Sáp nhập phường ở TP.HCM: Rất nhiều vấn đề phải tính

Đình Phú
Đình Phú
29/05/2019 07:31 GMT+7

Việc sắp xếp, sáp nhập không đơn thuần là phép cộng cơ học, nhập 2 phường thành 1, mà phải có sự tính toán để giảm tối đa sự xáo trộn đời sống người dân.

Chiều 28.5, ông Trần Xuân Điền, Chủ tịch UBND Q.10 (TP.HCM), cho biết trong hôm nay 29.5, Thường trực UBND quận sẽ họp rà soát, nghe báo cáo cụ thể về việc sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp phường trên địa bàn có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định. Sau đó, Q.10 báo cáo để TP xem xét, quyết định.
Về phương án sắp xếp, ông Điền cho biết có rất nhiều vấn đề phải tính toán liên quan đến địa giới hành chính, chỉ tiêu quy hoạch, công tác cán bộ, đảm bảo sự ổn định trong sinh hoạt, kinh doanh của người dân... “Hai phường trong diện sắp xếp của Q.10 không nằm liền kề nhau. Do đó, việc tổ chức sắp xếp, điều chỉnh, sáp nhập vào đâu cũng phải được tính toán kỹ. Phương án cụ thể thì đến thời điểm này chưa có vì đang bàn bạc, tính toán, nhưng hướng tính toán chia nhỏ và sáp nhập vào phường liền kề cũng đang được đặt ra”, ông Điền nói.
Theo ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía nam (Bộ Nội vụ), quy mô phường, xã, thị trấn ở TP.HCM hiện cũng có những bất hợp lý. “Có phường chỉ 5.000 - 7.000 dân, nhưng cũng có phường như: Bình Hưng Hòa A (Q.Bình Tân) lên đến hơn 160.000 dân. Trong khi đó, khung bộ máy hành chính cũng như nhau, thì rõ ràng có sự bất hợp lý trong quản lý, tổ chức bộ máy”, ông Sơn nói và cho rằng bài toán sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã phải được giải một cách tối ưu, đảm bảo sự hài hòa giữa việc tổ chức, sắp xếp lại đơn vị hành chính cho hợp lý hơn và đảm bảo sự ổn định cho người dân trong sinh hoạt, kinh doanh buôn bán.
Cũng theo ông Sơn, một vấn đề quan trọng là tính toán phương án sáp nhập cần phải hạn chế tối đa sự xáo trộn, đặc biệt phải chủ động tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân điều chỉnh, cập nhật thông tin giấy tờ, hồ sơ, thậm chí phải tính đến việc hỗ trợ chi phí cho người dân giải quyết thủ tục hành chính thiết yếu và có liên quan sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính.
“Sáp nhập thì tinh giản, tiết kiệm được biên chế cán bộ, công chức. 2 ông chủ tịch phường thì chỉ còn 1; 2 ông bí thư phường thì cũng chỉ còn 1. Nhưng đây là chuyện “đụng đến con người”, nếu làm không khéo thì sinh ra nhiều chuyện. Chúng ta tinh gọn bộ máy nhưng đòi hỏi luôn phải đặt ra là sự tinh gọn đó phải đi liền với việc nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý”, ông Sơn nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.