Trong khi Đan Mạch và Na Uy là thành viên của NATO thì hai nước Bắc Âu khác là Thụy Điển và Phần Lan trên danh nghĩa vẫn theo đuổi chính sách trung lập.
Mới đây, bộ trưởng quốc phòng hai nước này công bố chủ định thiết lập và tăng cường hợp tác quân sự song phương, viện dẫn mối đe dọa an ninh từ phía Nga. Họ quả quyết hai nước không có dự định thành lập liên minh quân sự tay đôi và càng không có ý định gia nhập NATO. Trong thực tế, hai nước này đã không chỉ xem xét lại quy chế trung lập truyền thống lâu nay mà còn đang tiếp tục chuẩn bị về pháp lý, thể chế và dư luận để từ bỏ quy chế ấy.
Cả hai đều là thành viên EU và tuy không tham gia NATO nhưng đều đã trở thành những đối tác đặc biệt của NATO. Việc từ bỏ quy chế trung lập để tham gia NATO hay thành lập liên minh quân sự mới không chỉ là bước ngoặt lịch sử đối với họ mà còn đối với cả châu Âu và rất nhạy cảm, khó khăn về đối nội chứ không đơn giản và dễ dàng như gia nhập EU.
Cả chính trường lẫn nội bộ xã hội ở hai nước từ khá lâu nay bị phân hóa sâu sắc bởi cuộc tranh luận nên duy trì hay từ bỏ quy chế trung lập. Chuyện xảy ra ở Ukraine và căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ, EU và NATO với Nga thời gian vừa qua tạo nguyên cớ hiếm có được và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện ý định trên. Gây dựng hợp tác quân sự song phương vào thời điểm hiện tại vừa khả thi về nội bộ và pháp lý đối với họ lại vừa là bước tiến mới cho việc bước qua lời nguyền.
Bình luận (0)