Sắp xét xử đường dây buôn lậu 1.287 container hàng

Phan Thương
Phan Thương
25/04/2023 07:17 GMT+7

Theo lịch xét xử, từ ngày 8 - 12.5, TAND TP.HCM sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Hoàng Duy Tiến, Võ Văn Đông (cựu cán bộ Công an TP.HCM) và 24 đồng phạm tội "buôn lậu". Số tiền các bị can đã buôn lậu là hơn 217 tỉ đồng.

Trong vụ án, bị cáo Hoàng Duy Tiến và các đồng phạm bị xét xử ở khoản 4 điều 188 bộ luật Hình sự (khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù), riêng bị cáo Võ Văn Đông bị xét xử ở khoản 3, có thể bị phạt tiền từ 1,5 - 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 7 - 15 năm.

LẬP HÀNG CHỤC CÔNG TY NHẬP HÀNG LẬU

Theo cáo trạng, trong thời gian dài, Tiến và đồng phạm đã thực hiện hành vi nhập lậu một số lượng đặc biệt lớn máy móc, thiết bị đã qua sử dụng từ nước ngoài về Việt Nam.

Cụ thể, bị cáo Hoàng Duy Tiến là người am hiểu các quy định về hải quan, và biết rõ Quyết định số 18/2019 của Thủ tướng quy định chặt chẽ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào Việt Nam nhưng Tiến vẫn móc nối với các chủ hàng, tự thành lập công ty rồi nhập khẩu trái pháp luật các máy móc, thiết bị cũ từ Nhật Bản, Trung Quốc… để kinh doanh mua bán, nhằm hưởng lợi bất chính. Để thực hiện hành vi trên, Hoàng Duy Tiến đã lập 47 công ty, rồi trực tiếp sử dụng pháp nhân của 45 công ty để làm thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Sắp xét xử đường dây buôn lậu 1.287 container hàng - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện 6 container hàng hóa là thiết bị, máy móc cơ giới cũ từ Nhật Bản, Đài Loan

HOÀNG TUYỀN

Toàn bộ các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các lô hàng hóa đều được Tiến và đồng phạm điều chỉnh nội dung, làm giả, lập khống trở thành đủ điều kiện theo quy định của Quyết định 18 (chỉnh sửa năm sản xuất chỉ trong thời gian từ 2014 - 2015, mục đích nhập là "phục vụ cho hoạt động sản xuất").

Sau đó, Tiến thỏa thuận giao lại thiết bị cho các chủ hàng để mua bán kiếm lời. Chi phí các chủ hàng trả cho Tiến là 78 - 90 triệu đồng/container tùy thời điểm, trong đó Tiến sẽ lo toàn bộ chi phí đóng thuế, trả tiền vận chuyển hàng về kho, chi phí trả cho công ty giám định, chi phí cho cán bộ kiểm hóa của hải quan...

Cáo trạng xác định Hoàng Duy Tiến là chủ mưu của vụ án. Từ khoảng tháng 9.2019 - 5.2021, Hoàng Duy Tiến sử dụng tư cách pháp nhân của 45 công ty, mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu trót lọt 1.287 container hàng, với tổng giá trị tài sản hàng hóa nhập lậu là hơn 217 tỉ đồng

Hoàng Duy Tiến cũng thuê một số người làm thủ tục thành lập các công ty, làm hồ sơ nhập khẩu, làm thủ tục hải quan, giao dịch thanh toán chi phí cho các hoạt động liên quan...

LẬP KHỐNG CHỨNG THƯ GIÁM ĐỊNH

Để hàng hóa đủ thủ tục thông quan theo Quyết định 18, Hoàng Duy Tiến đã móc nối với Công ty CP giám định Đại Minh Việt để lập các biên bản hiện trường giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung khống để cung cấp cho cơ quan hải quan cho đủ thủ tục thông quan theo quy định.

Đối với các bị can là nhân viên Công ty CP Giám định Đại Minh Việt, cáo trạng xác định mặc dù không thỏa thuận với Tiến về việc nhập khẩu hàng hóa máy móc, thiết bị cũ về Việt Nam để tiêu thụ nhưng các bị can là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phòng giám định, giám định viên hoàn toàn biết rõ và buộc phải biết các quy định của Quyết định 18.

Tuy nhiên, các bị can đã bất chấp các quy định của pháp luật, lập khống biên bản, cũng như cấp khống chứng thư giám định, bỏ mặc hậu quả xảy ra để Hoàng Duy Tiến và đồng phạm hợp thức hóa hồ sơ thông quan hàng hóa trót lọt.

Ngoài các bị can trên, một số bị can là chủ hàng của Hoàng Duy Tiến do có nhu cầu mua bán các mặt hàng máy móc, thiết bị cũ đã móc nối, thỏa thuận với Tiến để nhờ nhập lậu hàng hóa về Việt Nam, sau đó giao lại cho các bị can để kinh doanh mua bán kiếm lời, không có máy móc, thiết bị nào được nhập về để phục vụ sản xuất kinh doanh. Hành vi của các bị can đều là đồng phạm tội buôn lậu với Hoàng Duy Tiến.

Đối với bị cáo Võ Văn Đông, theo cáo trạng, Đông và Tiến công tác cùng đội. Quá trình làm việc chung, khoảng tháng 2.2021, Đông gặp Tiến nói Đông có người bạn có nhu cầu cần nhập khẩu các container hàng máy móc cũ từ nước ngoài vào Việt Nam, nên gợi ý hỏi Tiến để thỏa thuận nhận làm và Tiến đồng ý nhận nhập khẩu các container hàng từ nước ngoài về cho Đông với chi phí 90 triệu đồng/container.

Hoàng Duy Tiến trực tiếp nhận thông tin bill tàu, danh sách hàng của container hàng máy móc thiết bị cũ từ Võ Văn Đông mà không thông qua nhân viên của Tiến. Sau đó, Tiến chỉ đạo nhân viên làm hồ sơ, thủ tục nhập khẩu các container tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, tương tự như các chủ hàng khác.

Từ khoảng tháng 2.2021 đến ngày 24.5.2021, Hoàng Duy Tiến đã làm thủ tục, hồ sơ nhập khẩu và vận chuyển trót lọt về kho cho Võ Văn Đông 6 container máy móc, thiết bị đã qua sử dụng tính theo tờ khai hàng hóa nhập, tương đương hơn 900 triệu đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.