Các nhà khoa học Đức, Hà Lan và Mỹ trong nghiên cứu cho biết trong một số trường hợp, sẹo và tổn thương ở thận có thể kéo dài ngay cả khi đã khỏi Covid-19.
Trưởng nhóm nghiên cứu - tiến sĩ Rafael Kramann, Giám đốc Viện Y học thực nghiệm và sinh học hệ thống, Bệnh viện Đại học RWTH tại Aachen (Đức), cho biết: “Các nghiên cứu trước đó đã cho thấy SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang các tế bào thận. Tuy nhiên, điều bất ngờ là nó cũng liên quan đến quá trình xơ hóa, hình thành sẹo”.
Nhóm đã nghiên cứu trên 89.000 bệnh nhân Covid-19 và nhận thấy cả bệnh nhân nặng và nhẹ đều có nguy cơ cao gặp phải các tổn thương thận dai dẳng. Câu hỏi được đặt ra, các tổn thương thận là hệ quả của quá trình viêm được kích hoạt bởi hệ thống miễn dịch của bệnh nhân với Covid-19 hay do chính vi rút trực tiếp gây ra?
Nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy mô hình thận thu nhỏ bằng công nghệ tế bào gốc trong phòng thí nghiệm và cho tiếp xúc với SARS-CoV-2. Kết quả cho thấy vi rút trực tiếp tổn thương đến thận và không liên quan đến phản ứng của hệ miễn dịch. Các tổn thương này sau đó để lại các vết sẹo lâu dài ở thận.
Tự kháng thể sinh ra khi nhiễm Covid-19 có thể gây hại cho cơ thể |
Tiến sĩ Ziyad Al-Aly, Giám đốc Trung tâm Dịch tễ học lâm sàng tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA St.Louis (Mỹ), chia sẻ trên trang Healthday: “Nghiên cứu cho thấy các tổn thương dẫn đến suy giảm chức năng và các bệnh về thận. Ai cũng có thể mắc Covid-19 kéo dài nhưng nguy cơ cao hơn vẫn là nhóm bệnh nhân có bệnh nền. Lời khuyên tốt nhất bây giờ là tránh lây nhiễm Covid-19”.
Bình luận (0)