Sắp xếp bàn thờ, bày mâm ngũ quả ngày tết thế nào cho đúng?

02/02/2019 11:38 GMT+7

Những ngày sát tết, nhà nào cũng bận rộn lau chùi, dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ để đón ông bà. Nhưng lau dọn, sắp xếp bàn thờ như thế nào cho đúng thì không phải ai cũng biết.

Người Việt Nam tin rằng thờ cúng tổ tiên là để ghi nhớ nguồn gốc, thể hiện sự kính trọng với ông bà đã khuất. Do vậy mà bàn thờ tổ tiên thường hay được đặt ở gian giữa nhà chính, vị trí trang trọng nhất của căn nhà.
Cứ tết đến, nhà nào cũng lau rửa bàn thờ, đồ thờ sạch sẽ, nhà nào có lư đồng thì mang đi đánh bóng sáng choang để chuẩn bị trang hoàng cúng kiếng vào dịp đặc biệt này.
Theo chuyên gia nghiên cứu văn hóa Dương Hoàng Lộc, ở các vùng quê, cuối năm nhà nào cũng bận rộn gói bánh chưng, bánh tét rồi thay phiên nhau canh lửa của hồi bánh. Nhiều nhà họ hàng, làng xóm góp lại với nhau mổ con heo để làm chả giò. Một số nơi đúng chiều 30 tết là nấu nước ngũ vị hương rồi vẩy nước lên bàn thờ, trong bếp để tẩy uế. 
Ông Dương Hoàng Lộc cho biết, người Việt thường bắt đầu dọn dẹp bàn thờ sau ngày chạp mả (sau rằm tháng Chạp), chùi rửa và đánh bóng lư đồng, thay bát nhang, làm sạch bàn thờ, không để vướng bụi.
Theo ông Lộc, ngày xưa người ta thờ ông bà bằng tranh kính nên thường lấy nước nhúng khăn ướt hoặc dùng giấy lau sạch sẽ. Còn với tượng thờ Phật, tượng ông Thần tài, Thổ địa thì được "tắm" bằng rượu để thơm tho, thanh tẩy bụi bặm.
Ngoài trái cây, các món ăn truyền thống cũng không thể thiếu trên bàn thờ Ảnh minh họa: TNO
Ông Lộc lưu ý: “Nguyên tắc trình bày trên bàn thờ là “đông bình, tây quả”. Tức là mình đứng hướng bàn thờ nhìn ra rồi để bình bông ở tay phải, mâm ngũ quả để bên trái thì mới đúng, nhiều nhà hiện nay vẫn để sai”.
Bắt đầu từ tối 30, nhà nhà bắt đầu trưng bày mâm ngũ quả lên bàn thờ. Người miền Nam vì có điều kiện với trái cây quanh năm nên thường chọn 5 loại quả có ý nghĩa biểu tượng như: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài và sung. Theo cách phát âm trong miền Nam có thể đọc hiểu thành: “cầu vừa đủ xài” hay “cầu vừa đủ xài sung”, “cầu sung vừa đủ xài”…
Theo ông Lộc, người miền Nam cũng kiêng một số loại trái cây không bày trên mâm cúng do tên gọi, như trái chuối khi phát âm nghe thành “chúi”, nghĩa là làm ăn bị xuống dốc, không lên được. Người miền Nam cũng không cúng trái bom (táo) vì tên gọi bom là làm ăn thất bại, không cúng trái lê vì lê có thể hiểu là lê lết, không cúng sầu riêng vì sợ “sầu” cả năm…
Tuy nhiên, ngày nay do trồng nhiều dưa hấu, bưởi nên người ta cũng chọn những quả dưa tròn trịa hoặc bưởi da xanh để bày lên mâm cúng. Người ta tin rằng hết 3 ngày tết, chẻ ra trái dưa hấu ruột đỏ au, mọng nước thì năm đó gia chủ làm ăn phát tài, còn trái dưa bị thối hay không đỏ ruột thì làm ăn thất bát. Trái bưởi da xanh ruột hồng, tròn trịa cũng mang ý nghĩa tương tự như vậy. Hay bánh tét khi cắt ra mà bị xì, bị sượng là một năm xui rủi của gia chủ.
Ngược lại, người miền Bắc lại thường cúng chuối vì cho rằng nải chuối như bàn tay Phật, mang ý nghĩa no đủ, bao trùm thì sẽ cho gia chủ một năm làm ăn may mắn, đủ đầy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.