Sao ngành giáo dục không được tuyển dụng, trả lương giáo viên?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/09/2023 15:36 GMT+7

Một trong những băn khoăn mà nhà giáo gửi đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đó là ngành giáo dục không thể quyết định việc tuyển dụng giáo viên để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay.

Trong tổng hợp ý kiến băn khoăn, đề xuất của nhà giáo gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới đây, có nội dung: "Đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục và quyết định sự thành công của sự nghiệp đổi mới giáo dục. Trong khi đó, ngành giáo dục lại không thể quyết định về tuyển dụng giáo viên để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên. Ngành giáo dục cũng không được quyết định về tiền lương và phụ cấp để đảm bảo cho giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề và thu hút được người giỏi trở thành giáo viên. Vậy sắp tới ngành có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này".

Sao ngành giáo dục không được tuyển dụng, trả lương giáo viên?   - Ảnh 1.

Các ứng cử viên thi tuyển dụng giáo viên năm 2023 tại Hà Nội

SỞ GD-ĐT HÀ NỘI

Trong phần giải đáp, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) không trả lời trực tiếp vào câu hỏi này mà nêu các khoản thu nhập của giáo viên: hiện nhà giáo được hưởng các chính sách bao gồm lương, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có), phụ cấp khu vực, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và một số chính sách khác. 

Đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục công tác tại miền núi, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được một số ưu đãi như: hưởng phụ cấp ưu đãi với mức cao hơn so với các nhà giáo dạy ở đồng bằng, thành phố; được hưởng thêm một số chế độ phụ cấp, trợ cấp khác như phụ cấp thu hút; phụ cấp công tác lâu năm; trợ cấp lần đầu;

Nhà giáo cũng được trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thanh toán tiền tàu xe khi nghỉ phép hoặc nghỉ tết hàng năm, phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, nước sạch; phụ cấp lưu động, trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

Theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, Bộ GD-ĐT được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất bảng lương ngành giáo dục và đào tạo theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và tính chất mức độ phức tạp của công việc. Trong đó, đã đề xuất phụ cấp ưu đãi nghề ở mức cao nhất, nhằm cải thiện một phần thu nhập của giáo viên

"Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng luật Nhà giáo, kỳ vọng những chính sách về tiền lương, phụ cấp, chính sách về tuyển dụng, sử dụng và bồi dưỡng giáo viên sẽ được quy định trong luật này", Bộ GD-ĐT cho biết thêm. 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kết thúc năm học 2022 - 2023, cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người so với năm học 2021 - 2022. Trong khi đó, "làn sóng" giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại, khi gần 9.300 giáo viên nghỉ việc trong năm học vừa qua. 

Trong 3 năm học, tính từ tháng 8.2020 đến tháng 8.2023, cả nước có trên 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên nghỉ hưu, bình quân mỗi năm khoảng 10.000 người. Trong khi đó, từ năm 2020 đến nay, số chỉ tiêu biên chế được giao gần 26.000. Nếu so sánh, số giáo viên nghỉ việc và số giáo viên được tuyển dụng đang có sự chênh lệch lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.