong đó nhiệm vụ tiết kiệm điện là ưu tiên hàng đầu. Trong những ngày nắng nóng kéo dài này, chuỗi sự kiện hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2023 với thông điệp "Tiết kiệm điện thành thói quen" đã đi vào lòng người, được lan tỏa trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội, nơi nhiều bạn trẻ hoạt động rất tích cực.
Để tiết kiệm điện, dù từ chủ trương của một thành phố hay sự thay đổi trong mỗi người dân, điều quan trọng nhất là phải lan tỏa tinh thần tiết kiệm từ mỗi người, mỗi nhà, vui vẻ với sự "tối hơn một chút" trên đường phố giữa cái nóng mùa hè.
Một mùa hè nữa lại đến với Hà Nội và nắng nóng chính là thời điểm tiêu thụ nhiều điện nhất trong năm ở thủ đô. Với sự chung tay của mọi người, chúng ta tin rằng từ sự tiết kiệm điện thành thói quen ở mọi nhà, cùng với Hà Nội sẽ vượt qua những khó khăn, không phải cắt giảm điện luân phiên trong sản xuất mà mọi người còn có điện để dùng, đảm bảo nguồn an ninh năng lượng cho đất nước.
Bình luận (0)