(TNO) Dù học chuyên ngành môi trường nhưng Lê Long Hồ lại gặt hái khá nhiều thành công từ các nghiên cứu sáng tạo trái ngành. Một trong số sáng tạo trái ngành của Hồ nhận được nhiều giải thưởng là chiếc dù hấp thụ tia tử ngoại.
Lê Long Hồ và “cây dù hấp thụ tia tử ngoại” |
Ý tưởng từ những lần phơi nắng
Long Hồ thuê phòng trọ ở quận 6, TP.HCM. Việc đi học bằng xe đạp đến Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM ở quận 5 là khoảng đường dài và theo lời Hồ thì “đầy nắng gió”.
Hồ vui vẻ kể: Những hôm đi học trái buổi ở trường là mình tởn luôn vì phải “phơi nắng” nóng kinh khủng. Mà nắng ở Sài Gòn vào buổi trưa thì ôi thôi. Vào lớp, mình còn nghe đủ các lời "trách móc" nắng nóng từ bạn bè như: nắng muốn lột da, nắng muốn điên,... Từ các nỗi niềm ghét nắng ấy, Hồ đã nghĩ đến việc tạo ra một sản phẩm hấp thụ tia tử ngoại.
Khi ý tưởng bật sáng trong đầu về một cây dù hấp thụ tia tử ngoại, cậu bạn gặp ngay khó khăn to đùng là kiến thức không có. Vì vậy khi tìm hiểu về các chất liệu hấp thụ tia tử ngoại, Hồ phải “gõ cửa” khoa vật lý của trường. Ngoài những kiến thức về các tác hại của nắng, những tác nhân gây ung thư da, sạm da, Hồ còn đọc các tài liệu nước ngoài để tìm ra một chất liệu phù hợp để làm dù. Các ngôn ngữ chuyên ngành cũng là một yếu tố khiến cậu bạn lân la khắp nơi để hiểu rõ ngọn ngành.
|
Hồ chia sẻ: “Minh muốn tìm chất liệu hấp thụ được các tia tử ngoại, tia UV mà vẫn có thể tái chế để bảo vệ môi trường. Sợi thủy tinh chính là cái mình cần. Vải sợi thủy tinh được sản xuất bằng thủy tinh nung chảy qua các lỗ nhỏ có kích thước 1nm, tính bền, dai, chịu nhiệt và không bị axit ăn mòn. Loại vải này có màu trắng nên cường độ hấp thu nhiệt thấp”.
Hồ còn thu thập thông tin từ các bạn cùng lớp, các thầy cô về việc sử dụng dù thường gặp phải những vấn đề gì. Theo đó, Hồ làm thân dù bằng inox để không gỉ sét, tay nắm dù làm bằng vật liệu phức nhựa nhôm rơi không vỡ, bật dù cũng được thiết kế tự động. Khi có thành phẩm, cậu bạn còn phải phơi nắng nhiều lần để thử nghiệm cường độ hấp thụ tia tử ngoại. Sau gần hai năm rưỡi, cây dù hấp thụ tia tử ngoại ra đời với giá thành sản xuất khoảng 150.000 đồng/cây.
Lê Long Hồ giành huy chương Vàng trong cuộc thi Sáng tạo trẻ TP.HCM
|
Xuất phát từ đam mê
Sau khi, sản phẩm cây dù chống tia tử ngoại ra đời gây được sự chú ý. Lê Long Hồ còn cho ra đời thêm các nghiên cứu sáng tạo khác cũng thành công không kém như mũ bảo hiểm thông minh biến năng lượng mặt trời thành pin sạc điện thoại, thiết bị đo lượng tiền điện tiêu thụ giúp kiểm soát lượng điện tiêu thụ mỗi ngày và nghiên cứu hệ thống xử lý khí thải trong công nghiệp. Tất cả sáng tạo trên đều được Hồ thực hiện bằng nỗ lực và hai chữ “đam mê”.
“Theo mình, làm bất cứ điều gì cũng cần có lòng đam mê thì mới có thể vượt qua hết khó khăn. Khi bắt tay làm cây dù, mình gặp nhiều khó khăn như nguồn vốn, tư liệu,… Việc tìm ra chất liệu sợi thủy tinh làm dù là một vấn đề. Cái khó đó chính là mua được chất liệu đó về thực hiện. Tìm đến chỗ bán thì người ta không đồng ý bán lẻ, đến chỗ sản xuất người ta cũng không đồng ý làm một cây dù. Sử dụng chiến thuật 'đẹp trai không bằng chai mặt', mình liên tục tìm đến họ thuyết phục. Sau một khoảng thời gian thì họ đồng ý”, Long Hồ kể.
Từ những bước ban đầu đó, Hồ không chỉ ghi thêm dấu son vào bảng thành tích của mình mà cậu bạn còn bỏ túi những kinh nghiệm thực tiễn khi đi nghiên cứu, những kiến thức ngoài ngành học, những mối quan hệ mới trong cuộc sống.
Hồ chia sẻ: “Khi theo đuổi một công trình nghiên cứu sáng tạo nào, bạn không chỉ cần kiên nhẫn, đam mê mà phải tìm được lối ra cho sự sáng tạo của mình. Sự sáng tạo đó phải thực tế và hãy theo đuổi nó tới cùng”.
Bình luận (0)