Trường THCS Võ Thị Sáu (TP.Sa Đéc, Đồng Tháp), nơi tôi đang đứng lớp, có trên 1.500 em học sinh. Đa số là con em các gia đình sản xuất nông nghiệp và lao động phổ thông. Một số hoàn cảnh còn nhiều khó khăn nên việc sử dụng điện trong gia đình có phần hạn chế. Các em cho biết thường ba mẹ chỉ cho bật tivi vào buổi tối để cả nhà cùng xem. Quạt máy chỉ mở vào giờ ăn cơm. Ngay cả đèn phục vụ sinh hoạt trong gia đình cũng hạn chế để sáng lâu.
Chính vì thế, học sinh trường tôi cũng như một số trường bạn bên cạnh nảy ra ý tưởng sử dụng điện tiết kiệm, nhằm tránh lãng phí điện khi ở trường.
QUYẾT TÂM THAY ĐỔI HÀNH Vi
Trước kia, dù trời mưa hay nắng, sớm hay muộn, cứ bước vào lớp là các em mở quạt đến mức tối đa, bật hết các đèn trong lớp. Hơn hai mươi phòng học, phòng chức năng, khu vệ sinh, hành lang… là gần trăm đèn 1,2 m, và cũng gần chừng ấy quạt mát trong các phòng.
Là thầy chủ nhiệm nên hay đến sớm, tôi rất ngạc nhiên khi thấy lớp chỉ có vài học sinh, thời tiết bình thường mà các em mở quạt và đèn nhiều đến vậy. Nhắc nhở các em cười khì: "Có chút điện thôi mà thầy". Lắm khi mở quạt, mở đèn xong, các em rủ nhau xuống căn tin ăn sáng hay ra sân ngồi ôn bài, bỏ mặc lớp học sáng choang, quạt quay ào ào.
Lớp buổi sáng vừa tan, các em học buổi chiều vào, đèn, quạt vẫn hoạt động không ngưng nghỉ. Hết ngày, đèn vẫn sáng, quạt vẫn quay…
Hậu quả: Đèn hỏng, quạt hỏng phải thay mới liên tục. Tiền điện mỗi tháng mỗi tăng. Hiệu trưởng nhà trường xót ruột.
Lãnh đạo nhà trường quyết tâm làm thay đổi nhận thức và hành vi sử dụng điện trong học sinh. Xác định nguyên nhân sự lãng phí do các em nghĩ rằng trường trả tiền điện chứ không phải ba mẹ các em nên không việc gì phải lo. Việc cả lớp xuống dự sinh hoạt dưới sân trường mà vẫn để đèn sáng, quạt quay cả giờ là bình thường, ra về bỏ mặc. Thầy cô nhắc mới chịu tắt điện. Hiệu trưởng và thầy cô chủ nhiệm lớp kiên trì làm xoay chuyển nhận thức trong các em, rằng: Có tiết kiệm, sử dụng đúng nhu cầu, hợp lý mới giữ thiết bị bền lâu. Nếu trả tiền điện nhiều, mua thiết bị đèn, quạt… mới liên tục, kinh phí nhà trường sẽ không còn nhiều để phục vụ nhu cầu học tập. Các em cần biết tiết kiệm điện vì hiện nay việc sản xuất điện đáp ứng đủ nhu cầu người dân còn phải phấn đấu nhiều.
ÍCH NƯỚC, LỢI TRƯỜNG
Tiết sinh hoạt lớp, các em được thảo luận vì sao cần tiết kiệm điện và mỗi em làm thế nào để thực hiện tốt. Các tổ thi đua thực hiện tiết kiệm điện. Lời nhắc nhở: "Tắt khi không sử dụng" được dán ở khắp các lớp, ngay tại bảng táp-lô điện cho dễ thấy, ngay cả phòng làm việc của hiệu trưởng, phòng giáo viên, các cầu thang đều có...
Nhà trường phát động chỉ mở quạt từ tiết hai trở đi, khoảng 8 giờ buổi sáng. Buổi chiều nếu không nóng quá có thể giảm bớt số quạt trần xuống 50% số lượng mỗi lớp từ 16 giờ trở đi. Cửa sổ được mở để thoáng khí, mát mẻ hơn. Các bạn nhắc nhau hạn chế mở đèn, tận dụng tối đa nguồn sáng trời, chỉ thật sự mở đèn khi cần thiết. Thầy cô cũng nêu gương trong việc sử dụng điện. Khi đông người mới mở hết các quạt, ra khỏi phòng, thầy cô đi cuối sẽ tự tay tắt điện. Lúc trước, phòng giáo viên được trang bị máy lạnh giờ đây chuyển sử dụng quạt. Các máy tính của các phòng ban trong trường cũng được tắt đi khi không sử dụng. Nhà trường cho chuyển đổi sử dụng đèn led và lắp lại hệ thống điện, làm vệ sinh thiết bị điện định kỳ, mời chuyên viên của điện lực đến giao lưu với học sinh với đề tài tiết kiệm, an toàn sử dụng điện… Nhờ vậy mà hóa đơn tiền điện giảm rất nhiều.
