Trước đó, ngày 5.8, Công ty Nanogen (TP.HCM), đơn vị nghiên cứu, phát triển vắc xin NanoCovax, đã có công văn hỏa tốc gửi Cục KH-CN và đào tạo (Bộ Y tế), Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia (Bộ Y tế), Hội đồng Đạo đức Học viện Quân y, Hội đồng đạo đức Viện Pasteur TP.HCM, về kết quả nghiên cứu vắc xin NanoCovax ước tính hiệu quả bảo vệ dựa trên kết quả sinh miễn dịch.
Đề tài thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 1 và giai đoạn 2 (pha 1 và 2) vắc xin NanoCovax do Công ty Nanogen sản xuất; TNLS giai đoạn 2 đa trung tâm, ngẫu nhiên, mù đôi, đối chiếu giả dược, đánh giá tính an toàn, sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ của vắc xin NanoCovax do Công ty Nanogen sản xuất trên người Việt Nam tình nguyện từ 18 tuổi.
Để so sánh với đáp ứng miễn dịch của vắc xin với các đối tượng đã mắc Covid-19 và đã phục hồi, nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP.HCM đã thực hiện các xét nghiệm miễn dịch trên các mẫu huyết thanh. Các mẫu của 18 bệnh nhân Covid-19, gồm người có biểu hiện viêm phổi, có triệu chứng và không có biểu hiệu triệu chứng trong quá trình nhiễm SARS-CoV-2.
Báo cáo kết luận, dựa trên kết quả đánh giá sinh miễn dịch của nhóm tiêm vắc xin NanoCovax và nhóm phục hồi hiệu giá kháng thể trung hòa bằng PRNT50 của nhóm tiêm NanoCovax cao gấp 2 lần so với nhóm hồi phục, từ đó ước lượng hiệu quả bảo vệ là 90%.
Đánh giá hiệu giá kháng thể trung hoà bằng PRT50 hiện tiêu chuẩn được áp dụng đo lường các kháng thể có khả năng vô hiệu hóa virus hay không.
Theo báo cáo, có thể ước tính hiệu quả bảo vệ của NanoCovax là 90%.
Ngoài ra, hàm lượng Anti-S IgG (hàm lượng kháng thể đặc hiệu) sau 3 tháng tiêm vắc xin NanoCovax vẫn còn cao hơn so với hàm lượng Anti-S IgG của nhóm khỏi bệnh.
“Kết quả xét nghiệm miễn dịch trên nhóm Covid-19 đã hồi phục do nhóm nghiên cứu Viện Pasteur TP.HCM thực hiện, với kết quả miễn dịch sau tiêm vắc xin NanoCovax, cũng so sánh kết quả miễn dịch của một số vắc xin khác đã được công bố. Kết quả so sánh cho thấy, vắc xin NanoCovax có hiệu quả tốt trong việc phòng Covid-19", báo cáo nêu.
Đây là bằng chứng khoa học, được đưa vào báo cáo nghiên cứu giữa kỳ của vắc xin NanoCovax, báo cáo kết luận. “Kính mong Bộ Y tế, Hội đồng Đạo đức xét để có cơ sở cấp phép khẩn cấp cho vắc xin NanoCovax", Công ty Nanogen đề xuất.
|
Bình luận (0)