Sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt

30/06/2023 06:17 GMT+7

Mưa lớn kéo dài xảy ra từ chiều 28.6 đến rạng sáng 29.6 khiến nhiều nơi trên địa bàn TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) bị sạt lở, trong đó nghiêm trọng nhất là tại hẻm 36 Hoàng Hoa Thám, P.10.

Thông tin ban đầu, khoảng 2 giờ 30 sáng 29.6, bờ kè ta luy đúc bằng bê tông khu vực hẻm 36 Hoàng Hoa Thám bị sạt trượt kéo theo hàng ngàn mét khối đất đá đổ xuống khiến nhiều người dân không kịp trở tay, một số người bị vùi lấp.

Sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt - Ảnh 1.

Bờ kè bê tông bị sụp đổ có công trình phía trên

Có mặt tại hiện trường sau sự cố sạt trượt, PV Thanh Niên chứng kiến cảnh nhà cửa tan hoang cùng đất đá, bê tông chồng đè lên nhiều nhà dân, lấp hết đường đi tại hẻm. Phía trên cao điểm sạt lở vẫn còn khối bê tông khổng lồ lơ lửng, nằm dọc đoạn bờ kè ta luy dài khoảng 30 m và cao 9 m, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.

Hỗ trợ các nạn nhân vụ sạt lở đất ở Đà Lạt hơn 230 triệu đồng

Thương vong lớn

Tại hiện trường, một khối bê tông khổng lồ bị sạt trượt san bằng ngôi nhà 2 tầng, 1 lán trại của công nhân cạnh nhà này bị vùi lấp cùng một số nhà khác bị nghiêng, sập một phần. Con đường hẻm 36 Hoàng Hoa Thám nối qua đường Khe Sanh bị đất đá, bê tông chắn lấp không thể lưu thông.

Anh Lê Minh Quân (người dân sống cạnh hiện trường sạt lở) kể lại: "Khuya hôm qua, tôi nghe một tiếng động rất lớn, điện chớp nháy, tôi mới chạy ra xem thì thấy hiện trường (tan hoang) như vậy. Ta luy sập xuống, nhà thì đổ, mọi người hô hoán, la thất thanh. Tôi có chạy xuống căn biệt thự 4 tầng phụ giúp và kéo ra được 1 người".

Ngay sau khi vụ sạt trượt bờ kè ta luy xảy ra, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo TP.Đà Lạt có mặt tại hiện trường, chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện việc cứu người đang mắc kẹt trong những ngôi nhà và khối đất đá.

Sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ tìm 2 vợ chồng bị chôn vùi dưới khối bê tông

Lực lượng chức năng dùng kích thủy lực cùng cây chống thép (5 thiết bị chống sập); cử cán bộ theo dõi ngôi nhà chống sập và đảm bảo an toàn, cắt điện toàn khu vực. Triển khai máy đục sử dụng bình khí nén; chia cán bộ chiến sĩ thành từng tổ mỗi tổ gồm 3 người thay phiên nhau thực hiện (trong môi trường chật hẹp, không gian hạn chế).

Đến 5 giờ 15 cùng ngày lực lượng cứu hộ đưa được các nạn nhân gồm: Bùi Đỗ Gia Uyên (27 tuổi), bà Đỗ Thị Kim Nhung (63 tuổi) và ông Bùi Thế Phiệt (64 tuổi) ra khỏi ngôi nhà bị sập nghiêng và chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu. Ngoài ra còn có 2 nạn nhân trong ngôi nhà đã tự thoát ra ngoài gồm anh Bùi Đức Huy (32 tuổi) và chị Nguyễn Thùy Nhi (24 tuổi).

Tuy nhiên, có 2 vợ chồng công nhân bị vùi lấp dưới khối bê tông và đất đá gồm: ông Phạm Khánh (47 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hồng Vẹn (45 tuổi, cùng ngụ tỉnh Phú Yên). Sáng 29.6, lực lượng Cảnh sát PCCC-CHCN tỉnh Lâm Đồng đã đưa phương tiện, chó nghiệp vụ đến hiện trường để tìm kiếm 2 người mất tích. Đến 10 giờ 15 cùng ngày xác định được vị trí 2 nạn nhân bị vùi lấp, tuy nhiên đến 12 giờ mới đưa được thi thể người vợ ra khỏi đống đổ nát; tiếp đó 13 giờ 15 đưa được thi thể người chồng ra khỏi khối bê tông. Chiều cùng ngày UBND TP.Đà Lạt hỗ trợ phương tiện, tài chính để người thân đưa thi thể 2 vợ chồng xấu số về Phú Yên lo chuyện hậu sự.

