Sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài bán hàng đa cấp để giảm nguy cơ lừa đảo

Mai Phương
Mai Phương
09/05/2023 09:51 GMT+7

Chính phủ ban hành Nghị định 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh đa cấp và chính thức áp dụng từ ngày 20.6. Trong đó có bổ sung điều kiện tham gia bán hàng đa cấp đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Nghị định 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp có một số điểm mới đáng lưu ý. Theo đó, hoạt động bán hàng đa cấp (BHĐC) thuộc ngành nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư, Nghị định 18/2023 đã bổ sung điều kiện đăng ký hoạt động đối với tổ chức là doanh nghiệp có nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên hoặc cổ đông. 

Cụ thể, tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đó phải có thời gian hoạt động BHĐC trong thực tế tối thiểu là 3 năm liên tục ở một nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Điều kiện này nhằm giúp sàng lọc các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm hoạt động BHĐC trước khi vào thị trường Việt Nam, giúp giảm nguy cơ lừa đảo trên quy mô lớn.

Sàng lọc nhà đầu tư nước ngoài bán hàng đa cấp để giảm nguy cơ lừa đảo - Ảnh 1.

Nghị định 18/2023 của Chính phủ vừa ban hành bổ sung các quy định về hoạt động bán hàng đa cấp

BỘ CÔNG THƯƠNG

Bên cạnh đó, Nghị định cũng nêu rõ doanh nghiệp BHĐC phải đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng. Quy định này nhằm thúc đẩy hoạt động BHĐC phát triển đúng bản chất của hoạt động phân phối bán lẻ hàng hóa, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng thay vì chỉ tiêu dùng trong nội bộ hệ thống người tham gia.

Đồng thời, thay đổi quy định về thông báo hội nghị, hội thảo, đào tạo trong hoạt động BHĐC. Theo đó, hội nghị, hội thảo, đào tạo tổ chức dưới hình thức trực tuyến cũng phải thông báo đến Sở Công thương trước khi thực hiện. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng tổ chức các hoạt động trực tuyến để né tránh sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng.

Song song, Nghị định bổ sung quy định nhằm nâng cao điều kiện đối với đầu mối liên hệ của doanh nghiệp tại địa phương. Theo đó, trường hợp doanh nghiệp không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện hay địa điểm kinh doanh tại địa phương thì phải cử đầu mối liên hệ tại địa phương. Đầu mối này phải được đào tạo, trải qua kỳ kiểm tra kiến thức và được Bộ Công thương cấp xác nhận kiến thức mới có thể làm đầu mối cho doanh nghiệp. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp cử đầu mối mang tính chất đối phó, không có hiểu biết pháp luật hay hiểu biết về hoạt động của doanh nghiệp tại địa phương, gây khó khăn cho công tác quản lý trên địa bàn.

Nghị định cũng sửa đổi một số quy định khác như điều kiện đối với người tham gia BHĐC tại Việt Nam, quy định về các loại hội nghị, hội thảo, đào tạo thuộc phạm vi thông báo trước khi thực hiện, nội dung về phạm vi áp dụng kế hoạch trả thưởng tại Việt Nam, quy định rõ nội dung và cơ chế sử dụng khoản tiền ký quỹ; sửa đổi quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện một số thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp... 

Để đảm bảo thực thi Nghị định, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đang hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2018/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP để trình Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.