Việc tiết kiệm điện và sử dụng thiết bị an toàn được đưa vào thang điểm thi đua cho từng lớp và từng thành viên của trường. Thầy trò hưởng ứng tích cực. Lớp thực hiện tốt được biểu dương, khen thưởng. Các em hình thành thói quen ra khỏi lớp là tắt đèn, tắt quạt. Bên cạnh tiết kiệm là an toàn điện, chống cháy nổ cũng được lưu tâm tránh tai nạn thương tích cho học sinh. Sau nhiều năm thực hiện, trường tôi không còn việc mở đèn, quạt tràn lan, lãng phí nữa. Các em còn biết vận động gia đình hưởng ứng Giờ trái đất.
Tắt khi không sử dụng đã trở thành việc làm cụ thể ở Trường THCS Võ Thị Sáu của tôi, vừa thiết thực vừa góp phần tiết kiệm để dành điện cho sản xuất và cho cộng đồng thật là việc làm ý nghĩa. Vừa ích nước, vừa… lợi trường.
Mời tham dự cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen với tổng giải thưởng 99 triệu đồng và quà tặng
Nhằm đưa việc sử dụng điện một cách tiết kiệm, hiệu quả và an toàn trở thành nếp quen, Báo Thanh Niên và Tổng công ty điện lực TP.HCM (EVNHCMC) vừa phát động cuộc thi viết có chủ đề Tiết kiệm điện thành thói quen, lần đầu tiên năm 2023.
Theo đó, tất cả công dân VN cùng các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp hiện đang là khách hàng của ngành điện lực (ngoại trừ trường hợp là cán bộ, công nhân viên Báo Thanh Niên và Tổng công ty điện lực TP.HCM) đều có thể tham gia. BTC không hạn chế số lượng tác phẩm dự thi. Thể loại: Bài viết, ghi chép.
Nội dung: Tác phẩm thể hiện trách nhiệm của người tiêu dùng về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu; là một hoạt động nhằm tạo ra ý thức và thay đổi hành vi tiêu dùng năng lượng của người tham gia, từ đó giúp giảm thiểu sử dụng điện năng và bảo vệ môi trường.
Khuyến khích người tham gia chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp về việc tiết kiệm điện, tạo thói quen sử dụng điện tiết kiệm trong gia đình, trong các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp. Qua đó tạo ra một môi trường hỗ trợ và tạo động lực cho nhau để duy trì thói quen tiết kiệm điện.
Hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, điều chỉnh nhiệt độ hợp lý và sử dụng ánh sáng tự nhiên... để có thể giảm tiêu thụ điện một cách đáng kể, không chỉ giúp tiết kiệm tiền điện mà còn mang lại lợi ích bền vững cho môi trường và giảm nguy cơ cạn kiệt nguồn năng lượng.
BTC yêu cầu tác phẩm dự thi phải viết bằng tiếng Việt không quá 800 chữ, đính kèm hình ảnh liên quan đến nội dung mà bài viết đề cập, hoặc hình ảnh minh họa của chính tác giả và phải là những sáng tác mới, chưa được sử dụng, chưa được công bố trên bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào.
Bài viết có thể đánh máy hoặc viết tay rõ ràng trên khổ giấy A4; Tác phẩm gửi về phải ghi rõ họ tên tác giả, bút danh (nếu có), năm sinh, nghề nghiệp, giới tính, địa chỉ liên hệ hoặc email, số điện thoại; nếu bài viết của tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp (gọi chung là tổ chức) phải có tên tổ chức, địa chỉ, điện thoại kèm tên và điện thoại người đại diện để liên lạc. Mỗi tác giả, tổ chức có thể gửi nhiều tác phẩm nhưng phải thống nhất họ tên hoặc bút danh.
Gửi qua email của chương trình: tietkiemdien@thanhnien.vn
Gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện - Thành thói quen).
Thời gian nhận tác phẩm dự thi từ ngày 1.6 - 31.8.2023.
Bình luận (0)