Ngay trong đêm (29.6), UBND P.10 đã di dời khẩn cấp người ở 3 hộ lân cận ra khỏi nơi nguy hiểm vì nguy cơ bị sạt lở đất đe dọa gây sập.

Sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt - Ảnh 3.

Toàn cảnh hiện trường sạt trượt đất và bờ kè

LÂM VIÊN

Công trình được cấp phép xây dựng

Theo ông Đặng Quang Tú - Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, đây là khu vực có địa hình ta luy âm, công trình đang thi công kè bê tông (bị sụp đổ) và đổ đất vào để tạo nền. Vị trí tổ hợp rất nhiều bất lợi về địa hình do thuộc vùng sườn đồi, nền đất yếu và chịu lượng lớn nước mặt từ khu vực trên cao đổ xuống và chảy vào bờ kè. Mặt khác, khu vực này chưa được xây dựng mương thoát nước; lưu lượng mưa lớn, hệ thống thoát nước chưa được chủ đầu tư triển khai xây dựng đã gây tràn nước qua phía ta luy âm, gây phá vỡ nền đất tự nhiên, phá hủy kết cấu đất, làm nền đất suy yếu dẫn đến sạt lở đất và sụp đổ bờ kè chắn đất.

Ông Tú cho biết thêm bờ kè bị sụp đổ được TP cấp phép xây dựng, các công trình trong khu vực bị thiệt hại do sạt trượt đất đều có giấy phép xây dựng. Ngay trong chiều 29.6, UBND TP.Đà Lạt đình chỉ xây dựng toàn bộ các công trình tại khu vực sạt trượt thuộc hẻm Hoàng Hoa Thám (P.10) và các công trình đã cấp phép xây dựng có độ dốc lớn, độ chênh ta luy âm/dương lớn… có nguy cơ sạt trượt trong mùa mưa để tiến hành rà soát, đánh giá, quan trắc mức độ an toàn.

Sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt - Ảnh 4.

Tạm đình chỉ công tác Trưởng phòng QUẢN LÝ ĐÔ THỊ Đà Lạt

Chiều 29.6, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc gửi các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP yêu cầu khẩn trương thực hiện các nội dung liên quan việc đầu tư xây dựng công trình trên mái ta luy có độ dốc cao, có nguy cơ sạt trượt trên địa bàn.

Theo đó, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan, UBND TP.Đà Lạt kiểm tra, đánh giá việc cấp giấy phép xây dựng công trình của UBND TP.Đà Lạt. Kiểm tra toàn bộ quá trình thi công, công tác giám sát thi công công trình theo giấy phép được cấp (xây dựng bờ ta luy - PV)... đối chiếu các quy định hiện hành, điều kiện địa hình thực tế để làm rõ, báo cáo đề xuất UBND tỉnh.

Sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt - Ảnh 5.

LÂM VIÊN

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tạm thời đình chỉ công tác đối với Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Đà Lạt để kiểm tra, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cá nhân trưởng phòng và các tập thể, cá nhân có liên quan trong việc cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, giám sát xây dựng tại khu vực nêu trên. Dừng cấp phép xây dựng đối với các công trình ở những vị trí có độ dốc lớn, khu vực ta luy âm/dương cao có nguy cơ sạt trượt và không đảm bảo điều kiện an toàn để xây dựng công trình. Chịu trách nhiệm toàn bộ về việc cấp phép đối với các công trình tại những khu vực này.

Vụ sạt lở kinh hoàng ở Đà Lạt: Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm nếu có vi phạm

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm nếu có vi phạm

Ngày 29.6, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký công điện của Thủ tướng về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất ở Đà Lạt (Lâm Đồng) và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên; tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị nạn; chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các sự cố sạt lở tương tự, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất đai và hoạt động xây dựng (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.

Đình Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.