Thông tin trên được Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) dẫn nguồn trang Livescience. Theo đó, sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan-ATLAS) được phát hiện lần đầu tiên vào ngày 22.2 vừa qua bởi kính thiên văn đặt tại Nam Phi của dự án khảo sát khả năng va chạm của các tiểu hành tinh với Trái đất (viết tắt là ATLAS).
Các nhà thiên văn tại đài quan sát Tử Kim Sơn (Trung Quốc) cũng đã phát hiện sao chổi này vào tháng 1, vì thế cái tên thứ hai của sao chổi này (như trong ngoặc ở trên) là kết hợp tên của hai nơi đã phát hiện ra nó.
Theo VACA, hiện tại C/2023 A3 đang nằm ở khu vực giữa sao Thổ và sao Mộc. Nó đang di chuyển với vận tốc khoảng 290.000 km/h và theo ước tính thì sẽ tới gần Trái đất nhất vào ngày 23.10.2024. Theo tính toán quỹ đạo của các nhà thiên văn, sao chổi này di chuyển quanh mặt trời theo chu kỳ khoảng 80.660 năm.
Theo Earthsky, nó sẽ tới cận nhật (điểm gần mặt trời nhất) vào ngày 28.9.2024. Tất nhiên, việc này còn phụ thuộc vào việc sao chổi có giữ nguyên được hình dạng hay không.
“Các sao chổi thường là những khối băng, đá và bụi liên kết khá lỏng lẻo và dễ bị vỡ ra khi tới gần mặt trời. Nếu sao chổi sống sót được, nó có thể sẽ được nhìn thấy bởi các kính thiên văn nghiệp dư từ tháng 6.2024, trước khi tới gần cận nhật”, VACA thông tin.
Các nhà nghiên cứu cho biết ở cận nhật, sao chổi này sẽ nằm khá thấp ở bầu trời phía đông và khó được nhìn thấy đối với nhiều người quan sát ở Trái đất. Khi nó đã vượt qua cận nhật và tiến gần hơn tới Trái đất trên đường đi ra xa khỏi mặt trời, nó sẽ lại nằm cao trên bầu trời. Vào tháng 10.2024, người quan sát từ Trái đất sẽ thấy nó di chuyển từ khu vực của Serpens Caput (phần phía tây của chòm sao Serpens) sang tới Ophiuchus.
Earthsky cũng thông tin vào thời điểm nêu trên, sao chổi này sẽ sáng như những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm. Nó sẽ sáng hơn sao chổi C/2022 E3 đã đi ngang qua Trái đất hồi tháng 1 năm nay.
Trong khi C/2022 E3 có cấp sáng +4,6 (rất khó để nhìn thấy bằng mắt thường, nhất là ở những nơi ô nhiễm ánh sáng) thì C/2023 A3 có cấp sáng +0,7, và thậm chí khi sáng nhất có thể là -5 (tức là tương đương với thời điểm sáng nhất của sao Kim - thiên thể sáng nhất trên bầu trời đêm nếu không tính mặt trăng).
“Còn rất nhiều thông tin chưa được biết về thiên thể này, bao gồm cả kích thước của nó. Vì vậy, khả năng sống sót của nó khi tới đủ gần để có thể quan sát vẫn còn là vấn đề được quan tâm. Nhưng nếu nó thực sự sống sót và không mất đáng kể khối lượng của mình, nó sẽ là một điểm sáng đặc biệt đáng chú ý vào mùa thu năm sau”, các nhà nghiên cứu cho hay.
Bình luận (0)